(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta còn đang trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, để động viên mọi lực lượng tham gia thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. "Mục đích thi đua ái quốc là: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Cách làm là, dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa khắc ghi lời dạy của Bác thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua

Cách đây 70 năm, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta còn đang trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, để động viên mọi lực lượng tham gia thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng nhằm đánh bại thực dân Pháp xâm lược, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. "Mục đích thi đua ái quốc là: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Cách làm là, dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ đó, phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, góp phần giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thi đua yêu nước có ý nghĩa quan trọng và to lớn, Đảng và Nhà nước đã chính thức lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày truyền thống Thi đua yêu nước.

Thi đua yêu nước, theo Bác Hồ: “Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”, bất kỳ công việc gì ích nước lợi nhà đều có thể và cần phải thi đua. Hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội phải được tiến hành một cách tích cực và sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần; qua đó thể hiện lòng yêu nước, thương dân, tình cảm thiết tha đối với quê hương, đất nước; phấn đấu vì độc lập, tự do, thống nhất của nước nhà, phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy thi đua làm động lực, bồi dưỡng nâng cao, phát huy lòng yêu nước; qua phong trào thi đua làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng hành động thực tế, cụ thể, thiết thực trong cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập; lấy lòng yêu nước thúc đẩy thi đua, nâng cao hiệu quả thi đua.

Hưởng ứng lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, trong những năm đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, không khí chuẩn bị chiến đấu sôi nổi, khẩn trương bao trùm toàn bộ xã hội. Mỗi người dân Thanh Hóa trở thành mỗi người lính đứng trong thế trận chiến tranh nhân dân.

Trước đó, ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Thanh Hóa, trực tiếp giao nhiệm vụ cho nhân dân tỉnh nhà xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu - căn cứ, hậu phương chiến lược của kháng chiến chống thực dân Pháp. Người chỉ thị: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là vinh dự tự hào, là trách nhiệm to lớn vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh.

Vượt lên những khó khăn thử thách, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong từng hoàn cảnh cụ thể, Đảng bộ Thanh Hóa đã tìm ra những giải pháp sắc bén tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên tất cả các vùng, miền trong tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản xây dựng, bảo vệ căn cứ hậu phương Thanh Hóa. Tháng 2/1948, Đảng bộ tỉnh kiểm điểm việc thực hiện chỉ thị kháng chiến kiến quốc, thực hiện “Xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu”, lãnh đạo toàn dân tập trung mọi nỗ lực “Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; tổ chức chiến đấu tại chỗ, bảo vệ hậu phương...

Bác Hồ đứng trên lễ đài và hàng vạn nhân dân tỉnh Thanh Hóa về dự mít tinh đón Bác (ảnh tư liệu).

Những năm 1949 - 1950, với quyết tâm tất cả cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh vừa sản xuất vừa chiến đấu xây dựng bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu, tăng cường lực lượng hậu phương kháng chiến.

Thực hiện Thi đua ái quốc đã phát huy sâu rộng trong cuộc sống lao động, sản xuất, chiến đấu và học tập ở Thanh Hóa. Tháng 6/1950, Hồ Chủ tịch gửi thư khen ngợi nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là khen ngợi xã Tân Tiến (Hà Trung), Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Đông Anh (Đông Sơn) có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giúp đỡ bộ đội, dân quân. Phong trào bình dân học vụ thi đua xóa nạn mù chữ và học bổ túc văn hóa phát triển sâu rộng. Các hoạt động văn nghệ quần chúng động viên cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua sản xuất, chiến đấu xây dựng, bảo vệ hậu phương. Đội ngũ văn nghệ sỹ từ Hà Nội, Liên khu III, Liên khu IV, Bình - Trị - Thiên đến Thanh Hóa đã hội tụ ở Quần Tín, Cầu Thiều, Hậu Hiền, Neo, cầu Bố, Rừng Thông... góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ kháng chiến ở hậu phương, động viên lòng yêu nước kháng chiến, nâng cao niềm tin vào Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực hiện những điều chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 1947 - 1954,Đảng bộ đã tổ chức lãnh đạo nhân dân trong tỉnh xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu - căn cứ hậu phương kháng chiến - phát triển trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tạo ra tiềm lực về vật chất và tinh thần đáp ứng yêu cầu của chiến dịch quân sự, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên "chấn động địa cầu", đánh bại âm mưu của Thực dân Pháp xâm lược. Trong dịp vào thăm Thanh Hóa lần thứ 2 (13/6/1957), ghi nhận thành tích của cán bộ, quân và dân Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên Phủ đến đấy, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đấy".

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Thanh Hóa hăng hái thi đua khôi phục, phát triển sản xuất, xây dựng nhà máy điện, nhà máy phốt phát, nhà máy giấy, đài truyền thanh, nông trường Yên Mỹ... các nghề thủ công nghiệp được phục hồi, phát triển. Sửa chữa đập Bái Thượng, nâng cấp đê sông Mã, sông Chu, phong trào chống úng, chống hạn phát triển mạnh. Nông nghiệp thu hoạch khá, công tác bình dân học vụ tốt, điển hình là xã Vĩnh Khang (Vĩnh Lộc), thị xã Thanh Hóa. Bác Hồ gửi thư khen và mong Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh kiểu mẫu. Những điều khen ngợi và mong muốn của Bác là phương hướng phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.

Thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, từ ngày 10 đến ngày 12/12/1961, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Bác đã khen ngợi hợp tác xã Thành Công, ngọn cờ đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp toàn miền Bắc và nhắc Tỉnh ủy phải nhân rộng điển hình “Thành Công” ra toàn tỉnh, khen ngợi thành tích thâm canh lúa, trồng bông, chăn nuôi gia cầm, công tác thủy lợi, trồng cây gây rừng, công tác bổ túc văn hóa xã Yên Trường.

Bác khen ngợi và nhắc nhở: Tỉnh ủy đã đoàn kết nhất trí, tận tuỵ phục vụ nhân dân, chấp hành chỉ thị cấp trên nghiêm túc, nhưng cần phải đi sâu đi sát, tránh quan liêu mệnh lệnh, phải có phương pháp làm việc khoa học, phải chú trọng dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ trẻ, phụ nữ. Bác chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”. Những điều dạy bảo của Người soi đường và cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Thanh Hoá tiến lên.

Thực hiện lời dạy của Bác, năng suất lúa và cây trồng ở Thọ Xuân dẫn đầu trong tỉnh. Năm 1963 huyện Thọ Xuân được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích thủy lợi. Tỉnh uỷ chỉ đạo sâu sát cuộc vận động “3 xây, 3 chống” trong các ngành kinh tế nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Cuộc vận động “3 xây, 3 chống” ở Thanh Hoá đã đi đúng hướng và đạt kết quả tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, có nhiều sáng kiến, làm lợi cho tập thể, thúc đẩy các ngành kinh tế phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Mười năm hòa bình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện thi đua ái quốc, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã làm chuyển biến sâu sắc bộ mặt kinh tế, xã hội trong tỉnh, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu chống Mỹ, cứu nước góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, chi viện miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Lạch Trường 1964 - chiến thắng đầu tiên của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ đã cổ vũ nhân dân Thanh Hóa, dân quân miền Bắc quyết chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Đại sứ quán Cu Ba đã thay mặt Đảng, Chính phủ Cu Ba tặng cờ cho Hoa Lộc và Hoằng Trường.

Để biểu dương những thành tích xuất sắc trên các mặt trận, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức Đại hội công nông binh toàn tỉnh tại xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) ngày 4 và 5/4/1966. Về dự Đại hội có 650 đại biểu của các ngành, các cấp, các địa phương, đơn vị đã lập thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu. Đại hội đã biểu dương thành tích của quân dân Thanh Hóa trên các lĩnh vực. Quân dân tỉnh nhà đã bắn rơi 127 máy bay, bắn cháy 1 tàu chiến và làm bị thương nhiều chiếc khác. Trong bom đạn ác liệt, sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển, các hợp tác xã đã làm tròn nghĩa vụ lương thực, ổn định đời sống và có phần tích lũy. Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua 3 giỏi "Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, giao thông vận tải giỏi" nhằm thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

Thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: sản xuất, chiến đấu, giao thông vận tải, chi viện tiền tuyến, Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa đã vượt lên khó khăn, gian khổ, thử thách, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trong hai ngày 3 và 4/4/1965, quân dân Thanh Hóa đã bắn tan xác 47 máy bay giặc Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, Đò Lèn, phà Ghép, Tĩnh Gia, đã làm cho cả thế giới ngạc nhiên và khâm phục. Cầu Hàm Rồng, chiếc cầu nhỏ bé trên dòng sông Mã, đã đi vào lịch sử bằng những chiến công hiển hách và niềm tự hào về sức mạnh Việt Nam.

Với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, mở đầu cho phong trào dân quân nữ bắn rơi máy bay giặc Mỹ là trung đội nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc). Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc, đơn vị nữ đầu tiên trên miền Bắc dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay giặc Mỹ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi và tặng thưởng huy hiệu của người. Đại đội Triệu Thị Trinh - đại đội bộ đội địa phương nữ đầu tiên trong tỉnh cơ động chiến đấu nhiều nơi, bắn rơi 3 máy bay, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen, tặng huy hiệu, được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công. Năm 1967 trung đội nữ dân quân Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Hà Phú, Hà Toại (Hà Trung), nữ dân quân xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) đều lập chiến công xuất sắc bắn rơi máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng thưởng huy hiệu.

(còn nữa)

TS. Hoàng Bá Tường (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


TS. Hoàng Bá Tường (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]