Tết ở bản Hạ Sơn
Hơn 25 năm bà con người Dao trên đỉnh Pù Quăn hạ sơn để tìm một cuộc sống mới, đến nay, cuộc sống đã ổn định. Tết này, với bà con bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi (Mường Lát) no ấm hơn khi cây sắn được mùa, được giá; con em đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập gửi về gia đình.
Người Dao treo cờ Tổ quốc trong ngày tết. Ảnh: Đình Giang
Dọc Quốc lộ 15C, đoạn qua bản Hạ Sơn cờ hoa rực rỡ. Sự khang trang thấy rõ so với những bản làng khác ở huyện vùng biên, được toát lên từ những căn nhà mái mái bằng, nhà tầng, khang trang kiên cố. Bên trong mỗi gia đình, anh em họ tộc sum vầy bên bàn trà, bếp lửa... Vừa gặp trưởng bản Triệu Văn Lĩu, ông vồn vã mời tôi ghé nhà. Ông Lĩu khoe: “Năm nay tôi ủ được mấy bình rượu nếp cẩm, rượu ngô dậy vị lắm! Gà thì vài chục con chạy bộ trong vườn, sẵn sàng để con cháu, khách khứa vui xuân, đón tết”.
Cũng giống như các dân tộc anh em, đồng bào Dao ở Hạ Sơn đón tết cổ truyền theo lịch âm. Theo ông Lĩu, tết là dịp để cả nhà nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên thành quả lao động sản xuất, chuyện vui, buồn xảy ra trong một năm qua. Vì thế, từ đầu tháng Chạp, bà con nơi đây đã chuẩn bị đồ lễ cúng, đón tết.
Ông Lĩu cho biết, trong mâm cỗ cúng của đồng bào Dao không có bánh chưng mà là bánh giầy. Bánh giầy được làm từ những hạt gạo cấy trên nương, gạo được chọn làm mâm cỗ cúng là phải đều và mẩy hạt. Bên cạnh đó, đồng bào Dao ủ rượu ngô, rượu nếp cẩm, mổ lợn để đón tết.
“Ngày 30 tết, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị làm mâm cỗ cúng cho đêm giao thừa. Người lớn, trẻ nhỏ diện trang phục truyền thống của đồng bào để đón năm mới. Sáng mùng một tết tất cả các thành viên đều đi hái lộc, cầu mong một năm mới vạn sự như ý, bình an, phúc lộc vẹn toàn” - ông Lĩu vui vẻ nói.
Với gia đình bà Triệu Thị Náy, từ tờ mờ sáng đã rôm rả, tất bật cảnh làm thịt lợn mừng đón tết. Bà Náy cho biết, thịt lợn để làm lễ, mời thầy cúng hoặc người có uy tín thay mặt gia chủ làm lễ giải hạn xua đi những rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời cầu xin sức khỏe, may mắn, sự bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt cho năm mới. “Năm vừa qua cây sắn được mùa, bà con vui lắm vì có nguồn thu nhập. Hôm nay, mấy hộ gia đình anh em họ tộc chung nhau mổ lợn làm lễ cảm tạ trời đất!” - bà Náy vui mừng nói.
Với đồng bào Dao, trong những ngày tết, sau khi đi chúc mừng năm mới anh em họ hàng, chòm xóm thì người dân trong bản lại kéo nhau về nhà văn hóa để vui xuân, đón tết. Tại đây, những bậc cao niên trò chuyện cùng con, cháu về phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, lớp trẻ thì chia thành tốp ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi dân gian. Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao gặp gỡ, tìm hiểu nhau qua những lời hát tỏ tình, giao duyên.
Bà con người Dao ở bản Hạ Sơn sum vầy trong những ngày tết.
Sau hơn 25 năm xuống định cư ở vùng đất mới (nay là bản Hạ Sơn), đời sống của bà con người Dao nơi đây đã có nhiều thay đổi. Từ 5 hộ dân hôm nào, nay cả bản đã có hơn 50 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Nhớ lại cuộc sống trên đỉnh Pù Quăn ngày trước, đó là trên dải núi cao, gần như chia cắt với các bản làng khác do bất cập về giao thông. Ăn không đủ no, con cái ít được học hành nên đời sống của bà con nơi đây mãi luẩn quẩn trong vòng nghèo đói.
Xuất phát từ thực tiễn đó, ngay khi được ban định canh, định cư bấy giờ của huyện Mường Lát cùng cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi vận động, một số hộ dân ở bản đã sẵn sàng di cư xuống vùng đất mới, thấp hơn để sinh sống và thành lập nên bản Hạ Sơn bây giờ. Để ổn định đời sống bà con, cán bộ biên phòng đã hỗ trợ giống lúa, ngô,... chỉ cho bà con cách sản xuất. Cán bộ biên phòng cùng vác cuốc lên nương, xắn quần lội ruộng với bà con tạo tình đoàn kết quân - dân khăng khít, bà con cũng vì thế hăng say trong lao động, sản xuất. Người dân từ tâm lý e dè đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả, cây lâm nghiệp, nuôi dê...
Không chỉ vậy, một điều đặc biệt giúp cho những hộ dân người Dao nơi đây có nguồn thu nhập cao so với bà con các bản khác là nghề bốc thuốc Nam. Bản Hạ Sơn hầu như nhà nào cũng biết làm thuốc và bốc thuốc. Theo ông Lĩu, với người Dao ở Mường Lát nổi tiếng với những bài thuốc chữa trị hậu sản, vô sinh, sởi, thủy đậu, chân tay miệng... được nhiều khách gần xa biết đến.
Nhờ có đường giao thông thuận lợi, có điện lưới quốc gia sử dụng, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học, trên 80% học hết THPT, dịch vụ y tế, thông tin liên lạc, được Nhà nước quan tâm đầu tư... Năm 2020, Hạ Sơn đã đón nhận bản đạt chuẩn NTM.
“Tên bản Hạ Sơn như sự đánh dấu về cuộc di dân lịch sử của người Dao từ trên đỉnh Pù Quăn xuống núi để an cư, lạc nghiệp. Đến nay, đời sống người dân đã no ấm, nhiều nhà có của ăn của để. Cả bản chỉ còn có 3 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo” - ông Lĩu vui mừng cho biết.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:33:00
Những bản sáng vùng biên: “Chọn việc dễ làm trước, khó làm sau, làm đến đâu chắc đến đó”
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-02-03 08:19:00
“Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” và câu chuyện gỡ khó: Tiền có khó tiêu
Về “Đội thanh niên xung kích bảo vệ cột mốc, đường biên”
Hiệu quả mô hình thôn, xóm: Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn
Nghề nghiệp, việc làm bền vững cho người lao động
Nâng cấp Chi bộ Trường THPT Như Xuân thành Đảng bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy Như Xuân
Lời ca trên non
Hội LHPN huyện Triệu Sơn với chương trình “Xuân yêu thương –Tết sẻ chia”
Cẩn trọng đổi tiền mới kẻo “tiền mất tật mang”
Nâng cao hiệu quả công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi
Tiêu chí thông minh trong xây dựng NTM kiểu mẫu Quảng Trung