(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có dấu hiệu tăng lên trong cả nước, trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Cùng với cha mẹ, việc chăm sóc, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập, tự chủ trong cuộc sống cần sự vào cuộc, chung tay từ nhiều phía.

Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Quan tâm, chăm sóc trẻ tự kỷ

Những năm gần đây trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có dấu hiệu tăng lên trong cả nước, trở thành vấn đề được xã hội quan tâm. Cùng với cha mẹ, việc chăm sóc, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập, tự chủ trong cuộc sống cần sự vào cuộc, chung tay từ nhiều phía.

Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Quan tâm, chăm sóc trẻ tự kỷCha mẹ có con bị tự kỷ cần cẩn trọng khi lựa chọn các trung tâm, cơ sở uy tín để can thiệp cho con.

Là một người mẹ có con bị tự kỷ, cũng đồng thời là cô giáo có nhiều kinh nghiệm trong can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ, chị Nguyễn Thị Tùng Lâm đang làm việc tại Đơn nguyên tâm bệnh -

Khoa Thần kinh tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) chia sẻ: “Với quan sát và nhìn nhận của cá nhân, tôi cho rằng tình trạng trẻ bị tự kỷ những năm qua có dấu hiệu gia tăng. Chỉ riêng tại Đơn nguyên tâm bệnh hiện có gần 120 trẻ tự kỷ đang được can thiệp”.

Bên cạnh số lượng trẻ tự kỷ đang được can thiệp thường xuyên tại Đơn nguyên tâm bệnh, trung bình mỗi ngày Khoa Thần kinh tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng tiếp đón khoảng 25 - 30 trường hợp bố mẹ đưa con đến thăm khám với các dấu hiệu nghi ngờ bị tự kỷ.

“Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Ước tính, cứ 100 trẻ sinh ra thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Trong vòng 15 năm trở lại đấy, số lượng trẻ tự kỷ tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng phải lưu tâm”.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, bác sĩ Trần Thị Minh Anh, Phó Khoa Thần kinh tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: “Đến nay, vẫn chưa có các bằng chứng khoa học chắc chắn về nguyên nhân và bệnh sinh của rối loạn phổ tự kỷ. Các yếu tố có liên quan đóng vai trò quan trọng là gen di truyền. Không có bằng chứng về mối liên quan giữa tiêm vắc-xin sởi, quai bị, rubella với sự phát sinh của tự kỷ”.

Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Quan tâm, chăm sóc trẻ tự kỷCha mẹ có con bị tự kỷ cần cẩn trọng khi lựa chọn các trung tâm, cơ sở uy tín để can thiệp cho con.

Cũng theo bác sĩ Trần Thị Minh Anh việc phát hiện, thăm khám dựa trên những dấu hiệu cảnh báo, triệu chứng nhưng việc kết luận trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ phải dựa trên những tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, câu chuyện can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ lại là vấn đề cần rất nhiều sự lưu tâm.

Theo đó, rối loạn phổ tự kỷ là một dạng khuyết tật suốt đời, nhưng trẻ bị tự kỷ vẫn cần phải được can thiệp thường xuyên nhằm giảm bớt những rối loạn của trẻ. Từ đó tăng cơ hội để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng. Căn cứ trên tình trạng thực tế rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ mà có những sự can thiệp cần thiết, như ngôn ngữ trị liệu; hoạt động trị liệu... Việc phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở con trẻ cũng giúp cho việc can thiệp, hỗ trợ kịp thời, từ đó đạt kết quả tốt hơn, thúc đẩy sự phát triển cho trẻ tự kỷ.

“Khi đã xác định con bị rối loạn phổ tự kỷ, ngoài chuẩn bị “lên dây cót” tinh thần để bắt đầu hành trình gian nan đồng hành cùng con, thì bố mẹ cũng cần có những sự lựa chọn thật kỹ về các cơ sở, trung tâm đưa con đến can thiệp. Tại Đơn nguyên tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) các con được chăm sóc toàn diện. Đặc biệt, các con được bảo hiểm y tế chi trả các chi phí. Can thiệp rối loạn phổ tự kỷ là một quá trình lâu dài, tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức, đấy thực sự là gánh nặng với các gia đình có con bị tự kỷ. Bên cạnh đó, trong quá trình can thiệp, dựa trên tình hình thực tế của trẻ tự kỷ, các bác sĩ có chuyên môn mới xác định có được dùng thuốc hay không. Việc dùng thuốc với trẻ bị tự kỷ không thể tùy tiện, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường”, bác sĩ Trần Thị Minh Anh cho biết.

Thực tế hiện nay, ngoài Đơn nguyên tâm bệnh - Khoa thần kinh tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) đang can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ thì có rất nhiều các cơ sở, trung tâm tư nhân có hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - dạy trẻ tự kỷ. Hầu hết các trung tâm, cơ sở đang hoạt động dưới hình thức công ty TNHH.

Bà Thiều Thị Duyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, cho biết: “Mới đây, thực hiện quyết định của UBND TP Thanh Hóa về việc thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trên địa bàn, kết quả kiểm tra cho thấy một số trung tâm, cơ sở hoạt động còn thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chưa thực sự quy chuẩn...”.

Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Quan tâm, chăm sóc trẻ tự kỷTrẻ tự kỷ cần được can thiệp sớm để thúc đẩy sự phát triển, tăng cơ hội hòa nhập.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thiều Thị Duyên, ngày 5/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định nêu rõ điều kiện thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục với các nội dung quy định về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và dịch vụ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật; nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp... Trong nghị định nêu rõ thủ tục thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục.

“Nghị định 125/2024/NĐ-CP ban hành được xem là chìa khóa “tháo khó” cho các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục. Từ đây, đầu mối về việc thành lập cũng như quản lý, giám sát hoạt động sẽ do ngành giáo dục và đào tạo theo dõi. Căn cứ tình hình thực tế, trẻ tự kỷ những năm gần đây có xu hướng tăng, đó là gánh nặng không chỉ với các gia đình mà còn là nỗi lo với xã hội. Bên cạnh các cơ sở can thiệp công lập, việc thành lập các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục cũng là xu hướng tất yếu, đáp ứng nhu cầu thực tế. Và điều quan trọng là các trung tâm phải thành lập, hoạt động theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, góp phần chung tay chăm sóc, hỗ trợ trẻ tự kỷ...”, bà Thiều Thị Duyên chia sẻ quan điểm.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Tin liên quan:
  • Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Quan tâm, chăm sóc trẻ tự kỷ
    Thắp lên ánh sáng cuộc đời cho trẻ tự kỷ: Nỗi buồn... trẻ tự kỷ

    Rối loạn phổ tự kỷ là một khuyết tật khởi phát từ khi trẻ còn nhỏ và đặc trưng bởi những bất thường về tương tác xã hội, giao tiếp, hành vi... Và có thể ảnh hưởng kéo dài đến suốt cuộc đời. Câu chuyện làm thế nào để giúp trẻ tự kỷ có thể sống hòa nhập và có tương lai tốt hơn là nỗi niềm trăn trở không chỉ của bậc làm cha mẹ, mà còn cần đến sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]