Thay đổi thói quen, tạo nhận thức
“Điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn đã và đang được cải thiện đáng kể”. Trong đó phải kể đến mô hình phân loại rác tại hộ dân đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh đó, vấn đề làm sạch ruộng đồng (thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật) cũng đã và đang thực hiện có hiệu quả. Sự cải thiện đáng kể đã góp phần gỡ khó cho tiêu chí môi trường, một trong những tiêu chí khó đạt, gây áp lực đối với nhiều vùng nông thôn.
Cán bộ môi trường xã Xuân Dương (Thường Xuân) tuyên truyền cho bà con Nhân dân cách phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Ảnh tư liệu
Rác thải hữu cơ được tận dụng làm phân bón, rác thải có thể tái chế được thu gom và bán cho đơn vị thu gom phế liệu... Phân loại rác đã trở thành thói quen tốt cho mỗi hộ dân và hơn thế, đó còn là trách nhiệm cộng đồng...
Cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Vân Sơn (Triệu Sơn), ông Nguyễn Đại Đông ở thôn 4 đã nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bắt đầu bằng sự thay đổi thói quen. Ông kể: “Trước đây, tôi cũng như nhiều hộ dân khác vẫn còn dễ dãi trong xử lý rác thải sinh hoạt tại nhà. Từ khi XDNTM, mỗi hộ dân đã được tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức phân loại rác. Mỗi hộ có 1 thùng rác vô cơ. Sau này có thêm 2 thùng rác để đựng rác hữu cơ và rác tái chế. Hiện nay, bể xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh cũng đã được xây dựng ở một số hộ trong thôn”.
Hơn 10 năm về trước, phần lớn người dân ở Vân Sơn còn hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường. Đơn cử, các hộ dân vẫn giữ thói quen lấy lá cây, vỏ cây vứt ra đường phơi khô để làm nhiên liệu còn vỏ hoa quả ném ra vườn cho nó tự hủy... Giai đoạn 2011-2015, khi Vân Sơn thực hiện xây dựng Chương trình XDNTM, công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn này được quan tâm, triển khai, thực hiện bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đối với rác thải sinh hoạt tại hộ dân đã được thu gom và tập kết đúng nơi quy định. Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn chưa quen đối với một bộ phận người dân, vì thế công tác bảo vệ môi trường vẫn còn gặp khó khăn.
Khi XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đặt ra cho xã Vân Sơn nhiều vấn đề khó hơn trong thực hiện tiêu chí môi trường. Mỗi một giai đoạn, yêu cầu cao hơn của sự hoàn thiện về tiêu chí. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn, ông Lê Kim Duy cho biết: “Lượng rác thải phát sinh ở khu dân cư khoảng 30 tấn/tháng. Để công tác bảo vệ môi trường thuận lợi, hiệu quả hơn, mỗi tổ chức hội sẽ đảm nhiệm một công việc cụ thể, như hội nông dân xây miễn phí bể xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh. Đến nay, đã xây được 48 bể. Như vậy, từ chỗ ném, vứt rác bừa bãi thì giờ người dân tiến bộ hơn, thu gom, phân loại rác, biến rác hữu cơ thành phân bón...”.
Không chỉ xã Vân Sơn, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ ở tất cả các xã, thị trấn của huyện Triệu Sơn. Tại đây, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 130 tấn/ngày, đêm. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn: “Huyện xem chỉ tiêu phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn là chỉ tiêu cứng để tập trung chỉ đạo. Đối với chỉ tiêu này, ngay trong công tác quản lý Nhà nước, từ chương trình kế hoạch, UBND huyện đều gắn trách nhiệm của từng địa phương và giao chỉ tiêu đến các xã, thị trấn. Đến nay, 75% hộ dân trên địa bàn huyện đã có ý thức phân loại rác thải tại nguồn”.
Trở về Xuân Dương, một xã vùng thấp của huyện Thường Xuân. Tại địa phương này, vấn đề phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ dân có cách làm riêng, phù hợp với điều kiện tình hình.
Thực tế ở Xuân Dương, do thói quen sinh hoạt nên nhiều rác thải được xả ra môi trường. Nhằm nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi hành vi trong công tác bảo vệ môi trường, thuận lợi cho việc thu gom, hộ dân tại các khu vực trung tâm, đông người trên địa bàn xã Xuân Dương đã được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thùng chứa rác thải chuyên dụng để phân loại rác ngay từ hộ gia đình, gồm thùng chứa rác vô cơ và hữu cơ. Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Dương, ông Lê Văn Sơn cho biết: “Sau khi được phân loại, rác thải vô cơ được công ty môi trường thu gom đem đi xử lý, rác thải hữu cơ được các hộ gia đình đưa vào bể chứa bằng bê tông và trộn đều với chế phẩm sinh học. Chế phẩm này có tác dụng tạo ra các loại vi khuẩn có lợi để làm giảm mùi hôi của nước ô nhiễm hay chuồng trại chăn nuôi và có tác dụng lên men phân hủy rác...”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ gia đình ở Xuân Dương do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có khả năng đầu tư xây dựng bể bê tông. Để gỡ khó vấn đề này, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã đã hướng dẫn Nhân dân trên địa bàn đào hố có kích thước rộng 50cm, dài 1m, chiều sâu 50cm, sau đó lót bạt phần đáy và phủ kín để thực hiện việc ủ rác. Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Văn Sơn cho biết thêm: “Phương pháp này tốn rất ít chi phí, khoảng 50 ngàn đồng dùng mua bạt cho mỗi hố ủ và có thể sử dụng nhiều năm sau đó. Một thuận lợi nữa là, tùy theo lượng rác của gia đình mà có thể chia hố ủ thành 2 ngăn để bổ sung rác tiếp theo trong quá trình sinh hoạt”.
Cũng từ mô hình này, ông Lê Văn Sơn rút ra được bài học kinh nghiệm: Khi có sự đồng lòng của Nhân dân thì mô hình thành công và sớm đi vào cuộc sống. Công tác tuyên truyền, vận động và kiểm tra đôn đốc phải được thực hiện nhất quán và triệt để.
Hiệu quả mang lại lớn nhưng câu chuyện phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ dân chưa bao giờ là dễ. Và càng khó hơn ở những xã lên phường. Nói về điều này, ông Lâm Ngọc Niêm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Dân (thị xã Nghi Sơn) vẫn còn đó trăn trở khi mà đến nay, số hộ dân biết phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở trên địa bàn phường Tân Dân mới chỉ đạt khoảng 30%. Ông Niêm trầm ngâm: “Từ nông thôn bước chân vào thành thị vẫn còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Để thay đổi nền nếp gia đình không phải ngày một, ngày hai, huống gì thay đổi nét sinh hoạt, cần phải có thêm thời gian để bước chuyển dần dần. Về cảnh quan môi trường, bước này, chúng tôi đang tập trung cao độ, trong đó có công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn...”.
Cùng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, công tác bảo vệ môi trường ở phường Nguyên Bình có nỗi niềm riêng. Theo chia sẻ của ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND phường thì người dân trên địa bàn chấp hành tương đối tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt nhưng bên cạnh đó vẫn còn những thành phần đang cho bản thân quyền tự do, không tuân thủ quy định. “Sau khi thu gom, rác được đưa về khu tập kết của phường, nhưng đáng tiếc, người dân ở nơi khác khi chạy xe qua thường ném rác ngay trước cổng khu tập kết hoặc vứt bừa bãi hai bên đường. Chúng tôi đã xử phạt hành chính một số người dân. Sắp tới, địa phương có kế hoạch lắp camera tại khu tập kết rác để công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn”.
Thay đổi thói quen, tạo nhận thức. Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã và đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp Nhân dân. Điều quan trọng, xin nhắc lại chia sẻ của ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Dương (Thường Xuân): Khi có sự đồng lòng của Nhân dân thì mô hình thành công và sớm đi vào cuộc sống.
Anh Hoàng
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-09 07:52:00
Kêu gọi bình chọn cho Việt Nam tại Giải thưởng Golf thế giới 2024
Cảnh báo giả mạo ứng dụng dịch vụ công chiếm đoạt tài sản
Để sớm hiện thực hóa “giấc mơ” có nhà của công nhân
Những người giữ bình yên cho du khách khi về với biển
Mua, thuê nhà ở xã hội: Vẫn là điều không dễ
Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới
Hiệu quả từ mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản ở huyện Thường Xuân
Chuyện ở khu trọ công nhân
Khi bộ đội giữ rừng
Đánh thức những vùng đồi