(vhds.baothanhhoa.vn) - Có quá nhiều vấn đề phải lo, phải làm và thực tế không hề dễ. Đó là nhận định của nhiều địa phương khi bắt tay vào thực hiện tiêu chí 17.8 về an toàn thực phẩm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xây dựng xã an toàn thực phẩm: Khó chồng khó

Có quá nhiều vấn đề phải lo, phải làm và thực tế không hề dễ. Đó là nhận định của nhiều địa phương khi bắt tay vào thực hiện tiêu chí 17.8 về an toàn thực phẩm.

Khó cho cả xã đã về đích và cả xã sắp về đích NTM

Để được công nhận xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã - PV) đạt tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP) thì xã đó phải hoàn thành 8 nhóm với 30 tiêu chí. Đây được xem là cuộc hành trình đầy gian khó đối với những xã đã về đích nông thôn mới (NTM) và cả những xã sẽ về đích trong năm 2018 này.

Tại xã Vạn Thắng (Nông Cống), một xã đã về đích NTM năm 2017 là điều kiện thuận lợi để tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP. Hiện xã này đã xây dựng được 1 mô hình phát triển vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô với diện tích 3ha, được áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng các mô hình thí điểm về ATTP. Tuy nhiên, theo ông Đồng Minh Quân - Chủ tịch xã Vạn Thắng thì thực hiện tiêu chí ATTP, nhiệm vụ còn nặng nề hơn cả NTM, bởi khó hơn ở con người trong xây dựng ý thức, tư duy. Và để thay đổi thì phải có lộ trình chứ không phải chỉ trong một hay hai năm…

Còn theo ông Trần Văn Tiến - Phó Chủ tịch xã Văn Lộc (Hậu Lộc), một xã đã về đích NTM năm 2014, thì khó khăn vẫn là nhận thức của bà con nông dân. Ông Tiến cũng thẳng thắn thừa nhận việc trước đây trên địa bàn xã, một số hộ dân vẫn sử dụng chất kích thích, chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, vẫn làm theo tính chất truyền thống. Hiện thì bà con nông dân Văn Lộc đã từng bước sử dụng phân vi sinh và bắt đầu giảm nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Trong chăn nuôi, các hộ cũng đã ký cam kết cấm sử dụng chất cấm và cũng đã có những chuyển biến nhất định. Mặc dù vậy, ông Tiến cũng cho rằng,công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất là lâu dài chứ không thể làm mang tính chất đối phó...

Đối với xã sẽ về đích NTM trong năm 2018 như xã Hà Phú (Hà Trung) hay xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) thì áp lực sẽ lớn hơn những xã đã về đích NTM. Bởi theo quy định, những xã có lộ trình về đích năm 2018 nếu không đạt tiêu chí ATTP thì sẽ không được công nhận đạt chuẩn NTM. Ông Trần Văn Để - Chủ tịch xã Hà Phú, chia sẻ: “Quả là rất khó và rất lo khi cán bộ chuyên trách về ATTP không có, nhiều khi đang còn rất lơ mơ. Xã cũng đã xác định, tiêu chí nào dễ thì làm trước, tiêu chí khó làm sau. Với Hà Phú, thì khó nhất vẫn là xây dựng chuỗi ATTP”.

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Lâm (Thọ Xuân) cũng cho rằng: Thêm tiêu chí ATTP là thêm cái khó cho các xã về đích NTM trong năm nay. Thọ Lâm không có chợ, không có làng nghề, lò mổ thì có 1 nhưng công tác quản lý, làm quy trình còn rất vất vả”.

Vùng sản xuất rau an toàn tại thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa).

Khó chồng khó...

Thực tế, để đạt tiêu chí ATTP, nhiều địa phương đang phải đối diện với muôn vàn những khó khăn, thậm chí là lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Bà Khương Thị Tịnh - Trưởng phòng Y tế huyện Thọ Xuân cho biết: “Bản thân các hộ, đơn vị tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn còn do dự, chưa thực sự muốn làm do phải chi phí cho việc lấy mẫu kiểm nghiệm và đề nghị xác nhận chuỗi, tuy nhiên giá bán sản phẩm không có sự khác biệt so với các hộ không tham gia chuỗi. Bên cạnh đó, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện đa số là cơ sở nhỏ lẻ manh mún, hoạt động di động, thời vụ nên khó kiểm soát, ảnh hưởng đến công tác quản lý ATTP...”.

Cũng theo bà Tịnh, việc phải đạt tiêu chí ATTP đối với các xã đã về đích NTM từ năm 2017 trở về trước và các xã về đích NTM trong năm 2018 sẽ không có khả quan vì phải thực hiện cùng một lúc quá nhiều xã, trong khi đó xã nào cũng khó khăn.

Bà Tịnh cũng đưa ra quan điểm, nên chăng cần có một lộ trình như các xã về đích NTM năm 2018 sẽ thực hiện trước còn những xã đã về đích NTM trước đó sẽ chia thời gian để thực hiện nhằm giảm tải áp lực cho địa phương.

Ông Tào Quang Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lộc nhận định: Đội ngũ cán bộ chuyên môn tham mưu về quản lý vệ sinh ATTP mỏng, hầu hết là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giao trong giai đoạn hiện nay. Ngay đến các tổ giám sát cộng đồng thôn chưa đạt hiệu quả cao trong xác nhận nguồn gốc xuất xứ vì họ còn phải làm quá nhiều việc, trong khi đó không có kinh phí hỗ trợ.

Theo ông Hách Xuân Thành - Trưởng phòng Y tế huyện Thiệu Hóa thì: Tỉnh nên kiểm tra và chỉ đạo quyết liệt hơn. Việc tập huấn mới chỉ là tập huấn chung, còn cầm tay chỉ việc từng tiêu chí thì chưa có, vì vậy mà Thường trực Ban chỉ đạo ATTP của huyện, của xã cũng chưa nắm hết được, vướng ở chỗ nào thì cũng chưa giải thích một cách thấu đáo...

Ngay tại TP Thanh Hóa, tỉnh giao cho địa phương này là 28/37 phường, xã đạt tiêu chí ATTP trong năm 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp nhiều vướng mắc đó là tiêu chí số 26 về chợ ATTP. Theo quy định chỉ đánh giá với các xã có quy hoạch chợ ATTP trong khi đó tỉnh Thanh Hóa chưa ban hành quy hoạch chợ ATTP; tiêu chí 100% các sản phẩm kinh doanh tại chợ được xác nhận nguồn gốc. Tại tiêu chí số 22 về kiểm soát tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì cấp huyện và cấp cơ sở không thể chủ động triển khai thực hiện mà phải có sự vào cuộc của Chi cục Thú y tỉnh. Ông Lê Xuân Vinh - Trưởng phòng Kinh tế TP Thanh Hóa cho biết: "Cùng một thời điểm trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng thời 2 mô hình: Mô hình thí điểm về ATTP và xây dựng xã, phường ATTP, trong khi đó mô hình thí điểm chưa thực hiện xong nên chưa có sự đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để chỉ đạo các phường, xã. Đây cũng là một sự khó đối với thành phố”.

Xây dựng xã đạt tiêu chí ATTP chưa lúc nào là dễ. Khó chồng khó. Nhiều địa phương trong tỉnh đang rất cần tỉnh có phương án hỗ trợ trong công tác đảm bảo ATTP, gồm hỗ trợ vật tư phục vụ kiểm tra nhanh; hỗ trợ cho công tác tổ giám sát cộng đồng phố, thôn; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các ban nông nghiệp và tổ đấu mối quản lý ATTP... Đồng thời tỉnh và các thành phố, huyện, thị nghiên cứu xây dựng lực lượng chuyên trách để tham mưu quản lý về ATTP và đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho Ban chỉ đạo và Văn phòng Điều phối VSATTP thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...

Có như vậy, mới hy vọng nhiều hơn về cái gọi là "chuẩn” tiêu chí ATTP...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]