(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo sách “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục - tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần ghi về các vị đỗ đại khoa, chép về Thanh Hóa, có viết: Nguyễn Dục, người xã Phùng Cầu, huyện Thủy Nguyên đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông. Những dòng chữ ngắn ngủi ấy là niềm tự hào của con cháu trong dòng họ và vùng đất xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa).

Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu Thịnh

Theo sách “Quốc triều hương khoa lục” của Cao Xuân Dục - tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, trong phần ghi về các vị đỗ đại khoa, chép về Thanh Hóa, có viết: Nguyễn Dục, người xã Phùng Cầu, huyện Thủy Nguyên đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức thứ 21 đời vua Lê Thánh Tông. Những dòng chữ ngắn ngủi ấy là niềm tự hào của con cháu trong dòng họ và vùng đất xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa).

Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu ThịnhÔng Nguyễn Doãn Thủy, hậu duệ tiến sĩ Nguyễn Dục, thắp hương kính báo tiền nhân.

Dẫu người làng Phùng Cầu (hay còn gọi là làng Phùng) nay là thôn Quyết Thắng, xã Thiệu Thịnh không ai biết chính xác thời gian lập làng, nhưng ở đây, người dân vẫn còn lưu truyền và tài liệu lịch sử làng còn ghi lại: Khoảng thời nhà Đinh - Lê, trên mảnh đất này, ngoài làng Phùng, còn có làng Nhuệ, làng Đằng, làng Nạp. Bốn làng, chung một gốc - tức là có một ông tổ sinh được 4 người con trai, lập nên 4 trại ấp ở gần 4 nổ nước để bắt tôm, cá... và khai khẩn đất hoang làm ruộng sinh sống. Sau này, đến đời vua Tự Đức thứ 14, làng Phùng Cầu đã thành một xã có tên là Phùng Thịnh bao gồm 4 thôn trực thuộc là thôn Phùng, thôn Nhuệ, thôn Đường, thôn Nạp. Kể từ đời vua Khải Định, dân cư làng Phùng mỗi năm lại tăng lên đáng kể.

Làng Phùng từ xa xưa đến nay là một làng lớn về diện tích, dân cư đông đúc, lại là nơi có vị trí thiên nhiên đẹp với nhiều cây cổ thụ, nơi có nhiều các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, nghè, miếu, phủ, văn chỉ, võ chỉ... Ngoài ra, các lễ hội và trò chơi dân gian truyền thống đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của một vùng đất.

Về nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Dục ở thôn Quyết Thắng, chúng tôi được ông Nguyễn Doãn Thủy, giới thiệu: Cụ Nguyễn Dục từ khi 25 tuổi đã đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Canh Tuất đời Hồng Đức (1490), làm quan đến chức Tự Khanh, một chức quan đứng đầu Lục Tự, Tự Khanh coi xét những việc không thuộc trách nhiệm của lục bộ trong triều đình.

Ngày nay, con cháu dòng họ không tìm thấy tài liệu nào ghi chính xác ngày mất của tiến sĩ Nguyễn Dục. Theo gia phả họ Nguyễn, làng Phùng Cầu được soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do người cháu trong dòng họ là Nguyễn Doãn Tiến phụng soạn và ghi chép, đến niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (1940), Nguyễn Doãn Ninh sao lại, trong Lời thuyết tự cho gia phả; và sách Đăng khoa lục cũng ghi rất rõ, Nguyễn Dục đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân khoa Canh Tuất thời Hồng Đức thứ 21. Ông tên là Nguyễn Cự, tên tự là Tất Dục, tên thụy là Phúc Đạt. Vốn là người chữ nghĩa, lại rất đức độ, vì thế mọi hành xử của ông đều được quan trên, kẻ dưới nể phục.

Sau khi mãn quan, tiến sĩ Nguyễn Dục về quê và mất tại đây. Con cháu trong họ chọn ngày 15 tháng Giêng, trong tiết xuân tề tựu về làm đại lễ để tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Không chỉ con cháu, Nhân dân trong làng Phùng trước đây còn tôn ông làm tiên hiền và lập thêm miếu thờ Nguyễn Dục tại gốc đa đầu làng để người dân dâng lễ thắp hương cầu xin phù hộ việc thi cử đỗ đạt của con em. Tại văn chỉ của làng, ông cũng được thờ tự cùng với Khổng Tử và những bậc tiên hiền khác của làng theo tục lệ thờ cúng trước đây. Đặc biệt, tên tuổi của Nguyễn Dục còn được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.

Ông Nguyễn Doãn Thủy cho biết thêm: Chắc chắn những tài liệu về tiến sĩ Nguyễn Dục ghi công trạng của cụ khi làm quan ở triều đình, cho đến những văn từ do cụ soạn thảo còn nhiều nữa. Con cháu chúng tôi đang tiếp tục tìm hiểu sưu tầm để làm dày hơn tư liệu về dòng họ.

Tiến sĩ Nguyễn Dục - Rạng rỡ vùng đất Thiệu ThịnhNhà thờ tiến sĩ Nguyễn Dục ở thôn Quyết Thắng, xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa).

Nhìn ngắm bức đại tự treo ở nhà thờ với 4 chữ: Khuê tinh huy diệu (sao khuê sáng diệu kỳ), và đôi câu đối: Thành tâm hậu duệ bái lạy tổ đường cầu tiên tổ gia ân/ Linh thiêng tiên tổ giáng ngự án tiền độ hậu sinh nối dõi, chúng tôi phần nào hiểu được niềm tự hào của con cháu họ Nguyễn Doãn trên đất Thiệu Thịnh. Theo sách “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Thiệu Thịnh”, nhà thờ gốc được xây dựng cách ngày nay gần 500 năm. Đến thời Nguyễn vào đời vua Tự Đức cùng với việc tôn tạo khu mộ, nhà thờ cũng đã được tu bổ lại. Nhà thờ lúc đó có cả tiền đường, hậu cung được cấu trúc theo kiểu hình chữ Đinh. Tòa tiền đường gồm 3 gian xây gạch, toàn bộ phần mái bằng gỗ, lớp ngói mũi, liền sát là nhà hậu cung 2 gian. Đến năm 1954, do vỡ đê sông Chu ở phía Nam, sông Cầu Chày ở phía Bắc, cả làng Phùng chìm trong biển nước, nhà thờ cũng bị cuốn trôi sập đổ hoàn toàn. Toàn bộ sắc phong ban thần cho tiến sĩ Nguyễn Dục đều bị hư hỏng, chỉ còn lại ít đồ thờ được con cháu bảo vệ giữ gìn đến ngày nay. Hiện nay ở thôn Quyết Thắng, ngoài ngôi nhà thờ còn có khu mộ của tiến sĩ Nguyễn Dục. Trên khu mộ có một tấm bia do người cháu ngoại là Nguyễn Quốc Giảng cung tiến dựng dưới thời vua Tự Đức, ghi tên tuổi, húy hiệu, và công trạng của ông.

“Nhà thờ này được con cháu xây lại vào năm 1995. Tuy có quy mô nhỏ, nhưng giá trị lớn nhất của di tích chính là nằm trên chính mảnh đất nơi cụ sinh ra và đã làm rạng danh cho quê hương. Noi gương tiến sĩ Nguyễn Dục, con cháu ông sau này nhiều người đỗ đạt, làm quan và có những cống hiến cho quê hương, đất nước”... "Trên đất Thiệu Thịnh, dòng họ Nguyễn Doãn có khoảng 150 hộ. Cùng với các dòng họ Nguyễn Quốc, Trần, Dương... chúng tôi đã góp phần xây dựng làng, xã phát triển như ngày hôm nay". Ông Thủy cho biết

Nói về niềm vui khi thôn Quyết Thắng vừa mới đón nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, ông Vũ Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thịnh, cho biết: Với thu nhập trên 64 triệu đồng/người/năm, bà con Nhân dân đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để xây dựng quê hương với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, làm tường rào mẫu, trồng cây xanh, hoa, cải tạo nhà văn hóa... Ở vị trí địa lý khá độc đáo - “ba bề bốn bên” đều có sông bao quanh, có nguồn phù sa màu mỡ phục vụ nông nghiệp nhưng thường xuyên hứng chịu, “gồng” mình chống chọi với thiên tai. Có được những thành công trong XDNTM là nhờ truyền thống văn hóa lịch sử lưu truyền từ ngàn xưa cho đến bây giờ. Trong đó chúng tôi tự hào trên quê hương mình có tiến sĩ Nguyễn Dục. Ông chính là câu chuyện sống động về truyền thống hiếu học để các thế hệ sau soi vào và noi theo.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]