Tháng 5... nhớ Bác
“Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác” - Bác Hồ, người đã dành trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam và “hóa thân” thành hồn thiêng sông núi... Trong lòng mỗi thế hệ người dân Việt Nam, hai tiếng Bác Hồ được cất lên vừa trìu mến, thân thương và tôn kính vô cùng.
Đài tưởng niệm Bác Hồ trên núi Rừng Thông - địa điểm Bác Hồ gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thanh Hóa trong lần đầu tiên Người về thăm xứ Thanh.
Năm 1890 tại quê hương Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cậu bé Nguyễn Sinh Cung - con trai cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã chào đời. Lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu ách nô lệ của thực dân Pháp, chàng trai Nguyễn Sinh Cung đã sớm nuôi khát vọng phải thay đổi. Năm 1911 - 21 tuổi, từ Bến cảng Nhà Rồng, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Sinh Cung) đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng Nhân dân ta khỏi ách nô lệ.
Từ Bến cảng Nhà Rồng, với đôi bàn tay và ý chí mãnh liệt, Nguyễn Tất Thành đã ra đi trong vai trò của một người lao động. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên ấy đã vượt qua những đại dương, châu lục và nhiều quốc gia... chỉ với duy nhất một khát vọng bỏng cháy: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.
Trong những năm tháng ở nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị những điều kiện tiên quyết cho Cách mạng Việt Nam. Trong đó, với tầm nhìn chiến lược, Người chú trọng đến việc đưa thanh niên Việt Nam ra nước ngoài để học tập - xây dựng lực lượng cho cách mạng. Năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức cộng sản. Đây là bước ngoặt cực kỳ quan trọng với Cách mạng Việt Nam.
Hoa sen thơm ngát vẫn luôn được các thế hệ người dân Việt Nam lựa chọn dâng lên Bác Hồ trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Người.
Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba khắp xứ người tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, trở về với Tổ quốc, Nhân dân, lãnh đạo cách mạng. “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác đã đến rồi/ Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”. Sự kiện đánh dấu một bước “chuyển mình” trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cả dân tộc Việt Nam.
Và năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã cùng nhau khởi nghĩa làm nên cuộc Cách mạng Tháng 8 “long trời lở đất” - chính thức chấm dứt 80 năm nô lệ của dân tộc ta. Và đến ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập - “khai sinh” nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Từ thành công của Cách mạng Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết chiến đấu, lao động, sản xuất... Để rồi, sau 30 năm - Đại thắng Mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng, dân tộc Việt Nam thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Cuộc đời của mình, Bác Hồ kính yêu đã dành trọn cho dân tộc Việt Nam. Và với riêng Thanh Hóa - một tỉnh “đất rộng, người nhiều, Nhân dân có truyền thống anh dũng đấu tranh và cần cù lao động” Bác Hồ luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. 4 lần Bác về thăm Thanh Hóa là những ân tình, kỳ vọng Người dành cho xứ Thanh.
Ngày 20/2/1947, sau 2 tháng ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã về Thanh Hóa. Khi ấy, Rừng Thông là địa điểm được Người lựa chọn để gặp gỡ làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thanh Hóa lúc bấy giờ. Trong buổi gặp gỡ ngày hôm đó, Bác Hồ nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... đặc biệt là việc đối đãi, ứng xử với dân của người cán bộ.
Nơi Rừng Thông xứ Thanh, bia đá tại Đài tưởng niệm Bác Hồ còn khắc ghi lời dạy của Người trong buổi nói chuyện ngày đó: “Đối với Nhân dân: phải nhớ, đoàn thể làm việc cho Nhân dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân, phải tôn kính dân. Phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin, phải thanh khiết”...
Việc về thăm xứ Thanh trong những ngày đầu gian khó của cuộc kháng chiến toàn quốc thể hiện tầm nhìn chiến lược, nhãn quan quân sự bậc thầy của Bác. Bởi xứ Thanh đất rộng người đông, địa linh nhân kiệt, nơi khởi phát của nhiều vương triều trong lịch sử... sẽ là điều kiện để khi cần, có thể trở thành một căn cứ cách mạng.
Hoa sen thơm ngát vẫn luôn được các thế hệ người dân Việt Nam lựa chọn dâng lên Bác Hồ trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Người.
Năm 1957, sau 3 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai. Trong buổi nói chuyện với gần 4.000 đại biểu là cán bộ và các tầng lớp Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương những thành tích, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp. Bác nhắc về những người con xứ Thanh ưu tú trong chiến đấu, như anh hùng Tô Vĩnh Diện; Lò Văn Bường... Về những đóng góp to lớn về sức người, sức của của xứ Thanh cho kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ...Cho đến hôm nay, lời Người năm xưa còn vang vọng: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Mỗi lần Người về thăm là những dặn dò ân tình, kỳ vọng đặc biệt với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa. Những nơi Bác Hồ từng đến trong những lần về thăm Thanh Hóa năm xưa giờ đây đã trở thành những địa điểm lưu niệm, nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng của các thế hệ.
Dành trọn cuộc đời cho cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho đất nước, Nhân dân. Bác luôn trăn trở - đề cao hai chữ “lòng dân”. Tư tưởng ấy, được thể hiện xuyên suốt trong những dặn dò, trò chuyện, những bài viết giản dị mà thấm thía của Người, như: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. Hay “Được lòng dân, thì việc gì cũng làm được; trái ý dân thì chạy ngược, chạy xuôi”... Mọi chuyện, đều phải “lấy dân làm gốc”.
Năm tháng trôi qua, con người, sự nghiệp và sự hiến dâng của Bác Hồ cho cách mạng, cho dân tộc đã “hóa thân” vào hồn sông núi, sống mãi trong lòng Nhân dân.
Tháng 5 về trong hương sen thơm ngát nhắc mỗi người nhớ về một ngày kỷ niệm đặc biệt - ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Bài và ảnh: Bùi Trang
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-19 08:55:00
Mỗi người dân là một “đại sứ” quảng bá quê hương
Khi tinh thần “Tôn sư trọng đạo” bị xem nhẹ trên không gian mạng
Ngày ấy, chúng tôi sống, chiến đấu trên con đường huyền thoại mang tên Bác
Có một khoá học tuổi Bính Ngọ như thế
Nuôi ong rừng ngập mặn ở Nga Sơn
Cùng thanh niên “Thắp sáng đường quê”
Bài học kinh nghiệm từ phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới ở Triệu Sơn
Khắc khoải ở “Làng Thanh Niên”
Người phụ nữ dân tộc Mường năng động, làm kinh tế giỏi
Nhà tuyển dụng mất hàng triệu đồng vì CV “ảo”