(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân không chỉ là tên gọi của một mùa đẹp nhất trong năm với những hân hoan hy vọng của mỗi người. Xuân còn là hoài niệm về những tháng năm thanh xuân, là hy vọng về một tương lai phía trước. Từ tâm thức ấy, mỗi người lại lựa chọn cho mình một cách để thưởng thức cái không khí xuân, trong đó không thể bỏ qua những trang tản văn.

Tháng Giêng lựa đọc tản văn

Xuân không chỉ là tên gọi của một mùa đẹp nhất trong năm với những hân hoan hy vọng của mỗi người. Xuân còn là hoài niệm về những tháng năm thanh xuân, là hy vọng về một tương lai phía trước. Từ tâm thức ấy, mỗi người lại lựa chọn cho mình một cách để thưởng thức cái không khí xuân, trong đó không thể bỏ qua những trang tản văn.

Tháng Giêng lựa đọc tản văn

Tại sao tản văn có sức hấp dẫn đến vậy?. Đơn giản đây là thể loại có khả năng bộc lộ cái tôi trữ tình một cách rõ nét nhất, tâm huyết nhất. Nhà văn không phải gắng sức tạo dựng cốt truyện với những xung đột, nút thắt mà lấy những trải nghiệm sâu sắc của chính mình để viết nên. Hơn hết, tản văn như một thứ thuốc thử, cho biết kết quả một cách nóng hổi.

So với các thể loại văn chương khác, tản văn có nhiều lợi thế bởi dung lượng tác phẩm và những lát cắt nội dung nhẹ nhàng, dễ chịu, phản ánh cuộc sống, tâm hồn con người một cách nhanh chóng. Vì thế, thay vì tìm đọc những cuốn best-seller, người đọc hiện đại tìm đến những trang tản văn vừa thư giãn tâm hồn song vẫn có thể tìm kiếm được thêm nhiều kiến thức mới.

Y Phương, người của những trang tản văn viết về mùa xuân, mùa tết. Ông có 3 cuốn “Kungfu người Co Xàu”, “Tháng giêng, tháng giêng, một vòng dao quắm” và “Fừn nèn - củi tết” thực sự hấp dẫn. Bởi cái không khí tết cứ lẩn quất, phả nhẹ vào mỗi con chữ, bởi cái tết của người Tày cũng là cái tết của đồng bào các dân tộc trên dải đất hình chữ S này.

Chính ông chia sẻ: vốn đã đặt cược cả đời trong sự nghiệp thi ca, nhưng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ. Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, tôi đã vịn câu nói của cổ nhân người Tày: “Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy”. Tôi viết như gieo một loài giống mới trên cánh đồng con gái trinh nguyên. Viết như nã “đạn mác xá” (đạn súng kíp) hàng trăm viên vào một “con thú”... và tôi chờ kết quả.

Y Phương vốn là nhà thơ Tày nổi tiếng. Những câu thơ trong bài Nói với con của ông găm lại trong mỗi người về lẽ sống, về sự vươn lên, về tình yêu với gia đình, quê hương, sự tự hào về “người đồng mình” (người Tày): “...Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục/ Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con”. Từ một nhà thơ lấn sân sang tản văn vừa là thử thách song đồng thời cũng là sự minh chứng cho sức hấp dẫn của một thể loại văn chương. Vào những ngày này, đọc lại những trang văn của ông, tôi lại tiếc nuối cái con người tản văn thẩn thơ ấy đã ra đi đột ngột vào năm 2022.

“Một năm mười hai tháng, với người Tày Nùng chúng tôi, hầu như tháng nào cũng có tết. Mỗi tháng một tết, như cây tre mười hai đốt. Nhưng tết tháng Giêng là tết to nhất. Tết anh cả. Tết đứng đầu trong năm. Vì thế các con cháu đều cầu mong ông bà ăn ngon, ngủ khỏe, sống lâu. Còn ông bà chúc con cái học hành điểm chín, điểm mười. Láng giềng chúc nhau nhà nào cũng đầy phè tiếng cười. Làng xóm, mường trên, xã dưới không mắng chửi nhau. Trong chuồng, gà đẻ trứng hồng, vịt đẻ con bạc. Thóc lúa kìn kìn vào cửa trước. Trâu, bò, ngựa, dê nung núc vào cửa sau”.

Tản văn của Y Phương như “mảnh hồn làng” mang bao nỗi háo hức, bận rộn của “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”. Thế nên “từ sau rằm tháng Bảy, lá gói bánh gai chưa kịp héo, họ đã lên kế hoạch cho từng tháng... Tháng Chín, tháng Mười vào rừng kiếm củi, đun nồi bánh chưng, cất lô rượu gạo. Tháng Một (tháng 11 âm lịch) bện rơm lót giường, làm ghế cho khách ngồi. Tháng Chạp ủ muối cỏ khô, rơm khô dành cho trâu bò ăn…”. Trong đó có lễ “pây tái” (đi lễ bố mẹ vợ) rất độc đáo vùng văn hóa Tày vì “các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại”.

Ngoài Y Phương, nhiều nhà văn tên tuổi cũng đã “xông trận” vào thể loại này. Chúng ta không thể quên 2 tập sách “Tản mạn trước đèn” (Đỗ Chu); “Cà phê Trầm”, “Làng bên kia sông” (Trần Đức Tiến); “Rì rào mùa hoa”, “Thương lắm, tết những người xa xứ” (Đỗ Quang Hưng); “Gáy người thì lạnh” (Nguyễn Ngọc Tư); “Bay lên mái nhà thành phố” (Phong Điệp); “Trên căn gác áp mái” (Đỗ Bích Thúy); “Hà Nội thì không có tuyết” (Đỗ Phấn); “Con giai phố cổ” (Nguyễn Việt Hà)...

Một trong những tác giả có số lượng sách tản văn nhiều, đó là nhà văn Nguyễn Trương Quý. Tuy dựa vào tư liệu để khảo cứu nhưng tản văn của anh không sa đà kiến thức mà nghiêng về thông tin mới, bình luận dí dỏm. Sau tập tản văn “Hà Nội bảo thế là thường”, Nguyễn Trương Quý tiếp tục vẽ chân dung Hà Nội với “Triệu dấu chân qua những cửa ô” vào năm 2022. Lựa chọn biểu tượng ô cửa chắc hẳn vì nó gợi nhớ ngay đến Hà Nội, và cửa ô trong tâm tưởng là những lối nhập thành, tìm hiểu những câu chuyện của đời phố mà anh từng sống. Đấy có thể là sự phôi pha của những cửa ô trước sự phát triển của đô thị mới cũng có thể là nỗi hoài nhớ đượm màu lãng mạn của con người dành cho những hình ảnh thân thuộc đã biến mất vì không còn sự thực dụng. Cuốn sách đưa chúng ta qua cuộc lãng du chầm chậm theo cả hai chiều không gian - thời gian để lý giải tại sao con người cứ thích và muốn nương tựa vào miền ký ức đẹp.

Và tản văn còn tạo nên sức hấp dẫn riêng với những người đứng “ngoài luồng” với văn chương, như nhà sử học Cao Huy Thuần, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, họa sĩ Đỗ Đức, Phan Cẩm Thượng, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn điện ảnh Việt Linh... Chẳng hạn trường hợp họa sĩ Đỗ Đức, tản văn của ông đã in rải rác trên các báo, tạp chí và được tập hợp in trong 2 tập sách “Tuổi thơ ơi” và “Gã thợ xăm đều”. Đọc tản văn của Đỗ Đức, những người “lớn tuổi” thấy tuổi thơ của mình, tuy cực khổ nhưng vô cùng êm đềm với những kỷ niệm đẹp một đi không trở lại bỗng nhiên ùa về; còn các bạn trẻ thì cảm nhận rằng hóa ra có những miền cổ tích, khá xa lạ với đời sống nhanh và được internet hóa như hiện nay.

Trong lời tác giả của “Gã thợ xăm”, họa sĩ – nhà văn Đỗ Đức viết: “Tập sách viết để ghi nhớ tuổi thơ này của tôi không chỉ viết về một số loài chim mà còn viết về thú rừng và côn trùng, viết cả về môi trường và cuộc sống quanh ta, những cái hoàn hảo và cả nhưng gì chưa hoàn hảo”, tức là ngoài những kỷ niệm, còn là những câu hỏi, những day dứt: “Thiên nhiên công bằng hơn con người, nên thiên nhiên có trật tự. Vì thói quen chiếm đoạt mà con người nghĩ ra lắm cách để bòn rút thiên nhiên, bòn rút đồng loại. Nhưng nếu con người biết quan sát thiên nhiên thì sẽ học được từ thiên nhiên sẽ biết sống nhân ái hơn, sẽ không còn cảnh nhầm chỗ và hoang tưởng để rồi chen lấn đồng loại gây ra biết bao tội lỗi”.

Những năm gần đây, tản văn có sự bùng nổ cả về lực lượng người viết, số đầu sách được xuất bản và người đọc. Tản văn không chỉ được xuất bản dưới dạng sách mà chỉ cần nhấp chuột vào bất cứ trang báo điện tử, fanpage nào cũng thấy những tản văn nhỏ xinh xuất hiện.

Có thể khẳng định, viết tản văn dễ, nhưng để hay thì thật khó. Dễ dãi một chút, nhanh vội một chút thì đó chỉ là những trang viết “mùa vụ”; còn để thấm, ngấm “Viết làm sao để ngọn cỏ sau nhà cũng thành lạ", để những chi tiết tưởng nhỏ nhặt trở nên đắt giá, ấy lại cần tài năng, cách chế biến của nhà văn. Người ta có thể đọc tản văn ở bất cứ nơi nào, nhưng để con chữ không trôi tuột đi, để cái nhân sinh quan tản mạn của tác giả là chuyện của mọi người, lâu dài thì bên cạnh cái tài còn cần cả cái duyên.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]