(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng bảy, cả nước nghiêng mình thành kính bày tỏ lòng tri ân với lớp cha anh đã hy sinh xương máu cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Cha - một người lính Trường Sơn, may mắn được trở về vẫn đau đáu lời trăng trối của đồng đội năm xưa. Kinh qua lửa đạn chiến tranh, những con người từng coi cái chết nhẹ như áng mây trôi ngang trời, dẫu họ có ngã xuống vẫn còn bao người tiếp bước và ca khúc khải hoàn. Ngày đất nước thống nhất, cha trở về quê hương với đôi chân bước khập khiễng, thương tích chiến tranh còn hằn in trên da thịt. Những ngày tháng bảy cha hay nhìn xa xăm, cha kể về đồng đội: Người nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn, người mất đi một phần cơ thể, người tâm thần bất định huyên thuyên nói cười... đau thương mất mát không gì bù đắp nổi.

Tháng bảy ân tình

Tháng bảy, cả nước nghiêng mình thành kính bày tỏ lòng tri ân với lớp cha anh đã hy sinh xương máu cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Cha - một người lính Trường Sơn, may mắn được trở về vẫn đau đáu lời trăng trối của đồng đội năm xưa. Kinh qua lửa đạn chiến tranh, những con người từng coi cái chết nhẹ như áng mây trôi ngang trời, dẫu họ có ngã xuống vẫn còn bao người tiếp bước và ca khúc khải hoàn. Ngày đất nước thống nhất, cha trở về quê hương với đôi chân bước khập khiễng, thương tích chiến tranh còn hằn in trên da thịt. Những ngày tháng bảy cha hay nhìn xa xăm, cha kể về đồng đội: Người nằm lại giữa đại ngàn Trường Sơn, người mất đi một phần cơ thể, người tâm thần bất định huyên thuyên nói cười... đau thương mất mát không gì bù đắp nổi.

Tháng bảy ân tìnhMinh họa: Lê Hải Anh

Cha kể về một người lính trước lúc hy sinh trong trận chiến khốc liệt, nhờ đồng đội chuyển bức thư về quê nhà, chỉ khi nhận lời hứa của cha, người lính ấy mới yên lòng nhắm mắt. Bởi vậy, việc đầu tiên sau khi từ chiến trường trở về, cha thực hiện ước nguyện của người đã khuất. Bức thư chuyển đến người mẹ già đang mỏi mắt ngóng tin con. “Ước mơ của con bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, giành độc lập tự do. Con ra tiền tuyến, giữa bom rơi đạn nổ, tuổi trẻ của con đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe, chiến thắng con sẽ trở về”... Ước mơ của con đã thành hiện thực, nhưng con không trở về với mẹ. Nỗi đau thấu tận trời xanh. Chứng kiến người mẹ già khóc nghẹn vì mất con, trái tim cha như có bàn tay ai bóp chặt.

Tháng bảy nghiêng mình, không chỉ có lòng biết ơn của con cháu hôm nay với thế hệ cha ông mà còn có ân tình của những người lính dành cho nhau. Mảnh đất Trường Sơn sự sống đã hồi sinh, ngút ngàn cây lá một màu xanh bất tận. Cha một lần thăm lại chiến trường xưa là để được gặp lại đồng đội một thời vào sinh ra tử và thắp nén hương cho người đã khuất. Bàn tay cha run run đặt lên từng nấm mồ, xương máu của bao người bạn chiến đấu hòa trong từng thớ đất. Giọt nước mắt xót thương lăn dài trên má, người sống sót trở về khóc cho người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường...

Theo thời gian, sức khỏe của cha dần yếu đi. Cha về với tổ tiên vào một ngày tháng bảy mưa tầm tã, khép lại một cuộc đời nhiều gian truân vất vả. Sinh ra và lớn lên khi đất nước có chiến tranh, rồi cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình lập lại cha vật lộn mưu sinh nuôi các con khôn lớn nên người. Không còn được nghe câu chuyện về đồng đội của cha, không được nhìn thấy gương mặt cha trầm tư mỗi độ tháng bảy về, lòng con trào dâng nỗi xót xa nghẹn ngào. Ký ức của con về cha, ký ức của cha về thời khói lửa chiến tranh như đồng hiện trong tâm trí con.

Tháng bảy về với những cơn mưa. Mưa hay nước mắt ông trời đổ lệ tri ân?.

Tản văn của Nguyễn Thị Hải



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]