Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định công nhận “Tri thức dân gian may, mặc áo dài Huế”, tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa. Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước. Từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Nghề may đo áo dài Huế có từ lâu đời
Người Huế luôn quan niệm rằng: “Y phục xứng kỳ đức”. Áo dài Huế được nhiều đối tượng sử dụng, trước nhất là học sinh, sinh viên, viên chức, thanh niên, rồi cả đến những lớp người trung niên, các bà già, chị em làm nghề buôn bán nhỏ ở các cửa hiệu, ở ngoài chợ... Sự khác biệt lớn nhất của áo dài Huế so với các vùng miền khác trong cả nước là được nuôi dưỡng trên nền của một vùng văn hóa từng là Kinh đô cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, nơi mà thẩm mỹ trang phục cung đình nhà Nguyễn với những điển chế nghiêm ngặt đã lan tỏa - giao thoa với thẩm mỹ dân gian để tạo nên những dấu ấn riêng biệt trên chiếc áo dài mà không dễ tìm thấy ở những vùng đất khác.
Thiếu nữ Huế duyên dáng với Áo dài Huế trong Lễ hội đường phố Festival Huế 2024.
Mặc Áo dài Huế trong hoạt động đạp xe vì môi trường
Ngày nay, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở Cố đô Huế. Áo dài còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa, trở thành biểu tượng của người phụ nữ Huế. Các hiệu may đo áo dài Huế chủ yếu phân bố tập trung tại các vùng Gia Hội - Chợ Dinh, Kim Long, Vĩ Dạ, Phủ Cam... Đây là những vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, dân cư tập trung đông đúc và nơi sinh sống của các gia đình, dòng họ có truyền thống may đo áo dài Huế nổi tiếng như: Tân Nghiệp, Minh Tân, Mỹ Lệ, Thẩm, Hùng, Đoan Trang, Phúc, Thảo Trang, Viết Bảo, Quang Hòa, Thanh Châu, Xuân Thi.... Các khâu kỹ thuật cắt, may, luôn tà, làm nút đều được các nghệ nhân, người thợ may áo dài chăm chút thận trọng. Vì vậy, chiếc áo dài không đơn thuần là sản phẩm may mặc mà là cả một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng giá trị bản sắc văn hóa Huế.
Thanh niên Huế với lễ phục Áo dài xưa
Tại Festival Huế 2002, Huế tự hào là nơi đầu tiên tổ chức lễ hội áo dài. Từ đó đến nay, liên tục và đều đặn các lễ hội áo dài được khai diễn. Áo dài Huế là sự kết hợp tổng hợp của các lĩnh vực dệt, may, thêu, hội họa, thiết kế, thời trang, đích thực là một sản phẩm văn hóa, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hoá để phục vụ du lịch. Huế từ nhiều năm qua, cùng với việc miễn phí vé cho du khách mặc áo dài vào tham quan Đại Nội và các khu di tích, đã phát triển thêm các điểm cho thuê áo dài... Áo dài Huế cũng trở thành sản phẩm du khách may trong ngày, hoặc món quà lưu niệm mua về tặng bạn bè, người thân. Điều này đã tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững nghề may đo áo dài và đem lại nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các nghệ nhân và người lao động...
Trẻ em Huế trong trang phục áo dài
Ngày 29/3/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt đề án “Huế - Kinh đô Áo dài”, một trong những mục tiêu quan trọng của đề án này là bảo tồn và phát huy giá trị tri thức may, mặc áo dài Huế...
Với giá trị tiêu biểu, ngày 9/8/2024 , “Tri thức may, mặc áo dài Huế” được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2320. Đây là cơ hội để tỉnh Thừa thiên Huế tiếp tục phát triển thương hiệu, quảng bá, tôn vinh áo dài Huế, thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển, bảo tồn, lan tỏa giá trị mang đậm bản sắc văn hóa Huế.
Theo VOV
- 2024-09-17 16:20:00
Khung dệt mùa thu
- 2024-09-17 14:13:00
Kể chuyện bằng dữ liệu, tại sao không?
- 2024-08-12 16:35:00
“Phở Nam Định” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cơm quanh rá, mạ quanh bờ
Diễn viên phim truyền hình Kính vạn hoa “họp lớp” trong phiên bản điện ảnh
Đối thoại - Đồng cảm cùng vận nước
Chuyển biến tích cực từ phong trào văn hóa tại xã Hoằng Thành
Phát huy giá trị di sản văn hóa biển đảo gắn với phát triển du lịch Thanh Hóa
Tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái lần thứ VII, năm 2024
Đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm
Từ điển Việt - Mường Thanh Hóa - Một cuốn sách quý
Sách về danh họa Trần Văn Cẩn: Dòng chảy hội họa xuôi cùng lịch sử đất nước