(vhds.baothanhhoa.vn) - Liều vắc xin quý nhất giữa đại dịch Covid-19 chính là tình người. Những suất cơm miễn phí, những chiếc lá lành sẵn sàng đùm bọc, cưu mang những chiếc lá chưa lành, thậm chí “những chiếc lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Tất cả những hành động đẹp đó đã gắn kết thêm tình người, giúp chúng ta vững tin luôn có nghĩa đồng bào trong gian khó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt qua đại dịch (Kỳ cuối): Nghĩa đồng bào trong gian khó

Liều vắc xin quý nhất giữa đại dịch Covid-19 chính là tình người. Những suất cơm miễn phí, những chiếc lá lành sẵn sàng đùm bọc, cưu mang những chiếc lá chưa lành, thậm chí “những chiếc lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Tất cả những hành động đẹp đó đã gắn kết thêm tình người, giúp chúng ta vững tin luôn có nghĩa đồng bào trong gian khó.

Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều ngành nghề sản xuất bị đình trệ, phá sản. “Dòng chảy” kinh tế bị đóng băng bởi cách ly xã hội, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ, nhất là những người nghèo cuộc sống thêm chật vật với gánh nặng mưu sinh. Chính trong gian khó ấy, nhân dân Thanh Hóa ở mọi tầng lớp, lứa tuổi đều có những nghĩa cử cao đẹp, tiếp nối truyền thống tương thân tương ái của cha ông ta từ bao đời nay. Đó là những em nhỏ dành tiền sinh nhật, tiền tiết kiệm để ủng hộ vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Em Lê Tiến Quân (học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Điện Biên 1, TP Thanh Hóa) đã viết một bức thư gửi cho Thủ tướng Chính phủ, kèm 300 nghìn đồng tiền bà cho sinh nhật để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung thư có đoạn: “Nhân dịp sinh nhật cháu, cháu được bà tặng cho một ít tiền để mua sách đọc. Tuy nhiên, mấy ngày nay cháu xem trên truyền hình và được biết dịch bệnh Covid-19 đang lây lan rất nhanh và rất nguy hiểm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ chung tay quyên góp ủng hộ để chống dịch Covid-19. Cháu xin ủng hộ món quà nho nhỏ đã dành dụm cho Chính phủ để chung tay chống lại đại dịch Covid-19”.

Lãnh đạo Thành Đoàn TP Thanh Hóa trực tiếp tặng Giấy khen cho em Lê Tiến Quân, học sinh lớp 3B, Trường Tiểu học Điện Biên 1, TP Thanh Hóa.

Còn em Hoàng Khắc Đồng (11 tuổi, học sinh Trường Tiểu học Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa) quyên toàn bộ số tiền dành dụm bấy lâu trong con lợn đất nhỏ để ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19. Em tâm sự: “Lâu nay, cháu cũng tiết kiệm được ít tiền của ông bà, bố mẹ, các bác mừng tuổi cho cháu dành dụm bỏ vào con lợn. Hôm qua cháu mổ ra đếm được 475 nghìn đồng, mẹ cháu cho thêm 25 nghìn là đủ 500 nghìn đồng. Nay cháu xin được ủng hộ góp phần nhỏ bé để chống dịch Covid-19”.

Và những cụ già, người có công cũng góp sức mình vào công cuộc chống dịch. Đó là cụ Vũ Thị Thân, 90 tuổi ở thôn Đắc Cốc, xã Yến Sơn, huyện Hà Trung. Cụ Ngân là mẹ liệt sỹ, còn có 1 người con là thương binh. Cụ chia sẻ: “Tôi xem ti vi thấy Đảng, Chính phủ phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Tôi già rồi không còn đủ sức tham gia phòng chống dịch, tôi chỉ có một chút tiền nhỏ tiết kiệm được ủng hộ để mong sao dịch bệnh sớm được khống chế”... Cụ đã góp 1 triệu đồng từ khoản tiền tiết kiệm mẹ liệt sỹ vào quỹ. Được biết, con dâu cả của cụ cũng ủng hộ hơn 5 triệu đồng cho Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 huyện Hà Trung.

Đã có rất nhiều người cao tuổi, người có công với cách mạng, tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn dành những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi góp vào quỹ phòng, chống dịch như cụ Lê Thị Niệm thôn Côn Sơn, xã Trung Thành, huyện Nông Cống đạp xe lên UBND xã cùng với bức thư và số tiền 1 triệu đồng; cụ bà Nguyễn Thị Phấn, 107 tuổi, tại khu phố Vĩnh Thành, phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn đã mang số tiền tiết kiệm 10 triệu đồng ủng hộ chống Covid-19... Đây thực sự là những hình ảnh đẹp, đầy tính nhân văn và gây xúc động mạnh cho nhiều người.

Một hình ảnh đẹp, khó quên trong những tháng chống dịch là hình ảnh về những cây ATM gạo miễn phí. Hơn 20 tấn gạo miễn phí đã được phát đến tận tay hàng nghìn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là con số ấn tượng đến từ sáng kiến cây ATM gạo miễn phí của Trường Đại học Hồng Đức (TP Thanh Hóa). Với mong muốn san sẻ khó khăn với những lao động tự do bị mất việc làm, người già, người nghèo... những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, Trường Hồng Đức đã nghiên cứu, sáng chế ra máy ATM gạo, người dân chỉ cần ấn nút trên máy, gạo sẽ chảy ra, mỗi lần được khoảng 3 kg. Ý tưởng đặc biệt này vừa giúp cho những người lao động nghèo có cái ăn trong lúc khó khăn mà vẫn bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Cây ATM gạo này không chỉ luôn tuôn trào gạo, mà còn tràn đầy cả lòng nhân ái khi ngày càng có nhiều tấm lòng thảo thơm mang gạo đến cùng chung sức, đồng hành cùng những người nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn... Chưa bao giờ giữa thời bình mà tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lại được nhắc đến nhiều như những tuần vừa qua. Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng không chỉ là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, mà còn là điểm sáng trong hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh kém may mắn trong đại dịch.

Trước đó, tại thời điểm dịch mới bắt đầu thì khẩu trang y tế và nước sát khuẩn là hai mặt hàng “hot” và khan hiếm trên thị trường. Giữa lúc khẩu trang và nước sát khuẩn bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng thì vẫn đều đặn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp. “Khẩu trang không bán, ai cần lấy dùng từ 1-2 cái”, “Tặng khẩu trang miễn phí” là những dòng chữ tại cửa hàng thuốc Hoàng An (252 Trần Phú, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) và rất nhiều cửa hàng thuốc, tập thể đã quyên tặng khẩu trang miễn phí cho nhân dân. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ tiền mặt, vật tư phòng dịch... cho các địa phương, lực lượng tuyến đầu.

Sẽ phải rất lâu sau những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra mới được khắc phục triệt để, tuy nhiên chắc chắn rằng trước, trong và sau thời gian chống đại dịch thì tình người xứ Thanh sẽ tiếp tục được phát huy, như đã thể hiện đậm nét trong mấy tháng qua. Sau dịch, chúng ta có thể tự hào rất nhiều điều, từ các quyết sách hợp lý, quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền Thanh Hóa đến sự nỗ lực tuyệt vời của ngành y tế và chúng ta cũng không quên sự nghĩa tình của người dân trên địa bàn trong một hoàn cảnh đầy thử thách. Chính những nghĩa cử cao đẹp ấy đã gắn kết bền chặt thêm tình người, tạo thêm sức mạnh cho khối đại đoàn kết để chiến thắng đại dịch Covid-19. Và những nghĩa cử thông qua những việc làm giản dị và rất đời thường ấy cũng góp phần tạo nên dấu ấn cho mảnh đất và con người xứ Thanh.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]