Tấm bia đá khắc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Minh Tân
Năm 1971, tỉnh Thanh Hóa tổ chức cuộc triển lãm các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của tỉnh, trong đó có sản phẩm làm từ đá. Lúc này Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từ trần, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bản Di chúc thiêng liêng. Nhân dân Thanh Hóa cùng với Nhân dân cả nước đang ra sức thi đua thực hiện Di chúc của Người quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Lớp đảng viên đầu tiên của Đảng bộ xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân) bên tấm bia đá khắc toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lúc bấy giờ có ông Lê Văn Khôn, quê xã Vĩnh Hùng đang làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc nhận thấy bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là báu vật của Quốc gia và ở Vĩnh Lộc có nhiều núi đá hoa, nhiều thợ làm nghề đá giỏi, ông đã quyết định giao cho Phòng Thủ công nghiệp (nay là Phòng Kinh tế - Hạ tầng) và Phòng Thông tin (nay là Phòng Văn hóa - Thông tin) huyện tìm thợ khắc đá giỏi trong huyện và tổ chức làm tấm bia đá khắc toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sản phẩm đặc biệt trưng bày tại triển lãm, sau đó đem về địa phương để lại cho muôn đời sau.
Bia đá khắc toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng trước cửa lớn đi vào hội trường của xã Vĩnh Minh (nay là xã Minh Tân). Tấm bia có chiều cao 1,55 mét, chiều rộng 0,9 mét. Người vẽ trang trí, trình bày và viết chữ trên bia là anh Nguyễn Đình Sơn, cán bộ Phòng Thông tin huyện Vĩnh Lộc. Người chạm trổ và khắc chữ trên bia là ông Nguyễn Văn Chép (thường gọi là cố Chép) ở làng Mai Vực, bấy giờ thuộc xã Vĩnh Minh. Ông Chép là một thợ đá tài hoa, mặc dù đã 60 tuổi, nhưng khi được giao công việc ông rất phấn khởi và nhận ngay. Việc đục khắc chữ trên bia đá của ông Chép hoàn toàn bằng thủ công, với chiếc đục, chạm bằng sắt rất thô sơ. Với tay nghề tinh xảo và tấm lòng thành kính nhớ ơn Người, ông Chép đã miệt mài làm việc nên chỉ sau hơn một tháng tấm bia khắc toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành. Tấm bia đảm bảo cả hình thức và chất lượng chữ khắc.
Tấm bia đá khắc toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lại nói về xã Vĩnh Minh, lúc bấy giờ xã có trên 5.000 người, trong đó có một phần ba là đồng bào công giáo. Đồng bào lương - giáo ở Vĩnh Minh đã cùng nhau đoàn kết một lòng thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời kỳ đó, xã Vĩnh Minh luôn là đơn vị tiên tiến xuất sắc của huyện trong sản xuất và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Về sản xuất nông nghiệp, năm 1969, Vĩnh Minh đạt tổng sản lượng lương thực là 670 tấn, đến năm 1972 là 866 tấn và năm 1975 đã đạt trên 1.200 tấn. Hàng năm, xã làm nghĩa vụ thịt lợn hơi từ 17 tấn đến 21 tấn.
Thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” xã Vĩnh Minh luôn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Năm 1971, xã Vĩnh Minh được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất về thành tích tòng quân chi viện.
Năm 1972, Vĩnh Minh là đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa xây dựng Đài truyền thanh của xã với 650 loa nhỏ đặt tại các gia đình, làm công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Minh cùng với Nhân dân cả nước bước vào thời kỳ mới, thời kỳ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tiến hành công cuộc đổi mới đã giành được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng hệ thống chính trị.
Minh Tân là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Lộc đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Đặc biệt trong phong trào XDNTM, xã Vĩnh Minh đã đạt được những thành tựu to lớn, năm 2015, Vĩnh Minh được công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Tháng 12/2019, xã Vĩnh Minh và xã Vĩnh Tân sáp nhập mang tên xã Minh Tân. Với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, xã Minh Tân được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2020. Năm 2023, xã được công nhận là xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 76,5 triệu đồng, số hộ giàu chiếm 24%, số hộ khá chiếm 37%. Bộ mặt nông thôn xã Minh Tân thay đổi rõ nét với diện mạo mới, khang trang, hiện đại, văn minh và giàu đẹp. Đảng bộ và Nhân dân xã Minh Tân tiếp tục làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp phát triển cùng đất nước.
Bài và ảnh: Lê Khắc Tuế (CTV)
- 2024-09-19 15:46:00
Mùa cao điểm khách quốc tế cuối năm: Cơ hội nào cho du lịch Việt bứt phá?
- 2024-09-13 15:00:00
Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh”
- 2024-06-11 08:55:00
Thác Muốn ngày hè
Hải Hòa - dải đất bình yên dưới chân sóng
Lên thăm Mường Ký
Hấp dẫn Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch Thác Mây
Hải Hòa... biển gọi
Kim Sơn giàu truyền thống văn hóa
Cuối tuần về Thác Mây tắm mát, trải nghiệm ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch
Lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản tăng trưởng mạnh mẽ
Hấp dẫn những điểm đến xanh tại Thanh Hóa
Bình yên bản Bàng