(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong không khí rộn ràng của những ngày tháng 4 với Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng; 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những hình ảnh hào hùng một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa...

Tiếp thêm niềm tin, sự tự hào về quê hương, đất nước

Trong không khí rộn ràng của những ngày tháng 4 với Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng; 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những hình ảnh hào hùng một lần nữa lại được thế hệ trẻ tái hiện với nhiều thông điệp ý nghĩa...

Tiếp thêm niềm tin, sự tự hào về quê hương, đất nước

Học sinh Trường THCS Long Anh, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) bên người lính Hàm Rồng trong hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống.

1. Bước vào quân ngũ khi chưa đầy 18 tuổi, đối với chàng trai Nguyễn Đình Đông (1948), người lính Đại đội 4, Trung đoàn 228 thì những ngày bảo vệ cầu Hàm Rồng là đáng nhớ nhất. Sau rất nhiều câu chuyện đời mình, chuyện đồng đội người còn, người mất, ông khẳng định: "Đã là lính, dù biết có thể sẽ hy sinh nhưng vẫn phải hết sức bình tĩnh để quyết chiến với quân giặc. Đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, và là niềm tin".

60 năm, từng sự kiện, từng trận địa ở Hàm Rồng ông Nguyễn Đình Đông vẫn còn nhớ như in. Ông biết, bom đạn không chừa ai và ông là người may mắn hơn so với rất nhiều đồng đội...

Trong những câu chuyện ông kể, tôi ấn tượng về hành trình tìm những kỷ vật thời chiến để đưa vào nhà truyền thống Hàm Rồng. Một trong những kỷ vật đó là chiếc ca uống nước còn rất mới, in đậm dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”, được đồng đội ông trân trọng gìn giữ. “Xung quanh chúng tôi, từ nhà ngủ, đến nơi đầu máy, hay bờ công sự với nhiều dòng chữ được viết bằng tay: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”. Những khẩu hiệu ấy, đã làm tăng thêm sức chiến đấu, sự tự cường dân tộc, lòng kiên cường bám trụ chiến đấu của bộ đội và dân quân Hàm Rồng”, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Đông cho biết.

Ông khẳng định: "Trong chiến tranh, những dòng chữ ấy đã giáo dục tư tưởng, để mỗi người đều phát huy cao độ sức chiến đấu. Mỗi người một nhịp thở và luôn sẵn sàng hòa mình để giữ gìn từng tấc đất, cây cầu, đợi chờ đến ngày giải phóng".

Ông nhớ lại, sau năm 1969, Đại đội 4 - đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, có rất nhiều nhà báo quốc tế đến thăm, gặp gỡ từng nhân chứng lịch sử. Chúng tôi đều tự hào trả lời: “Mỗi chiến sĩ ở đây là một anh hùng”.

Thời điểm đó, các hãng thông tấn báo chí phương Tây đưa tin bình luận về chuyện “thần sấm Mỹ” bị MIG-17 của Bắc Việt Nam “chọc tiết” và gọi ngày 4/4/1965 là “ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Ngoài ra, giới thông tấn thế giới còn đưa ra những cụm từ như “một thần thoại phi thường”, “Đài chiến thắng”, “Chiếc cầu đẹp nhất” dành cho cầu Hàm Rồng. Cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững trên dòng Mã giang là bởi, hơn lúc nào hết, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc được khơi dậy, lòng quả cảm của mỗi người được nâng lên, trở thành sức mạnh vô biên.

2. Xác định tình yêu quê hương, đất nước đến với mỗi người, mỗi học sinh theo một cách tự nhiên nhất và được bồi đắp bằng sự giáo dục của cha mẹ, thầy cô; cũng có thể bằng chính trải nghiệm từ nơi mảnh đất mình sinh sống, vì thế, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Hàm Rồng, Trường THCS Long Anh, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) đã tổ chức hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống cho các em học sinh.

Tiếp thêm niềm tin, sự tự hào về quê hương, đất nước

Chiếc ca uống nước in đậm dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” được người lính Hàm Rồng năm xưa giữ gìn.

Thời lượng không dài, chỉ gói gọn trong hơn 1 giờ đồng hồ, nhưng xuyên suốt nội dung chương trình, các em học sinh đã trải qua nhiều cảm xúc đặc biệt. Đến với chương trình này, những bài học lịch sử không chỉ dừng lại ở các con số, sự kiện mà được chính những CCB kể những câu chuyện sinh động, gần gũi, giúp các em học sinh có thể hình dung về những ngày tháng “gian lao mà anh dũng” của người lính Hàm Rồng năm xưa.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trên địa bàn phường có tới 144 người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong số họ, không ít người là ông, là chú, là người thân của các em học sinh nhà trường. Chúng tôi mong muốn các em hiểu được truyền thống lịch sử quê hương, về những người thân của mình. Tôi tin rằng, những câu chuyện lịch sử ấy, những con người thực tế ấy, sẽ giúp các em luôn hướng về nguồn cội, biết ơn những người đi trước, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn".

Chính từ những người thật – việc thật ấy mà việc giáo dục truyền thống cội nguồn thêm ý nghĩa, tình yêu quê hương, đất nước thêm tha thiết và nồng nàn.

3. "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!”. Bằng nhiều cách khác nhau, những người trẻ đã thể hiện tình yêu đất nước như: đi thăm một di tích lịch sử; chia sẻ những giai điệu tự hào về đất nước; thay đổi ảnh đại diện để hưởng ứng, chào mừng và nhắc nhở bản thân, bạn bè về sự hy sinh của thế hệ cha anh...

Tiếp thêm niềm tin, sự tự hào về quê hương, đất nước

Các đoàn viên thanh niên trong chương trình “Hàng cây thanh niên - Chung tay vẽ một Việt Nam xanh” trồng 100 cây hoa ban tại Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc).

Lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức về vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc không phải là những gì xa xôi, trừu tượng mà ngược lại thật gần gũi, thật cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Yêu Tổ quốc là nỗ lực học hỏi, là rèn luyện nhân cách, làm những việc tử tế, có ích cho xã hội...

Gần đây nhất, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hậu Lộc phối hợp Đoàn Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thanh Hóa, Chi nhánh Lam Sơn, Chi nhánh Trung Sơn thực hiện công trình “Hàng cây thanh niên - Chung tay vẽ một Việt Nam xanh”. Cụ thể, có 100 cây hoa ban đã được trồng tại Khu tưởng niệm đồng chí Lê Hữu Lập (xã Xuân Lộc) - người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, người có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Chị Đồng Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Hậu Lộc, cho biết: “Với hành trang là lòng yêu nước, cùng với hoài bão, trí tuệ và sức sáng tạo, tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Hậu Lộc nói riêng sẽ vững vàng chân bước đi theo con đường mà các thế hệ cha ông đã xây dựng và gìn giữ, theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn”.

Lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước không chỉ là trách nhiệm, hơn hết đó là niềm tự hào với mỗi người.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]