(vhds.baothanhhoa.vn) - Phía sau vinh quang: Nhọc nhằn đường tới vinh quang

Phía sau vinh quang: Nhọc nhằn đường tới vinh quang

Phía sau vinh quang: Nhọc nhằn đường tới vinh quang

Với VĐV Vũ Văn Kiên, muốn gặt hái được thành tích thì phải trải qua nhọc nhằn, khổ luyện.

Võ sĩ vô địch thế giới Bùi Thị Quỳnh và những tháng ngày không quên

Người hâm mộ bộ môn Muay hẳn chưa quên nữ võ sĩ Bùi Thị Quỳnh (SN1996) tại phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa). Năm 2012, ngay trong lần đầu ra quân thi đấu ở đấu trường châu lục, cô giành HCV Giải vô địch châu Á. Năm 2013, Quỳnh giành HCV Giải vô địch thế giới nội dung đối kháng nữ hạng cân dưới 48kg; và HCB tại SEA Games 27 diễn ra tại Myanmar trong sự tức tưởi do bị trọng tài xử ép. 5 năm liên tục Quỳnh giành HCV tại Giải vô địch Muay Quốc gia (từ 2012 đến 2016).

Với Quỳnh, đến với Muay là sự lựa chọn. Vốn thích tập võ từ nhỏ, năm 2010, em đăng ký tham gia tuyển chọn VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Do dáng người nhỏ nên Quỳnh không được chọn. Không nản lòng, hàng ngày sau giờ học ở trường, em đạp xe từ nhà ở phường Quảng Thành lên huyện Đông Sơn để tập luyện. Sự kiên trì của cô bé 14 tuổi đã thuyết phục các huấn luyện viên (HLV). Với tố chất thể thao, lại siêng năng, nghiêm túc, Quỳnh nhanh chóng trở thành nhân tố nổi bật của bộ môn Muay. Nhận xét về Quỳnh, HLV Đinh Công Sơn, Trưởng bộ môn Muay (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh), cho biết: “Bùi Thị Quỳnh là một tài năng không đợi tuổi. Ở em, có đủ các yếu tố của một VĐV chuyên nghiệp. Với sự say mê võ thuật, Quỳnh từng bước giành lấy vinh quang xứng đáng”.

Bùi Thị Quỳnh tâm sự: “Muay là môn võ thuật khắc nghiệt, đối kháng trực tiếp, nặng về tính sát thương nên chủ yếu chỉ có các VĐV nam tham gia. Để có thể trở thành VĐV Muay, đòi hỏi phải có thể lực bền bỉ, chịu được cường độ tập luyện cao, trải qua nhiều bài tập nặng như tập tạ, tập lăn, tập chiến thuật... không nghiêm túc, kiên trì sẽ không thể theo đuổi được”. Khi còn là VĐV, ngoài học văn hóa Quỳnh phải đều đặn duy trì tập luyện 5 - 6 tiếng mỗi ngày.

Và sau những vinh quang Quỳnh giành được, ít ai biết rằng Quỳnh bị lồng ruột bẩm sinh nên không tránh khỏi những cơn đau đột ngột. Bên cạnh, trước mỗi giải đấu Quỳnh phải nhịn ăn, tập luyện nhiều hơn để ép cân dẫn đến sa dạ dày. Rồi việc tập luyện, thi đấu thường xuyên khiến cho Quỳnh nhiều lần bị chấn thương (khớp tay, cổ chân)... Cũng bởi chấn thương và lý do sức khỏe, năm 2016, khi mới 20 tuổi, nhà vô địch thế giới đành miễn cưỡng dừng thi đấu. Tuy vậy, Quỳnh chia sẻ: “Em vẫn thấy mình may mắn. Vì em có thành tích, có huy chương và một thời thanh xuân, tuổi trẻ đáng nhớ”.

VĐV Pencak Silat Vũ Văn Kiên: Không có áp lực sẽ không thể trưởng thành

Sinh năm 1998 ở xã Quảng Thạch (Quảng Xương), VĐV Pencak Silat Vũ Văn Kiên được kỳ vọng là nhân tố giành HCV ở hạng cân 60kg cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 diễn ra thời gian tới. Trước đó, Vũ Văn Kiên 2 lần giành HCĐ Giải vô địch thế giới (năm 2016, 2019); HCV Giải vô địch châu Á (năm 2016); 5 năm liên tục được HCV Giải vô địch Quốc gia. Ở tuổi 24, Vũ Văn Kiên đã có thâm niên 9 năm gắn bó với đội tuyển Pencak Silat quốc gia (Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia).

Với Vũ Văn Kiên, đến với Pencak Silat là duyên tình cờ. Năm 2013, khi đang học lớp 9, Kiên được thầy giáo giới thiệu thi tuyển vào lớp năng khiếu, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Sau 2 tháng tập luyện, em được tham gia thi đấu ở Giải Pencak Silat trẻ toàn quốc.

Trừ những khoảng thời gian tham gia thi đấu, một ngày với VĐV Vũ Văn Kiên duy trì thường xuyên 3 ca tập luyện từ sáng sớm đến chiều muộn. Nhiều năm qua, Kiên sống xa gia đình và chỉ trở về sau mỗi lần “đánh giải” đạt thành tích. Vừa để thăm bố mẹ, cũng đồng thời tranh thủ nghỉ ngơi.

Nói về những vất vả khi quyết định theo con đường thể thao, VĐV Vũ Văn Kiên cho biết: “Ngoài việc tập luyện thường xuyên thì trước mỗi giải đấu em đều phải “ép cân”. Có những lần giảm 6kg một tháng. Để giảm cân có nhiều cách, ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn, em thường mặc áo mưa chạy bộ ngoài đường bất kể thời tiết nóng, lạnh. Có những năm phải ép cân 3 - 4 lần. Việc duy trì tập luyện, rồi ép cân thực sự rất mệt. Nhưng một khi xác định con đường đi, mục tiêu hướng đến thì mọi khó khăn, vất vả đều có thể vượt qua. Khi VĐV không còn phải chịu áp lực, không còn đặt ra mục tiêu thành tích thì có nghĩa, sự nghiệp đang đi xuống. Với bản thân mình, em chưa muốn dừng lại”.

Cũng theo chia sẻ của Vũ Văn Kiên, những áp lực (thành tích, tập luyện) không đến từ bên ngoài, mà do bản thân mỗi VĐV tự đặt ra cho chính mình. Nếu muốn vượt trội, muốn đứng ở bậc thành tích cao hơn người khác, đương nhiên phải chịu được sức ép tốt hơn, nỗ lực nhiều hơn.

Phạm Thị Vân và kỳ vọng trên đường đua xanh

Thấm thoát đã 7 năm cô gái dân tộc Mường Phạm Thị Vân, sinh ra ở xã Ngọc Khê nay là thị trấn Ngọc Lặc (Ngọc Lặc) gắn bó với “đường đua xanh”. Năm 2015, khi còn là cô bé 10 tuổi Vân được tình cờ phát hiện tài năng, và bắt đầu xa gia đình về TP Thanh Hóa tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, sau đó vào Đà Nẵng tập luyện trong đội hình của Đội tuyển trẻ bơi lội Quốc gia. Một năm sau những nỗ lực tập luyện, em đã giành được HCV tại Giải bơi lội trẻ toàn quốc. Năm 2018, tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII, Phạm Thị Vân giành HCB. Đặc biệt, tại Giải vô địch Quốc gia năm 2020, Phạm Thị Vân vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Ánh Viên ở nội dung 50m bơi bướm. Năm 2021, tại Giải bơi - lặn bể 25m vô địch Quốc gia tại TP Huế và Giải vô địch bơi lội Quốc gia tại TP Đà Nẵng, Phạm Thị Vân tiếp tục vượt qua “nàng tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên.

Đánh giá về Phạm Thị Vân, HLV Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn Bơi (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh), nhận định: “Phạm Thị Vân là một tài năng bơi lội hiếm có của xứ Thanh. Ở em có các tố chất bơi lội bẩm sinh như hình thể và sự nhanh nhẹn. Cùng với việc tập luyện khoa học, chế độ dinh dưỡng hợp lý, sự nỗ lực của bản thân đã giúp em tỏa sáng. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nỗ lực bản thân. Nếu như Vân không cố gắng để vượt qua “ngưỡng” của chính mình, thì không ai có thể giúp được em. Có thể, ở những nội dung Vân vượt qua đàn chị Ánh Viên vốn không phải là sở trường của kình ngư quê ở Cần Thơ, song đó vẫn là thành tích mà không nhiều VĐV bơi lội trẻ đạt được. Vân phù hợp với các nội dung bơi cự ly ngắn”.

Dù tài năng, song để có một tài năng gây tiếng vang như ngày hôm nay, Phạm Thị Vân đã phải trải qua không ít thử thách, nhọc nhằn. 10 tuổi, học lớp 4, em đã phải sống xa gia đình, xa rời vòng tay của mẹ. Vân nhớ lại: “Em không nhớ khi ấy đã bao nhiêu lần khóc vì nhớ nhà, muốn bỏ về với núi rừng quê hương. Có lần, gọi điện về cho mẹ em òa khóc. Mẹ em thương con gái, đã gom góp, vay mượn tiền để xuống thành phố thăm, động viên em cố gắng... Cùng với đó, em phải thường xuyên dầm mình dưới nước 7 - 8 tiếng mỗi ngày, bây giờ thấy bình thường nhưng lúc đó thực sự rất mệt. Rồi em phải tập luyện các bài ép dẻo, tăng sức bền khiến toàn thân đau nhức, tưởng chừng không thể vượt qua. Em tự nhủ mình càng phải nỗ lực, kiên trì khổ luyện hơn nữa, bởi trong thể thao, chỉ có khổ luyện mới hy vọng gặt hái thành công”.

Thời gian này, Phạm Thị Vân đang tập huấn tại Hungary để chuẩn bị bước vào đường đua SEA Games 31 sắp tới. Ở tuổi 17 - độ tuổi “chín” của sự nghiệp VĐV, với tài năng, sức trẻ và khát vọng giành chiến thắng, Phạm Thị Vân đang được kỳ vọng là nhân tố đặc biệt giành “vàng” về cho Bộ môn Bơi Việt Nam.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]