(vhds.baothanhhoa.vn) - Được sách Đại Nam nhất thống chí mệnh danh là động “Đẹp nhất trong số 36 động ở phương Nam”, thắng tích động Hồ Công trên dãy núi Xuân Đài thuộc địa phận xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) từ xưa đã khiến bao bậc vua, chúa, tao nhân, mặc khách khi đến đây không khỏi cầm lòng, dâng niềm xúc cảm…

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Được sách Đại Nam nhất thống chí mệnh danh là động “Đẹp nhất trong số 36 động ở phương Nam”, thắng tích động Hồ Công trên dãy núi Xuân Đài thuộc địa phận xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc) từ xưa đã khiến bao bậc vua, chúa, tao nhân, mặc khách khi đến đây không khỏi cầm lòng, dâng niềm xúc cảm…

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Cửa động Hồ Công luôn rộng mở như sẵn sàng đón khách trần tục lên chơi “cõi tiên”.

Đi qua thời gian, đến nay giữa bộn bề cuộc sống hiện đại, cảnh sắc động Hồ Công dường như không nhiều đổi thay. Vẫn là “cảnh tiên nơi cõi trần” khiến viễn khách mải mê quên lối về.

Truyền thuyết dân gian kể lại, thuở xa xưa có một ông lão vai đeo quả bầu nhỏ, ban ngày thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến lại thu mình vào quả bầu trên vai để nghỉ ngơi. Có một chàng trai thấy lạ, tò mò hỏi ông lão thì được cho vào bên trong quả bầu xem thử. Quả thực thần kì! Bên trong quả bầu nhỏ là trời đất, trăng sao, lâu đài tráng lệ… Biết ông lão là bậc thần tiên, chàng trai bèn xin theo học đạo, về sau cũng tu tiên đắc đạo, hai thầy trò cùng ở trong động đá núi Xuân Đài, đi vào cõi bất tử. Không ai biết vị lão tiên tên gì, chỉ thấy trên vai thường đeo quả bầu nên gọi “Hồ Công” và đặt tên cho động đá.

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Động Hồ Công gắn liền với truyền thuyết tu tiên của đạo sĩ xưa.

Về thăm động Hồ Công hôm nay, trong động vẫn còn những dấu tích mà người dân tin rằng đây là chốn tu tiên của bậc cao nhân, gồm nơi luyện thuốc tiên; con cóc già nấp trong động nhờ “uống trộm” thuốc tiên mà cũng trở nên bất tử… Và thực tế, trong lịch sử, động Hồ Công cũng được biết đến là nơi tu luyện của những người theo học đạo giáo.

Đường lên thắng tích động Hồ Công không quá dốc, dài chỉ khoảng hơn 600m nhưng cũng đủ “thách thức” kẻ bộ hành ưa khám phá. Men theo bậc đá lên động, núi Xuân Đài thật đặc biệt. Đá núi nhấp nhô nhiều hình dáng, như có bàn tạo tác của trăm, nghìn nghệ nhân thuở xưa. Nhưng không phải, đó là “món quà” mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây.

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Đường lên động Hồ Công.

Giữa lưng chừng núi, động Hồ Công hiện ra đầy bất ngờ. Động mang dáng hình của một “bầu đá” khổng lồ (dài 45m, rộng 23m). Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về động Hồ Công: “Có khối đá trông như hình con cóc cúi đầu ngồi trong động, thạch nhũ trong động sắc đỏ; lại có hang đá quanh co dài hơn mười trượng, có thể đi vào được, chỗ tận cùng có giếng đá, sâu khôn cùng. Cửa động có hai phiến đá, tương truyền là tượng Hồ Công và Phí Trường Phòng. Có thuyết nói là về đời Trần, có một đạo sĩ Trịnh Đồng Tử người ở Thiên Vực, từng mang hồ vào trong động, sau người ta tạc tượng để ghi”.

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Bên trong động Hồ Công với “đường lên trời” và “lối xuống âm cung”

Với vẻ đẹp thiên tạo, động Hồ Công được ví như một thế giới thần tiên thu nhỏ. Một “bầu ngọc” theo cách miêu tả đầy hình ảnh của Chúa Trịnh Sâm. Trong động có “đường lên trời” và “lối xuống âm cung”. Sự độc đáo của động Hồ Công còn ở cửa động mở rộng, sẵn sàng đón khách trần tục “lên thăm cõi tiên”.

Có phải vì là cảnh tiên nơi cõi trần nên xa xưa, động Hồ Công đã là chốn dừng chân của bậc vua, chúa, tao nhân mặc khách. Cũng bởi không nỡ rời đi trước cảnh sắc đắm say, nên bậc tiền nhân chẳng ngần ngại ghi lại vài dòng xúc cảm. Để đến hôm nay, trên vách đá trong động Hồ Công, còn đó hàng chục bút tích giá trị.

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Một tronh những bút tích của bậc vua, chúa và tao nhân, mặc khách khi xưa ghé thăm động Hồ Công còn để lại.

Trong đó, bài thơ của Vua Lê Thánh Tông được xem là bút tích chữ Hán sớm nhất tại động. Một lần nhà vua về bái yết Lam Kinh, trên đường trở ra Thăng Long đã dừng chân ghé thăm động, và viết: “Ta xuất phát từ Lam Kinh. Thuyền đỗ bên bờ sông Mã, gió nhẹ thổi vi vu. Mặt trời chiếu rạng. Nhân hứng lên thăm động Hồ Công. Men theo đá trắng, tựa bóng cây xanh. Trông xa lên cao, mây biển mịt mùng, bay hết bụi trần khiến lòng mình quên hết trần tục. Nhân viết một bài thơ cận thể để lưu mãi trên đá”. Và ở ngay câu thơ mở đầu, Thiên Nam Động Chủ (tức Vua Lê Thánh Tông) đã không tiếc lời ngợi ca: “Thần chùy quỷ tạc vạn trùng san”, được hiểu là “Thần dùi, quỷ gọt tạo nên ngọn núi trùng trùng lớp lớp”.

Sau Vua Lê Thánh Tông, Vua Lê Hiến Tông khi về Lam Kinh cũng không quên ghé thăm động Hồ Công ngắm cảnh, đề thơ ngợi ca: “Vó ngựa thênh thang viếng động trời/Vin mây thẳng đến chốn tiên chơi"…

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Từ trên động Hồ Công nhìn xuống, thu vào tầm mắt cả một vùng đồng bằng ven bờ sông Mã trù mật, tốt tươi.

Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (Hồng Ngư cư sĩ) thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du, khi giữ chức Hiệp trấn tỉnh Thanh Hóa lên chơi núi Xuân Đài, thăm động Hồ Công cũng để lại bài thơ “Chơi động Hồ Công” với những dòng thơ: “Gác kiếm Xuân Đài bước thảnh thơi/Hang sâu, núi vắng giữa lưng trời/Am mây luyện thuốc sương còn phủ/Cửa động mơ trăng cóc vẫn ngồi”…

Động Hồ Công không cao, trong động cũng không có nước sâu nhưng lại vấn vương bởi truyền thuyết có tiên tu luyện. Dưới chân núi Xuân Đài là dòng sông Mã chảy quanh như dòng lụa trắng, trở thành nơi “sơn thủy hữu tình”. Phải chăng vì thế mà được mệnh danh là “Đẹp nhất trong 36 động ở phương Nam”.

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Bốn chữ “Thanh kỳ khẩ ái” được khắc trên phiến đá đặt ngay bên đường lên động Hồ Công

Cũng theo dân gian, động Hồ Công không chỉ là nơi tu tiên của đạo sĩ, nơi đây xưa kia còn có nhiều “kì hoa dị thảo” - thuốc quý chữa bệnh. Chính vì vậy, vua Trần đã đưa công chúa Du Anh về đây nghỉ ngơi, chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nhà vua đã cho dựng lên ở dưới chân núi ngôi chùa lấy tên Du Anh (ngày nay người dân địa phương thường gọi chùa Thông).

Thăm “cảnh tiên nơi cõi trần”

Chùa Thông (Du Anh tự) được khởi dựng vào thời Trần.

Trải qua thời gian, chùa Du Anh đã nhiều lần trược trùng tu, sửa chữa, không còn giữ được nét kiến trúc ban đầu. Tuy nhiên, một số hiện vật còn lưu giữ tại di tích được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị điêu khắc nghệ thuật, lịch sử. Trong đó, có thể kể đến tượng nghê đá; sư tử đá; bia đá…

Với đầy đủ giá trị vốn có, quần thể di tích Động Hồ Công - Chùa Du Anh đã được xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia, là điểm dừng chân dâng hương, tham quan, vãn cảnh của người dân địa phương và du khách xa, gần.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]