(vhds.baothanhhoa.vn) - Trận đại dịch Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt cho ngành y. Sau hơn 3 tháng cùng các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng dịch, y tế Việt Nam nói chung và ngành y Thanh Hóa nói riêng đã thể hiện được bản lĩnh, năng lực khi vững vàng vượt qua đại dịch, thể hiện vai trò nòng cốt với hàng triệu y bác sỹ là những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt qua đại dịch (Kỳ 2): Lửa thử vàng

Trận đại dịch Covid-19 như một phép thử khắc nghiệt cho ngành y. Sau hơn 3 tháng cùng các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp phòng dịch, y tế Việt Nam nói chung và ngành y Thanh Hóa nói riêng đã thể hiện được bản lĩnh, năng lực khi vững vàng vượt qua đại dịch, thể hiện vai trò nòng cốt với hàng triệu y bác sỹ là những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch.

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại CDC Thanh Hóa.

Dự phòng luôn bên dân

Là lực lượng y tế gần dân nhất, y tế cơ sở trở thành người “gác cổng” vững chắc, chắc chắn trong những ngày, tháng chống dịch vừa qua. Chưabao giờ các trạm y tế (TYT) lại phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt như những ngày qua. Ngày thường đã vất, dịch bùng phát, bước chân của họ càng vội vã hơn, cứ thế len lỏi trong từng ngóc ngách, ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà dân cùng chống dịch.

Một trong những biện pháp trọng yếu để ngăn chặn và dập dịch là khoanh vùng, điều tra dịch tễ và công việc này đã được các TYT làm rất tốt. Điển hình, là TYT xã Định Hòa, huyện Yên Định. “Ngay khi ca dương tính với SARS-CoV-2 được xác định tại xã, trạm lập tức điều tra dịch tễ, khoanh vùng tổng số người liên quan là F1, tiếp tục điều tra khoanh vùng đến F2. Những người này được yêu cầu cách ly tại nhà và ngày 2 lần, nhân viên trạm xuống đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn biện pháp cách ly tại nhà” - chị Ngô Thị Bình - Trạm trưởng TYT xã cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, TYT là lực lượng “siêng” và có mặt ở nhà dân nhiều nhất trong những ngày phòng, chống dịch vừa qua và cho đến tận bây giờ. Mỗi trạm tuy chỉ từ 3 - 5 cán bộ, nhân viên nhưng họ đã đi “từng ngõ, gõ từng nhà” gặp từng trường hợp để vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch. Anh Nguyễn Tất Trung - Trạm trưởng TYT xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa, chia sẻ: “Để có thể trực tiếp đến với hơn 2.000 hộ gia đình trong xã, chúng tôi chia khu vực cho từng người và xác định làm ngày chưa xong thì tiếp tục làm đêm, làm đến lúc nào xong mới thôi. Biết là vất vả đấy, nhưng đây là lúc xã hội cần mình, cũng là lúc bản thân y bác sỹ thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đối phó với đại dịch tất cả mọi người đều cố gắng, thì y bác sỹ chúng tôi phải cố gắng gấp đôi, vì nghề và vì xã hội”.

Bên cạnh đó, việc điều tra di biến động dân số, xử lý những trường hợp liên quan đến các ổ dịch lớn trong cả nước, thì TYT luôn là người đi đầu. Liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sơn... khi đang trong thời gian chờ danh sách từ phía bệnh viện thì TYT đã chủ động các kênh thông tin riêng nắm bắt danh sách những người liên quan và đi trước một bước trong thực hiện khoanh vùng, cách ly. "Việc đi trước, đón đầu” cũng là phương châm của nhiều TYT trên địa bàn “không thể chờ trường hợp nghi ngờ về đến nơi cư trú thì mình mới phát hiện, như vậy là quá muộn. Trước đó, chúng tôi đã điều tra dân số kỹ càng từng hộ, nắm rõ hộ nào có con em đi làm ăn xa, ở đâu, có ý định trở về hay không... tất cả những hộ này đều phải ký cam kết, đồng thời nhân viên y tế cùng với tổ giám sát thực hiện giám sát liên tục gia đình, cá nhân có nguy cơ”, anh Đỗ Văn Tính - Trưởng TYT xã Thăng Long, huyện Nông Cống nói.

Một điều cảm động nữa mà cán bộ, nhân viên TYT mang đến đó là sự động viên, khích lệ với những trường hợp cách ly, nghi nhiễm. Trong lúc lo lắng, sợ hãi vì phải cách ly nhưng cán bộ trạm vẫn thường xuyên xuống nhà, bằng nhiều hình thức giao tiếp, động viên an ủi, giúp người dân hiểu rõ tình trạng hiện tại của mình, từ đó tạo niềm tin, sự đồng cảm giữa người dân và cán bộ. Gần dân, hiểu dân và luôn bên dân những lúc dân cần nhất, đó là điều mà hệ thống y tế cơ sở của tỉnh đã và đang làm rất hiệu quả, nhất là trong những tháng phòng chống dịch bệnh vừa qua.

Khẳng định năng lực điều trị

Ngày 3/2/2020 đánh dấu thành công bước đầu của Thanh Hóa trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, là ngày bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 được xuất viện sau 15 ngày điều trị. Đây cũng là một trong những bệnh nhân Covid-19 được ra viện sớm nhất lúc bấy giờ. Ông Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, kể lại những ngày điều trị cho ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở tỉnh: “SARS-CoV-2 là chủng hoàn toàn mới, chúng ta có phác đồ nhưng chưa có phác đồ điều trị chuẩn, không có thuốc điều trị đặc hiệu nên phải điều trị triệu chứng. Quá trình điều trị, bệnh viện huy động bác sỹ giỏi, chuyên môn vững và thường xuyên phối hợp với khoa, phòng liên quan để không bỏ sót bất kỳ triệu chứng bệnh lý nào của bệnh nhân”.

Về sau, Bệnh viện Phổi Thanh Hóa được chọn là bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với các cấp độ cao dần, sẵn sàng chuyển toàn bộ bệnh viện thành “bệnh viện điều trị Covid-19” với 500 giường bệnh. Đáp ứng năng lực điều trị bệnh, các bệnh viện tuyến tỉnh sẵn sàng hội chẩn liên viện, hỗ trợ chuyên môn và nhân lực cùng Bệnh viện Phổi điều trị Covid-19. Điển hình là việc mổ thành công ca bệnh chửa ngoài tử cung bị vỡ của bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến huyện đều xây dựng phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở từng cấp độ. Đồng thời, phát triển việc khám bệnh từ xa với Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Sơn, Triệu Sơn (là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Song song với đó, Thanh Hóa nâng cao năng lực xét nghiệm, sàng lọc bệnh nhân Covid-19. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) đã được đầu tư trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực tự chủ thực hiện việc sàng lọc bệnh nhân Covid-19. Tiến sỹ Lương Ngọc Trương - Giám đốc CDC Thanh Hóa, cho biết: “Trong công tác phòng, chống dịch thì sức ép từ việc xét nghiệm cộng đồng là rất lớn. Thanh Hóa có lượng lớn người đi làm việc, học tập tại nước ngoài, số lượng người trở về liên tục tăng, tiền sử dịch tễ phức tạp... Nhu cầu xét nghiệm và những mối nguy đó từng bước được trung tâm đáp ứng, hóa giải, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống dịch Covid-19”.

Những năm qua, Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho ngành y, nhằm đưa y tế trở thành một trong năm trụ cột phát triển của tỉnh. Vì vậy, ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc thì Thanh Hóa đã vận hành hệ thống phòng chống dịch từ tỉnh đến địa phương, tất cả đội ngũ y bác sỹ từ TYT đến các bệnh viện tuyến tỉnh tiếp tục được tập huấn, củng cố kiến thức, kỹ năng đối phó với dịch bệnh. Dịch bệnh xâm nhập, chúng ta không hề hoang mang, lo lắng mà ngược lại là sự bình tĩnh, khẩn trương, nhanh nhạy từ trong tình hình chủ động đưa ra những giải pháp, việc làm hiệu quả nhất. Biết rằng, để người dân an toàn đi qua đại dịch, công lao không bao giờ của riêng ngành y tế mà là sự chung tay, phối hợp nhịp nhàng của tất cả các ngành dựa trên sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Nhưng hình ảnh những chiến sỹ áo trắng trên mặt trận chống “giặc dịch” thời gian qua sẽ là hình ảnh đẹp, nhiều cảm xúc, nhân văn. Họ là hình ảnh của ngành y tế Thanh Hóa được thử thách, tôi luyện, như những thỏi vàng được thử thách qua lửa đỏ để trưởng thành, khẳng định năng lực trước những trận đại dịch.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]