(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những mái đầu đã bạc, gương mặt đã nhiều nếp nhăn vì tuổi tác của những cán bộ, chiến sỹ đã từng xông pha trong bom đạn, khói lửa năm nào bỗng trào dâng cảm xúc về một thời hoa lửa mỗi dịp tháng 4 về. Nơi ấy có lòng dũng cảm và niềm tin son sắt vào ngày mai thắng trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa xuân 30/4 vẫn vẹn nguyên trong kí ức những cựu chiến binh (CCB) quê Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiến dịch Hồ Chí Minh trong kí ức những người lính cụ Hồ

(VH&ĐS) Những mái đầu đã bạc, gương mặt đã nhiều nếp nhăn vì tuổi tác của những cán bộ, chiến sỹ đã từng xông pha trong bom đạn, khói lửa năm nào bỗng trào dâng cảm xúc về một thời hoa lửa mỗi dịp tháng 4 về. Nơi ấy có lòng dũng cảm và niềm tin son sắt vào ngày mai thắng trận. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên Đại thắng mùa xuân 30/4 vẫn vẹn nguyên trong kí ức những cựu chiến binh (CCB) quê Thanh.

Đại úy Nguyễn Như Minh - Chi hội trưởng CCB thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320b, Quân đoàn 1 vẫn còn nhớ như in: Vào tháng 3/1975, đơn vị đang đắp đê ở Yên Khánh, Ninh Bình thì được nhận nhiệm vụ vào Quảng Bình chiến đấu. Đầu tháng 4/1975, đơn vị được lệnh tập kết ở Đồng Xoài (Bình Phước) trước ngày 12/4 và chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 24/4/1975 đơn vị được mặt trận giao nhiệm vụ là lực lượng thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, đây là tổng hành dinh của quân đội ngụy Sài Gòn. Cả đơn vị ai cũng vui mừng vì đây là vinh dự quá lớn lao mọi người đều chuẩn bị cho mình đầy đủ vũ khí trang bị và cả quân tư trang cần thiết, nhưng không ai quên chuẩn bị thêm một lá cờ để mong rằng mình là người đến trước.

Đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu Ngụy với 3 mũi tấn công vào 5 cổng. Cổng 1 và 5 phía Nam đường vào Trung tâm Sài Gòn; cổng 2 và 4 hướng Đông vào khu Gia Định, cổng 3 hướng Bắc, quận Gò Vấp. Nhiệm vụ của Đại đội 7 đánh vào cổng 2. Hỏa lực địch khá mạnh, đơn vị chiến đấu quyết liệt bằng B40, B41, bắn cháy xe tăng địch khiến chúng phải tháo chạy. Thừa thắng đơn vị đánh vào khu mục tiêu các khu nhà phòng Nhì, phòng Nhất, Tổng cục Tiếp vận, đánh chiếm Cục Quân huấn. Đến 9 giờ 10 phút ngày 30/4/1975 ba mũi tấn công gặp nhau tại chân cột cờ Bộ Tổng Tham mưu Ngụy. Đồng chí Lại Đức Lưu, Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 2 cùng 2 đồng chí được giao nhiệm vụ lên cắm cờ tại nóc nhà Trụ sở của Bộ Tổng Tham mưu Ngụy - nơi Đại tướng Cao Văn Viên thường xuyên làm việc. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 Đại đội hoàn thành nhiệm vụ với niềm vui, xúc động tột cùng. Trong kí ức người CCB Nguyễn Như Minh, đó là trận đánh vẻ vang nhất trong cuộc đời người lính.

CCB Nguyễn Như Minh, thôn Tiến Thọ, xã Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa nhớ lại trận đánh lịch sử vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy ngày 30/4/1975.

Còn với CCB Phạm Ngọc Khắng, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa, nguyên là nhân viên cơ yếu Bộ chỉ huy Miền thì tháng 3/1975 đơn vị đang ở Lộc Ninh phục vụ cho Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên, ngày 20/4/1975 được lệnh hành quân gấp từ Lộc Ninh xuống căn cứ Sóng thần Thủ Đức, đây là Sở chỉ huy phía trước của Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy tất cả các cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chúng tôi hành quân bằng cơ giới gấp rút cả ngày lẫn đêm, lúc đó mệt lắm nhưng ai cũng thấy vui vì sắp được đặt chân trên mảnh đất Sài Gòn Gia Định, sào huyệt cuối cùng của bọn Mỹ - Ngụy.

Để giải phóng Sài Gòn gần như còn nguyên vẹn, không bị đổ nát, Tổng thống Ngụy Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân đội ta đã phải trải qua nhiều trận đánh vô cùng gam go, quyết liệt. Trong đó là mở cánh cửa thép phía Bắc vào Đông Sài Gòn là Xuân Lộc, Long Khánh - là Căn cứ Nước Trong (Biên Hòa)... Và trong sâu thẳm CCB Phùng Thiên Hổ, phố Ngô Thị Ngọc Dao, phường Đông Vệ, Tp Thanh Hóa, từng là Chính trị viên Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Đại đội 11, Sư đoàn 304 đã có biết bao người lính đã ngã xuống trước cửa ngõ tiến vào Sài Gòn và Căn cứ Nước Trong mà ông từng tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là căn cứ ác liệt nhất. Gần 1 tháng bước vào cuộc hành quân miền duyên hải vào Quy Nhơn và bắt đầu nhận nhiệm vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại đội của ông được giao nhiệm vụ cùng Trung đoàn đánh một mũi vào Trường Sỹ quan Thiết giáp - Căn cứ Nước Trong (Biên Hòa).

Ngày 26/4/1975 chính thức phát hỏa chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả các chiến trường phát hỏa, súng rền vang, ta và địch giằng co nhau từng tấc đất. Trong cuộc đời người lính Phùng Thiên Hổ, đây là trận đánh ác liệt nhất, ông tiêu diệt 2 lính ngụy và bị thương nặng ngày 28/4/1975. Đại đội 11 có 102 chiến sỹ, trong đó hy sinh 15 người, bị thương 3 người tại Căn cứ Nước Trong. Để làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng Sài Gòn, đã có biết bao người lính đã ngã xuống ở cửa ngõ Sài Gòn. Họ chiến đấu không phải trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp như những trận chiến khác mà chiến dịch Hồ Chí Minh đem lại tinh thần vô cùng phấn khích, niềm tin vững chắc vào sự thắng lợi. Đó là điểm khác biệt nhất so với các chiến dịch khác mà người lính tham gia. 42 năm qua, mảnh đạn vẫn nằm trong đầu CCB Phùng Thiên Hổ, trái gió trở trời lại đau nhức nhối nhưng kí ức của chiến tranh thì không bao giờ phai nhạt trong mỗi người lính khi tham gia chiến trường.

CCB Phùng Thiên Hổ, phố Ngô Thị Ngọc Dao, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa cùng vợ ôn lại kí ức Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, bùi ngùi xúc động, tưởng nhớ, thắp nén hương thơm, tấm lòng thành kính và dâng đóa hoa ngát hương đến lớp lớp cha anh đã ngã xuống nơi chiến trường xa để rồi tuổi đôi mươi hóa thân vào đất mẹ cho Tổ quốc rực màu hoa đỏ, mãi mãi trường tồn, phát triển. 42 năm đã qua đi nhưng tinh thần, ý nghĩa và sức mạnh của Đại thắng mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến - chiến dịch cuối cùng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, sự nghiệp vĩ đại, hào hùng, oanh liệt nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta vẫn luôn sống mãi và được đánh dấu bằng mốc son lịch sử chói lọi quang vinh nhất là lá cờ giải phóng thấm máu đào được cắm trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.

Ngọc Huấn - Thu Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]