Tin liên quan
Đọc nhiều
Tìm hiểu thêm về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào được phát triển nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam. Nhằm cung cấp thêm thông tin về những giá trị và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng như cách thức gìn giữ và phát huy những giá trị độc đáo của loại hình tín ngưỡng này, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” do GS. TS Tạ Ngọc Tấn và PGS. TS Vũ Trọng Lâm đồng chủ biên.
Sách được kết cấu gồm 2 phần. Phần 1 mang tên “Lịch sử và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Phần 2 là “Bảo tồn và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Các bài viết tìm hiểu dưới nhiều góc độ: lịch sử, truyền thuyết, tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp từ bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt khẳng định trong các bài viết đó chính là triết lý: “con người có tổ có tông” của người Việt Nam. Đồng thời chỉ ra nét độc đáo bản sắc riêng có ở người Việt, dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận định: Từ lòng biết ơn đến tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên, gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc các Vua Hùng. Theo cố GS Trần Quốc Vượng: Đây không phải là Tổ của riêng một gia đình, riêng một dòng họ, riêng một xóm làng mà là Tổ của cả nước. Theo GS. TS Tạ Ngọc Tấn, trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc Tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam.
Theo PGS. TS Trần Minh Trưởng trong bài viết “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ góc nhìn lịch sử”, Hùng Vương (Vua Hùng) là tên hiệu các vị vua đầu tiên của nhà nước Văn Lang. Theo truyền thuyết, tổ tiên của các Vua Hùng có nguồn gốc từ các bộ tộc thuộc người Bách Việt ở phương Nam. Tương truyền, ông tổ của người Việt là Thần Nông họ Khương, khi chết mộ chôn ở gò Thương Ngô, Trường Sa (Trung Quốc) trước đời Tần - Hán, vùng đất ấy là đất đai của tộc người Việt (Bách Việt). Ông tổ Thần Nông được suy tôn là Thần (Sao Thần Nông) chuyên trông coi nông nghiệp, là vị thần phù hộ cho những cư dân trồng lúa nước ở phương Nam.
Trong một bài viết khác, nhóm tác giả Tạ Quốc Khánh và Lê Tâm Đắc đã nêu rõ: Từ một ngôi đền nhỏ thờ thần núi của cư dân địa phương, đến đời Trần (thế kỷ XIV), di tích trên núi Hùng có sự kết hợp với tín ngưỡng Phật giáo tạo nên một mô hình vừa thờ thần, vừa thờ Phật, rồi chuyển hẳn sang thờ Quốc Tổ Hùng Vương vào thế kỷ XVI. Bên cạnh đó từ những dòng ghi chép đầu tiên trong bộ Việt sử lược, đến cuối thế kỷ XVII, truyện Hùng Vương chính thức có vị trí trang trọng trong quốc sử. Sang thế kỷ XVIII, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được triều đình quan tâm, quy chuẩn hóa từ cấp độ làng xã để dần trở thành một nghi lễ quan trọng của quốc gia.
Từ huyền sử lưu truyền trong dân gian đến những ghi chép trong chính sử; từ tín ngưỡng thờ thần núi rừng đến thờ phụng thủy tổ khai sinh đất nước; từ một nghi lễ địa phương đến một lễ trọng quốc gia, rồi được thế giới ghi nhận; tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là sự kết hợp giữa văn hóa dân gian với ý thức hệ của các trí thức Nho học cùng các bậc minh quân nhiều triều đại phong kiến, tiếp nối dòng chảy lịch sử từ năm 1945 cho đến nay. Sự tích tụ từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, qua năm tháng, qua nhiều triều đại càng minh chứng một sức mạnh, tinh thần cố kết cộng đồng, nghĩa đồng bào.
Theo PGS. TS Vũ Trọng Lâm, nếu như với thực thể xã hội là “Nhà”, thờ cúng tổ tiên theo huyết thống - thờ cúng gia tiên luôn được coi trọng và thực hành được xem là chuẩn mực của sự hiếu đạo thì thực thể xã hội “Làng” và “Nước” thể hiện sự chặt chẽ trong mối liên kết dòng họ, xóm ngõ, giáp phe, phường hội. Trong cộng đồng làng, đối tượng thờ cúng tiêu biểu là thành hoàng - những người có công lao to lớn được cộng đồng thừa nhận, suy tôn, phong thần, phong thánh. Còn trong cộng đồng “Nước” đối tượng thờ cúng chung là Quốc Tổ Hùng Vương - bậc tiền nhân có công khai quốc, tạo lập và quần tụ Nhân dân.
Sau nhiều thế kỷ trao truyền và thực hành, cùng với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vượt qua giới hạn của quốc gia trở thành tài sản chung của nhân loại.
Phần giá trị của cuốn sách cũng đã cung cấp thêm thông tin hệ thống các di tích thờ Vua Hùng trên khắp cả nước; cũng như chỉ ra một số thách thức hiện nay trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Theo thống kê của Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện nay có 1.417 di tích thờ Vua Hùng, đài tưởng niệm Vua Hùng và di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Hiện nay, di sản đang đối mặt với một số nguy cơ như xu hướng hành chính hóa nghi thức thờ cúng Hùng Vương làm hạn chế vai trò của cộng đồng trong quá trình thực hành và trao truyền. Một số yếu tố văn hóa truyền thống bị biến dạng; không gian thực hành ở một số làng xã quanh núi Hùng chưa được quan tâm tôn tạo...
Những thách thức này cần tiếp tục được nghiên cứu để có các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở hiện tại và tương lai. Đó vừa là trách nhiệm, đồng thời cũng là sứ mệnh của bất kỳ người dân Việt Nam chung một tâm thức “con Lạc, cháu Hồng” luôn hướng về Quốc Tổ.
Mạc Danh
{name} - {time}
-
2025-04-05 14:59:00
Bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt
-
2025-04-05 11:03:00
Hai ấn phẩm đặc biệt về thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
-
2025-04-04 08:13:00
Sông Mã - Hàm Rồng: “Máu và hoa” (Bài 1): “Hồn thiêng” sông núi
Sôi nổi phong trào văn nghệ, thể thao ở Như Thanh
Phát huy giá trị để di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến thu hút du khách
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Bản sắc văn hóa của người Việt Nam
Độc đáo những sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam trong tháng 4
Lối đi nào cho những bộ phim tiếp theo về Trịnh Công Sơn?
Gìn giữ nét truyền thống qua các trò chơi dân gian
Đặc sắc lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển xứ Thanh
Cỗ máy tư duy vĩ đại - Chuyện về NVIDIA
Nữ chính "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt” kiếm được bao nhiêu tiền cát-xê?