Trên đất Do Xuyên xưa
Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) có thể chưa phải là cái tên trên bản đồ du lịch ở xứ Thanh song lại là miền đất mang đầy đủ sắc thái văn hóa biển. Với vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, đất Do Xuyên xưa đang cựa mình để phù hợp với nếp sống mới thật sôi động, nhộn nhịp của ngày hôm nay.
Tàu thuyền trở về sau chuyến ra khơi.
Ở ngay đền thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ hiện vẫn còn câu đối: “Anh hùng thanh sất Bân sơn cổ/ Miếu mạo quang lưu Bạng hải kim” (nghĩa là: Tiếng thét anh hùng vang dội từ núi Bân, sáng trưng đền miếu lưu truyền nơi cửa Bạng). Đôi câu đối trên nhắc lại sự kiện cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Bân (Huế), làm lễ cáo trời đất để lên ngôi Hoàng đế, rồi hạ lệnh xuất quân thần tốc, tiến ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh.
Câu đối trên phần nào đã khiến hậu thế chúng ta thêm hiểu lịch sử mảnh đất sơn thủy hữu tình cửa Bạng (Lạch Bạng). Cũng chính ở nơi đây, sau khi khải hoàn, vua Quang Trung ghi nhận công lao của người dân Lạch Bạng, đã bãi miễn việc nộp thuế yến sào lấy tận đảo Mê, cống vật có từ thời Lê - Trịnh. Cảm tạ ân đức của nhà vua, về sau, dân làng đã lập đền thờ ngài ở dưới chân núi Tiên làng Do Xuyên, hằng năm cúng bái.
Đứng trước cửa biển, chúng ta có dịp hồi ức về các thời kỳ lịch sử trong nghìn năm phong kiến, “đoàn quân của triều đại Tiền Lê - Lý - Trần - Lê từng hành quân theo kênh Trầm (tức kênh nhà Lê) vào sông Cửa Bạng để theo kênh Xước vào miền trong bình định, mở rộng đất phương Nam” (nhà nghiên cứu Phạm Tấn). Ngày ấy, trên con đường bình Chiêm (thế kỷ XV), ở cửa biển này vua Lê Thánh Tông đã xúc cảm dạt dào làm những bài thơ chữ Hán và chữ Nôm đặc sắc với những câu thơ như: “Rải rác trên bờ là lưới phơi của xóm chài/ Xa xa đón gió là thuyền bè của thương khách/ Chiều tà giữa vùng sóng nước, nghển cổ trông vời/ Chốn bồng lai gần trong gang tấc, bên phía mặt trời lặn” trong bài thơ Du Hải môn lữ thứ (Nghỉ lại ở cửa biển Du) do Mai Hải, phiên âm dịch nghĩa; “Đồn rằng huyện Ngọc có kênh Trầm/ Tuy hẹp le vui hết mấy rằm/ Gò nổi xương trâu rêu lún phún/ Bãi lè lưỡi Bạng bọt lăn tăn” (trích trong Hồng Đức quốc âm thi tập, NXB Văn học, 1982).
Nhà nghiên cứu Phạm Tấn cho biết: Chỉ riêng chùa Đót Tiên - tâm điểm cảnh trí của vùng đất sơn, thủy hữu tình này đã được người xưa chép: “Chùa Đót Tiên phía sau dựa núi, phía trước cúi xuống nước sông dài, to lớn trong thanh, núi lại âm u mà tú lệ, thực là một trời hoa, một cảnh đẹp lớn... (theo bản dịch Minh văn chùa Đót Tiên của Bùi Xuân Vỹ). Điều đó cho chúng ta hiểu thêm về một phần trong bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp nơi này.
Ngay dưới chùa Đót Tiên, dựa lưng vào núi, hướng nhìn xuống dòng sông Lạch Bạng là đền Quang Trung được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII; đền Thanh Xuyên - nơi phối thờ Thành hoàng họ Nguyễn và nữ tướng Bùi Thị Xuân thời Tây Sơn; và đền Lạch Bạng nằm dưới chân núi ở vị trí thấp nhất sát mép nước cửa biển... Tất cả đã tạo ra một quần thể di tích thắng cảnh đặc sắc.
Không chỉ có văn hóa Phật giáo, mảnh đất này là một trong những nơi đầu tiên Đạo Thiên Chúa giáo được truyền thụ vào miền Bắc Việt Nam. Vì thế, ở đây có nhiều nhà thờ Thiên Chúa giáo. Có những nhà thờ đã vài trăm năm tuổi. Lịch sử ghi lại rằng, ngày 19/3/1627 vào chính Lễ Thánh Giuse, Giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đặt chân lên Cửa Bạng. Dấu mốc này là tiền đề hình thành nên tên gọi “Ba Làng” về sau. Danh từ “Ba Làng” được gọi từ ba ngôi làng: Sung Mãn - Ngoại Hải - Như Xuân, tọa lạc trên một mảnh đất hình cong như chiếc võng rộng chừng 600 mét và dài 2.000 mét.
Về tổ dân phố Thượng Hải, phường Hải Thanh (Nghi Sơn) chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hiển, tổ trưởng dẫn đến thăm 2 nhà thờ giáo họ Sung Thượng và Ngoại Hải với gần 1.000 hộ là đồng bào công giáo, chiếm gần 99% dân số tổ dân phố. “Lương - giáo ở đây rất hòa hợp và đoàn kết. Vì thế mà đời sống của người dân ổn định và phát triển”, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết.
Sự tồn tại của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau đã làm nên một không gian văn hóa đa sắc, với một hệ thống di tích - danh thắng cảnh phong phú, đa dạng chỉ Hải Thanh mới có.
Biển vẫn bao la, núi vẫn sừng sững, nếu tính từ giữa thế kỷ XX trở về trước thì Hải Thanh vốn là vùng dân cư thưa thớt, hoang vu. Đến thời kỳ 1964-1967, giặc Mỹ bắn phá Hòn Mê, quân ta đã đánh hơn 150 trận ác liệt, hạ 29 máy bay, bắn cháy và đánh đắm chìm tại chỗ 6 tuần dương hạm, khu trục hạm và tàu biệt kích. Hải Thanh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Không chỉ chính quyền mà với ngay mỗi người dân đã sớm ý thức về việc giữ gìn các giá trị văn hóa, vì thế hầu hết các di tích trên địa bàn phường Hải Thanh vẫn còn khá nguyên vẹn. Giữa vùng văn hóa tâm linh ấy, hơi thở, nhịp sống của thời đại CNH, HĐH tràn vào từng con ngõ, từng hộ gia đình ở phường Hải Thanh với hàng trăm tàu thuyền lớn, bé trú ngụ, qua lại chở hàng, đánh cá suốt đêm ngày. Theo ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh (Nghi Sơn), cho biết: Hiện tại, trên địa bàn phường có 287 phương tiện khai thác, thu mua hải sản. Trong đó, số phương tiện khai thác là 279 chiếc, số tàu thu mua hải sản là 8 chiếc. Tất cả các phương tiện có chiều dài từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Riêng tổ dân phố Thượng Hải có 140 tàu thuyền khai thác, theo ông Nguyễn Văn Hiển thì để đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự an ninh, khu phố đầu tư vài chục loa truyền thanh tuyên truyền cho các hộ gia đình. Vì vậy, dù khá chật hẹp, dân cư đông đúc nhưng từng con ngõ đều sạch sẽ.
Nhắc đến đất Hải Thanh người ta cũng không thể không nhắc đến làng nghề làm nước mắm Ba Làng nổi danh đã lâu, với các sản phẩm nổi tiếng như nước mắm chắt cá cơm, mắm tôm, mắm chua Ba Làng... Nói về lịch sử nghề mắm ở đây, ông Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Ba Làng, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Nước mắm Do Xuyên - Ba Làng và thương hiệu nước mắm truyền thống Ba Làng TH, cho biết: Theo nhiều tài liệu khẳng định, nghề nước mắm của chúng tôi có gần 400 năm. Ban đầu, nguồn hải sản phong phú, số lượng người dân còn ít, liên tiếp là những vụ mùa đánh bắt bội thu. Để bảo toàn nguồn hải sản, ngư dân đã nghĩ ra cách muối cá, muối tôm, tạo ra thứ nước chấm vàng óng, đặc sánh, đó là nước mắm chắt. Nếu so với thời hưng thịnh của mắm Do Xuyên, cả làng có đến 300 hộ làm nghề thì nay chỉ còn hơn 50 hộ. Tuy vậy, thương hiệu nước mắm Do Xuyên thơm ngon, nhiều chất đạm vẫn là sự lựa chọn và yêu thích của khách hàng.
Cuộc sống đổi thay từng ngày, nhiều ngành nghề xuất hiện, nhưng với người dân Hải Thanh thì vị mặn mòi ngấm vào trong từng đường gân, thớ thịt. Ngay cả chúng tôi, thảng hoặc đến đây, đứng trước cửa Bạng hít một hơi thật sâu là có thể cảm nhận được ngay cuộc sống của một làng biển đang phát triển.
Trong sự nhộn nhịp của vùng cửa Bạng hôm nay, giữa cuộc sống mưu sinh từng ngày, sau những giờ nghỉ ngơi yên bình, người dân biển Hải Thanh trở về với không gian tĩnh lặng của vùng quê, thắp nén nhang thơm trên các ban thờ ở đình, chùa, nghè... để cảm tạ sự phù trợ của đất trời và cầu mong những ngày tiếp theo tôm cá đầy thuyền, trời yên biển lặng.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2024-11-17 11:58:00
Đổi thay trên đất Quý hương nhà Nguyễn
-
2024-11-15 09:41:00
Về đền Thổ Khối nghe chuyện dân gian
-
2024-11-04 07:27:00
Sức hấp dẫn từ du lịch lòng hồ xứ Thanh
Trên đất mường Ống
Điểm “chữa lành” lý tưởng của du khách
Huyền bí động Cửa Buồng xứ Thanh
Mướt mát cây trái trên Nông trường sông Âm
Làng Ái và hương vị quê
Hiệp hội Du lịch tỉnh khảo sát, đánh giá tiềm năng một số điểm du lịch miền Tây Thanh Hóa
Thái Lan-Campuchia thúc đẩy triển khai sáng kiến “6 quốc gia, 1 điểm đến”
Thường Xuân phát triển du lịch gắn với gìn giữ văn hóa truyền thống
Nét đẹp truyền thống làng Mỹ Lâm