(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện các Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tinh giản bộ máy, thúc đẩy phong trào

Thực hiện các Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Khi lòng dân đã thuận

Xuất phát là một xã thuần nông, có 10 thôn với 1.516 hộ/5.150 nhân khẩu, thế nhưng lại phân tán rải rác, không theo cụm dân cư tập trung, nên việc quản lý nhân khẩu cũng như sinh hoạt, kêu gọi nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi của người dân xã Yên Lạc, huyện Yên Định hết sức khó khăn. Từ thực tế trên, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo xã đã xây dựng phương án cụ thể việc sáp nhập 10 thôn thành 6 thôn.

“Khi mới đưa ra phương án, nhiều người dân cũng có ý kiến phản đối, bởi họ nghĩ rằng cuộc sống họ đang yên ổn, sáp nhập thôn sẽ rất khó khăn trong sinh hoạt, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của địa phương. Vì vậy công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về ý nghĩa và mục đích của việc sáp nhập thôn là rất quan trọng” - ông Lê Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Yên Lạc chia sẻ.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, việc sáp nhập thôn ở Yên Lạc diễn ra nhanh gọn, suôn sẻ. Từ những thôn chỉ có khoảng 100 hộ thì đến nay sau khi sáp nhập có những thôn như Châu Thôn 2 lên đến 289 hộ/1.001 nhân khẩu, vì vậy rất thuận lợi trong việc đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng. Xã cũng đã xây dựng được 3 nhà văn hóa khang trang rất thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân, đường làng ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp...

Cũng nhờ coi trọng công tác tuyên truyền tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xã Yên Thọ (Yên Định) cũng đã thành công trong việc sáp nhập từ 12 thôn còn 7 thôn. Khó khăn lớn nhất của địa phương là ghép giữa thôn 6, thôn 7 và thôn 12 (đây là thôn công giáo toàn tòng). Khi đưa ra họp nhiều người dân ở thôn 12 cho rằng họ không chấp thuận ghép vì đặc thù của người công giáo cũng có những khác biệt. Hơn nữa nhiều người dân thôn 12 lo ngại thôn mình ít đảng viên, khi ghép thôn thì quyền lợi sẽ không được đảm bảo. Trước thực trạng đó, lãnh đạo xã đã trực tiếp tuyên truyền về những mặt được sau khi ghép thôn để mọi người dân thật sự yên tâm. Với quyết tâm chỉ đạo, tuyên truyền giải thích cho nhân dân nên “mưa dầm thấm lâu” người dân đã hiểu hơn và đồng thuận trong cách làm của xã. Chủ tịch UBND xã Yên Thọ Hoàng Xuân Bình khẳng định: “Quan trọng là tất cả phải đồng thuận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức được hội nghị để nhân dân bàn bạc thống nhất với chủ trương”. Điều nhìn thấy rõ nhất kể từ sau khi sáp nhập 3 thôn là đã tạo sự gắn bó, thống nhất, đồng bào lương giáo ngày càng thắt chặt hơn.

Sáp nhập thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Xã Hoằng Minh, huyện Hoằng Hóa cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác sáp nhập thôn. Từ 10 thôn, dựa trên vị trí địa lý, phong tục tập quán của từng làng đã tiến hành sáp nhập 3 thôn: 1, 2, 3 thành thôn Nội Tý; sáp nhập thôn 4,5,6 thành lập thôn mới Cự Đà; sáp nhập thôn 7, 8, 9, 10 để thành lập thôn mới Mỹ Đà. Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, xã đã bàn bạc dân chủ, công khai, BCH Đảng bộ đã họp triển khai sâu rộng trong chi bộ và xuống tận đến người dân trong các cuộc họp, trên hệ thống loa phát thanh và kịp thời giải quyết những băn khoăn của người dân trong việc sáp nhập thôn nên nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bà Vi Thị Thúy - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Định cho biết: Từ kinh nghiệm của việc sáp nhập ở các xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2017, cho thấy để tạo được sự thống nhất, đồng thuận cao trong nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ trong vận động, giải thích để nhân dân hiểu chủ trương và thống nhất trong hành động. UBND huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức nhiều cuộc họp dân ở các thôn, phát huy dân chủ để người dân được tham gia đóng góp ý kiến, qua các cuộc họp người dân được dân chủ bàn bạc, đề xuất và đi đến thống nhất triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Toàn tỉnh hiện có 5.971 thôn, tổ dân phố, trong đó có 5.401 thôn thuộc 573 xã và 570 tổ dân phố thuộc 34 phường và 28 thị trấn. Trung bình mỗi đơn vị hành chính cấp xã có 9,4 thôn, tổ dân phố, mỗi thôn có 162 hộ, 628 nhân khẩu, diện tích 186,14 ha.Trong những năm qua, hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, song tổ chức, hoạt động của thôn, tổ dân phố đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế vì Thanh Hóa là một trong những địa phương có số thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách lớn nhất cả nước. Điều đó dẫn đến làm phân tán, giảm khả năng phát huy nguồn lực từ cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều đầu mối trong quá trình quản lý của chính quyền cơ sở. Nhu cầu kinh phí đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng, khu vui chơi thể thao tăng cao, làm giảm khả năng nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách. Thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ thường có số lượng đảng viên, hội viên, đoàn viên thanh niên thấp; khả năng tập hợp thành viên tham gia tổ chức cũng giảm theo, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ và các tổ chức đoàn thể. Công tác lựa chọn nhân sự làm bí thư, trưởng thôn, trưởng các chi hội gặp nhiều khó khăn do số lượng người ít, chủ yếu là người lớn tuổi tham gia. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố nhiều (bình quân 10 người) trong khi thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ vẫn được bố trí số lượng như những thôn, tổ dân phố lớn; với số lượng lớn những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố nên một số địa phương, chính quyền cấp xã đã giao nhiều việc xuống thôn, tổ dân phố thực hiện, điều nay đưa thôn, tổ dân phố thành nơi giải quyết các công việc hành chính của cấp chính quyền, không đúng với vị trí, vai trò là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư...

Từ những thực tế nói trên và thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao đến 30/6/2018 toàn tỉnh giảm từ 1.200 - 1.300 thôn, tổ dân phố (tương ứng trên 20%) với hiện nay. Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, các huyện, thị, thành phố tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng trình Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt Đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và Quyết định chính sách hỗ trợ đối với những người không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã, tinh gọn bộ máy, giảm số lượng, tiến tới điều chỉnh tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố...

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng kế hoạch toàn tỉnh đặt ra mục tiêu hoàn thành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6/2018 sẽ trở thành hiện thực.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]