(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi cuộc sống vật chất từng ngày đủ đầy, con người nghĩ đến chuyện chăm lo mộ phần ông bà tiên tổ được tươm tất hơn cũng là chuyện hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Vậy nhưng cùng với đó, khi nghĩa trang - chốn an nghỉ của người đã khuất ngày một nhiều hơn những “biệt thự” tâm linh bề thế, lộng lẫy thì nó cũng là câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn.

Tiết thanh minh ngẫm chuyện “biệt thự” tâm linh

Khi cuộc sống vật chất từng ngày đủ đầy, con người nghĩ đến chuyện chăm lo mộ phần ông bà tiên tổ được tươm tất hơn cũng là chuyện hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt. Vậy nhưng cùng với đó, khi nghĩa trang - chốn an nghỉ của người đã khuất ngày một nhiều hơn những “biệt thự” tâm linh bề thế, lộng lẫy thì nó cũng là câu chuyện khiến người ta phải suy nghĩ nhiều hơn.

Tiết thanh minh ngẫm chuyện “biệt thự” tâm linhKinh tế ngày càng phát triển, ở nhiều làng quê khu yên nghỉ của người đã khuất cũng được xây dựng bề thế với những “biệt thự” tâm linh.

“Mưa nồm ẩm, thời tiết lại ấm áp cây cỏ tha hồ phát triển. Ở ngoài khu mộ của gia đình mình từ tết ra đến giờ chắc cỏ cũng mọc tốt lắm. Tiết thanh minh rồi, quay đi quay lại đã sắp hết mùa xuân, thời gian trôi qua nhanh thật”, mẹ tôi nói sau bữa cơm tối và không quên nhắc các con về ngày “tết” tảo mộ.

Năm nào cũng thế, đã thành thông lệ vào tiết thanh minh cả gia đình tôi sẽ tập trung ra khu mộ của gia đình. Vừa để thành tâm thắp hương cho người đã khuất, cũng đồng thời chung tay dọn dẹp cỏ cây mọc dại để mộ phần tiền nhân được tươm tất, sạch sẽ. Trong tiết thanh minh, trong không gian linh thiêng, mùi hương trầm quện lẫn cùng những câu chuyện của cháu con, cảm nhận như có sợi dây vô hình “kết nối” giữa người sống với người đã khuất. Và cũng là dịp để các thành viên trong gia đình thêm phần gắn kết, yêu thương nhau hơn…

Kinh tế ngày càng phát triển, nông thôn mới cũng làm cho đời sống của người dân quê tôi thêm phần khấm khá. Rồi con cháu trong làng đi ra làm ăn phát đạt, có tiền về xây thêm nhiều hơn những ngôi nhà khang trang. Không chỉ có vậy, những năm gần đây nhiều gia đình, dòng họ trong làng tôi còn “đua” nhau xây lại khu mộ phần của người đã khuất thêm phần bề thế, lộng lẫy. Nhà xây gạch, nhà ốp đá, chỗ này sơn vàng, chỗ kia quét trắng… thực sự khiến cho người ta không khỏi choáng ngợp, trầm trồ. Càng giật mình hơn khi biết đến số tiền mà nhiều gia đình, dòng họ bỏ ra để xây mộ phần cho người đã khuất có khi bằng cả sản nghiệp của một đời người. Nhà này xây mộ phần xong những tưởng đã to đẹp nhất thì sau đó nhà khác xây lên lại thêm phần hoành tráng.

Cũng từ đó, người làng tôi mỗi khi có việc ra nghĩa trang của làng lại được dịp “bàn tán” về những “biệt thự” tâm linh. Rằng họ này nghe đâu có người làm to nên mới có điều kiện về xây lại khu lăng mộ của dòng họ; hay nhà kia trước cũng nhiều khó khăn nhưng từ khi con cái ra phố thị buôn bán phát đạt đã về quê bỏ tiền thuê thầy phong thủy có tiếng, rồi cả thiết kế riêng về xây khu tâm linh cho nhà mình thật to đẹp xem như sự báo hiếu tiên tổ, cũng xem như sự “vẻ vang” với người làng. Qua mỗi năm, những “biệt thự” tâm linh trong khu nghĩa trang làng tôi lại nhiều hơn. Dù mỗi họ, mỗi nhà mỗi vẻ nhưng điểm chung là đều to lớn và chiếm rất… nhiều đất.

Vậy nên mới có chuyện, ở làng tôi, đất dành cho người sống phân lô bán đã đành. Giờ đây, đến đất dành cho người đã khuất cũng được “chia lô” với diện tích cả vài chục mét vuông. Lẽ dĩ nhiên, chỉ nghe đến giá những khu đất tâm linh ấy ở làng tôi cũng khiến người ta không khỏi giật mình. Đắt đỏ, nhưng để mua được đất tâm linh ở làng tôi thì cũng… chật vật lắm. Nào phải xếp hồ sơ xét duyệt, rồi nhờ người này, xin người kia, nói chung nhiêu khê và không đơn giản. Hôm vừa rồi, ông Khoát hàng xóm sang chơi với bố tôi mới khoe, cuối cùng gia đình ông cũng đã mua được khu đất “tâm linh” rộng rãi. Ông bảo ông nộp hồ sơ cả hai năm nay mà không được xét, đang không biết làm thế nào thì có đứa cháu làm việc trên tỉnh về chơi, ông kể cho cháu nghe, ai ngờ cháu ông bảo giúp được. Quả nhiên mấy hôm sau người ta gọi ông lên nộp tiền và ra nghĩa trang nhận đất. Rồi ông lại bảo bây giờ chưa có điều kiện “xây nhà mới” to cho các cụ thì mình cứ cố gắng mua lấy khu đất đã, rồi sau này con cháu làm ăn khấm khá xây cũng chưa muộn, chứ đời mình bao năm ở trên đất cha ông để lại, dù không mua được lô đất “trần” nào thì cũng phải cố mua lấy khu đất “tâm linh” để đó. Điều đáng nói, ngay cả khi thị trường bất động sản đang trầm lắng, thì giá đất “tâm linh” ở làng tôi vẫn “sốt” lắm?!

Cũng bởi cái sự thay đổi từng ngày của nghĩa trang làng tôi mà bố tôi dạo gần đây có nhiều tâm tư. Dù ngày trước ông vẫn thường bảo người mất là về với cát bụi, còn biết gì đến “nhà cao cửa rộng” mà phải xây cho to đẹp, tốn kém tiền của lại “chiếm” đất của người sống. Nhưng rồi giờ đây dường như ông đã nghĩ khác?!

Những “biệt thự” tâm linh nguy nga mọc lên qua thời gian, rồi cả “sốt” đất tâm linh nữa, hóa ra không phải chỉ là chuyện của riêng làng tôi. Dường như, đó là thực tế đang diễn ra ở hầu khắp các làng quê. Xin phép không luận bàn đến sự đẹp - xấu, cũng không so sánh Đông - Tây bởi quan niệm mỗi vùng miền, dân tộc vốn dĩ đã khác. Nhưng lại nghĩ, khi nghĩa trang - chốn an nghỉ của người đã khuất ngày một nhiều hơn những “biệt thự” tâm linh bề thế, lộng lẫy thì nó cũng là câu chuyện khiến người ta phải suy ngẫm nhiều hơn.

Trăn trở về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải chia sẻ quan điểm: “Phải khẳng định, việc tôn kính tiên tổ, ông bà, cha mẹ đã khuất là truyền thống tốt đẹp cần được giữ gìn. Nhưng nếu nói rằng xây những khu lăng mộ nguy nga, tốn kém là thể hiện đạo hiếu thì e có phần chưa thực sự hiểu đúng về chữ “hiếu”. Trong đó, hiếu kính nhất là lúc ông bà, cha mẹ còn sống. Người xưa vẫn nói, người đã khuất chỉ cần “mồ yên mả ấm”. Những năm gần đây khi cuộc sống phát triển hơn, chúng ta lại nói “mỗ yên mả đẹp”. Nhưng ngay cả sự “đẹp” cũng cần được hiểu đúng. Đâu phải cứ trùng trùng điệp điệp “biệt thự” tâm linh mới là đẹp, chưa kể nó còn gây tốn kém rất lớn. Nhiều người trong chúng ta đang mang tư tưởng coi trọng vật chất của người sống để “đối đãi” với người đã khuất mà không hiểu rằng, đó thực sự không phải văn hóa, không nên được cổ xúy”.

Cũng theo nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, dường như đang có một “cuộc đua” trong việc xây dựng nơi yên nghỉ cho người đã khuất giữa nhà này với nhà kia, dòng họ này với dòng họ kia, làng này với làng kia… Người dù có tiền xây dựng “biệt thự” tâm linh nhằm thể hiện cái sự “có tiền” của mình vốn đã không nên, nhiều gia đình, dòng họ chỉ vì khu tâm linh của họ bên cạnh đẹp hơn họ nhà mình mà phải cố huy động con cháu đóng góp kinh phí để làm cho đẹp… thì quả thực lại càng không nên. Người Việt vốn coi trọng sự khiêm nhường, kín đáo và đơn giản. Ngay cả với chuyện mồ mả của người đã khuất cũng vậy. Đơn giản mà vẫn trang nghiêm mới thực sự là nét đẹp văn hóa của người Việt. Chưa kể, trong quan niệm của người Việt xưa nay, điều quan trọng với người đã khuất là được yên nghỉ vĩnh hằng, tránh việc “động chạm” đến mồ mà. Vậy nhưng ngày nay, chỉ vì làm cho to và (những tưởng) đẹp mà nay người ta đào, mai lại xới, xây, sửa… thì tự hỏi làm sao người đã khuất có thể yên nghỉ - nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải thẳng thắng bày tỏ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]