(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi môi trường đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, tiêu dùng xanh được xem là giải pháp hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Sản phẩm xanh – xu hướng tiêu dùng mới

Khi môi trường đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội, tiêu dùng xanh được xem là giải pháp hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Sản phẩm xanh – xu hướng tiêu dùng mới

Sản phẩm thân thiện với môi trường tại “Chợ nhỏ an lành” được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: CTV

Sản phẩm thân thiện với môi trường lên ngôi

Trước những lo ngại về sự gia tăng của đồ nhựa dùng một lần, những sản phẩm thân thiện với môi trường ra đời đang được người tiêu dùng hưởng ứng. Hàng loạt các sản phẩm tiện ích như: ống hút tre, bình thủy tinh, bình nước tre, ống hút gạo, ống hút giấy, ly giấy và các loại bát, đĩa, hộp đựng thức ăn làm từ nguyên liệu bã mía… ra đời ngày càng nhiều với mục tiêu thay thế cho đồ nhựa.

Là 1 trong những người tiên phong giảm rác thải nhựa (RTN) tại Thanh Hóa từ việc tạo ra ống hút bằng tre, thay thế ống hút bằng nhựa, anh Lê Xuân Lâm, Giám đốc Công ty TNHH VIBABO (thôn 2, Thành Lợi, xã Tân Thành,Thường Xuân) trải lòng: “Nếu mỗi chúng ta không có hành động kịp thời để ngăn RTN, môi trường, sức khỏe của chúng ta và con cháu chúng ta sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, để góp phần giảm thiểu RTN như lời kêu gọi của Trung ương, của tỉnh, tôi nghĩ cần thay đổi xu hướng tiêu dùng. Chính từ suy nghĩ đó, tôi đã chọn tre là nguyên liệu để tạo ra chiếc ống hút thân thiện với môi trường. Thật vui vì ý tưởng của chúng tôi phù hợp với sự dịch chuyển tư duy tiêu dùng của xã hội, được khách hàng đón nhận. Hiện, mỗi tháng công ty cung ứng khoảng 600 ngàn ống hút bằng tre đến người tiêu dùng. Ngoài làm ống hút bằng tre, công ty còn sản xuất ra nhiều sản phẩm khác như: thìa tre, bút tre, cốc tre, nhà ở bằng tre... và đều được khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Sản xuất mặt hàng từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, cũng là hướng đi của nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh lựa chọn, được cơ quan chuyên môn và người tiêu dùng đánh giá cao. Trong đó phải kể đến bộ sản phẩm rổ cói 3 chiếc và bình hoa bằng cói của Công ty CP Sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn); sản phẩm túi, mũ làm từ bèo tây, bẹ ngô của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nông Phú (Vĩnh Lộc)... Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình, sản phẩm được thiết kế, sản xuất thủ công từ nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên, như: tre, nứa, gỗ và các sản phẩm tái chế làm thành các món quà lưu niệm, đồ trang trí, đồ dùng với ý tưởng độc đáo, sáng tạo.

Người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm xanh

Có mặt tại “Chợ nhỏ an lành” số 777, Thôi Hữu, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) vào phiên chợ đầu tiên của năm, chúng tôi như được hòa vào dòng chảy nhộn nhịp giữa kẻ bán người mua. Đang chọn mua nước rửa chén bát sinh học, chị Lê Tuyết Trinh, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi chọn mua loại nước rửa chén bát này vì hương liệu hoàn toàn tự nhiên, không chứa chất tẩy rửa, ảnh hưởng đến sức khỏe như một số loại nước rửa bát thông dụng khác. Sản phẩm này, không chỉ tốt cho người sử dụng mà còn góp phần hạn chế nước thải độc hại ra môi trường”. Dù đang tất bật, bỏ các sản phẩm vừa mua được vào trong túi giấy, chị Nguyễn Thị Lan, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) hồ hởi: “Qua giới thiệu của một vài người bạn, tôi biết đến phiên chợ này. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia nhưng cảm thấy rất thú vị, hấp dẫn ở không gian, cách bày trí gian hàng, sự thân thiện của người bán. Quan trọng nhất là mình cảm thấy yên tâm, tin tưởng về chất lượng sản phẩm được bày bán phần lớn là từ tự nhiên, hoặc được làm từ các phương pháp thủ công truyền thống, lại có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng”.

“Chợ nhỏ an lành” tuy chỉ tổ chức một lần vào ngày chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, tại quán cafe Uncel nhưng khách hàng có cơ hội chọn lựa nhiều dòng sản phẩm thân thiện, an toàn với sức khỏe và môi trường, như: Đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, nước rửa chén bát sinh học, thực phẩm tươi, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ... Tất cả đều có tem nhãn theo quy chuẩn, nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, đối với sản phẩm thực phẩm có rõ quy trình canh tác, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, hình ảnh cơ sở sản xuất và không sử dụng phụ gia vô cơ. Bên cạnh đó, đề cao tinh thần “xanh - sạch - đẹp”, “Chợ nhỏ an lành” khuyến khích người mua hàng và các gian hàng hạn chế sử dụng túi nilon, xả rác ra môi trường từ trước, trong và sau khi diễn ra phiên chợ... Vì vậy, các khách hàng đến tham quan, mua sắm đều rất ưng ý với những sản phẩm mà mình lựa chọn mua ở phiên chợ này.

Rời “Chợ nhỏ an lành”, chúng tôi khảo sát tại một số cửa hàng, trung tâm thương mại của tỉnh như: BigC, Co.opmart Thanh Hóa, nhiều mặt hàng thân thiện với môi trường, như: Túi đựng thực phẩm phân hủy sinh học, ống hút tre, cốc chén làm bằng giấy và các bát, đĩa, hộp đựng thức ăn từ nguyên liệu bã mía đã được bày bán và được khách hàng tích cực hưởng ứng, nhất là túi đựng thực phẩm phân hủy sinh học.

Có thể nói sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe đang là xu hướng được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn. Tuy nhiên, để có được những sản phẩm, không phải người tiêu dùng nào cũng có được. Bởi vì, ngoài giá thành cao, sản phẩm xanh chưa thông dụng như sản phẩm thông thường, trong khi đó đa số người dân chưa hiểu được thế nào là sản phẩm xanh cũng như ý nghĩa và mục đích tiêu dùng. Vì vậy, để sản phẩm xanh thay thế hoàn toàn sản phẩm thông thường gây ô nhiễm môi trường, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi hành vi của toàn xã hội trong việc sản xuất, tiêu dùng xanh, góp phần bảo vệ sức khỏe, môi trường sống, Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tiêu dùng xanh sao cho đồng bộ, nhất quán. Trong đó, đưa ra các chính sách khuyến khích sản xuất, phát triển những ngành nghề, lĩnh vực áp dụng công nghệ sạch; đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh; nhân rộng các mô hình doanh nghiệp xanh và có chính sách kích cầu tiêu dùng đối với sản phẩm này. Các doanh nghiệp cũng cần chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường, chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường...

Để thay đổi thói quen tiêu dùng sẽ mất nhiều thời gian nhưng với sự sẵn sàng của người tiêu dùng, sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự cam kết chung tay của doanh nghiệp, chắc chắn xu hướng tiêu dùng xanh sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ hơn.

Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]