Tiền rồi sẽ hết, nhưng đường thì còn mãi...
Đó là câu mà đứa em họ ở quê nói mấy hôm trước, khiến tôi phải thay đổi cách nhìn.
Ảnh minh họa.
Em họ là người không chí thú làm ăn, ngay đến đất hương hỏa mà nó cũng chả biết quý trọng. Nhiều người làng giễu cợt nó là cao thủ BĐAD, nghĩa là nói lóng của cụm từ “bán đất ăn dần”. Nó chả thèm để ý đến việc người khác nói về mình thế nào, miễn có rượu uống mỗi ngày là được.
Tôi cứ tiếc mãi cho mảnh đất gần 30m mặt tiền bố mẹ nó để lại ở khu dân cư sát nách thị trấn huyện cứ bị hoạn dần, đến lần gần nhất chỉ còn hơn 10m.
Bẵng đi thời gian tôi mới vào nhà nó khi tình cờ qua con đường ấy. Cảm giác của tôi rất khác, vì con đường rộng hơn, tường rào ô thoáng của các gia đình xây kiểu cách. Một người làng thấy tôi đứng nhìn, nói chen vào: Đẹp phải không chú? Nông thôn mới mà. Dân làng hiến đất, còn phá dỡ công trình trên đất để tạo mặt bằng sạch làm đường.
Tôi không nghĩ con đường lại được làm nhanh đến thế, chỉ sau vài tháng tôi không về làng. Một câu hỏi chợt lóe lên trong đầu tôi rằng, liệu thằng em họ của tôi có “củ chuối” đến mức chống đối việc mở rộng con đường không? Bởi đất là thứ giúp nó có rượu uống hàng ngày mà. Tôi bước nhanh đến nhà nó và nhận thấy suy nghĩ của mình đã sai. Tường rào nhà thằng em họ nát rượu xuất hiện trong mắt tôi giống như mọi nhà, là một bờ tường mới có nhiều ô thoáng sơn trắng, viền vàng. Nó khoe với tôi là nhà nó hiến hơn 20m2 đất cho làng mở đường mới. Đất ở làng đang ngày càng có giá hơn khi được quy hoạch nhập vào thị trấn huyện. Tiếc lắm, nhưng em vẫn hiến. Mình không thể làm khác người làng được. Họ có thể cho em là thằng nát rượu, nhưng không thể xem thường trách nhiệm của em được.
Để có cuộc “cách mạng” này là câu chuyện không hề đơn giản ở làng tôi, mà rộng hơn là ở cả nông thôn Việt Nam. Tài sản lớn nhất của nông dân là đất đai. Nhiều người thường dựa vào chủ trương giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình để lấy đất đai ra “đánh đu” với Nhà nước nhằm tìm lợi ích riêng. Vậy mà chủ trương XDNTM với những con đường làng rộng rãi, phong quang từ chính nguồn lực của Nhân dân đã làm thông được nhiều cái đầu thực dụng và bảo thủ.
Tấc đất trước mắt dù có là “tấc vàng” đi chăng nữa, nhưng nhiều người đã hiểu ra có đường sá thuận lợi sẽ có thêm nhiều thứ, “đất vàng” rồi sẽ hóa “đất kim cương”. Sự thay đổi của con đường chỉ là sự dịch chuyển vật chất, lớn hơn chính là sự thay đổi về mặt tư duy, tầm nhìn và khát vọng cống hiến của nông dân Việt Nam. Trên đường trở về tôi rất vui với câu mà em họ đã nói, dù rằng nó có học của ai đi chăng nữa: “Vì bộ mặt của làng, đất vàng em cũng hiến”.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2024-11-22 07:24:00
Thuê vàng
-
2024-11-15 07:29:00
Xác định rõ nghĩa vụ
-
2023-12-01 08:25:00
Mẹ chồng - nàng dâu