(vhds.baothanhhoa.vn) - Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...

Trong miền ký ức: Thanh âm kẹo kéo...

Ký ức tuổi thơ như một bức tranh đầy màu sắc, mà những mảng màu trong đó cứ phai dần theo thời gian. Thi thoảng, trong những khoảng lặng của cuộc sống, thả mình trên chuyến tàu cảm xúc ngược thời gian, ta lục tìm, tô mạc lại. Để rồi chợt nhận ra, đó vẫn là những mạch nguồn chảy mãi trong cuộc đời...

Trong miền ký ức: Thanh âm kẹo kéo...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

“Leng keng... leng keng”... “Ai kẹo kéo đê ê ê... Kẹo kéo càng kéo càng dài... Càng nhai càng ngọt đê... Kẹo... kéo đê... ê ê ê”.

“Leng keng ... leng keng”... “Lông gà, lông vịt... Ni lông, dép rách... Cặp sách vứt đi... Nhôm nhựa đồng chì... Mang đổi kẹo kéo đê... ê ê ê!”.

Tiếng rao ấy, hẳn là ký ức ngọt ngào với tuổi thơ của cả một thế hệ. Với những đứa trẻ làng tôi cũng vậy.

Đã thành quen, cứ tầm giữa trưa là ông chú bán kẹo kéo lại dừng xe ở bụi tre đầu làng đợi đám trẻ làng tôi đến mua hoặc đổi phế liệu lấy kẹo kéo. Cả dăm bảy đứa mới có đứa móc ra được tờ tiền 100, 200 đồng nhàu nhĩ, còn thì mang nào lông gà, lông vịt, sắt vụn, mảnh chai, mảnh nhựa, thậm chí bò gạo, vài củ khoai, mấy bắp ngô... ra đổi lấy kẹo.

Thuổn là tên chú bán kẹo kéo, cái tên đọc quắn hết cả lưỡi, hệt như khi chú dùng cái que kéo dây kẹo từ trong cái thùng gỗ cũ xỉn, vừa kéo vừa dùng tay vuốt và cuộn vào đầu que trong cái nhìn háo hức với nước miếng trực trào trong miệng của lũ trẻ chúng tôi vậy. Có đứa táy máy còn gõ “leng keng... leng keng” vào miếng sắt buộc ở ghi đông. Chú Thuổn gầy gò, cũ kỹ hệt như cái xe đạp của chú vậy, đổi lại chú hay chuyện, hài hước nên mỗi lần chú về làng, bọn trẻ chúng tôi thường trải rơm, ngồi túm tụm dưới bóng tre, vừa nhâm nhi cục kẹo vừa nghe chú kể chuyện tiếu lâm suốt cả buổi trưa. Có khi mắt chú nhìn xa xăm, kể xen vào một vài mẩu chuyện lính tráng, chuyện chiến trận. Dư âm đọng lại, là mấy lời rao mà lũ trẻ chúng tôi thỉnh thoảng lại nghêu ngao: "Cô nào chồng bỏ chồng chê, ăn đồng kẹo kéo chiều về có ngay.../Cháu nào lớp 1 lớp 2, ăn đồng kẹo kéo tương lai lớp 10"...

Trong miền ký ức: Thanh âm kẹo kéo...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đến bây giờ tôi mới nhớ lại, trên vai chú Thuổn luôn vắt một cái khăn mặt dài, không còn rõ là màu gì, nhờ nhợ như nước cháo lòng vậy, cứ thỉnh thoảng chú lại kéo lên lau mồ hôi trên mặt. Sau khi vuốt và ngắt sợi kẹo, chú lại đưa tay lên lau vào cái khăn. Rồi cũng cái khăn ấy, chú dùng để lau tay sau khi nhận nào sắt vụn, mảnh chai, lông vịt... Còn hồi đấy, tuyệt nhiên chẳng đứa nào để ý đến cái khăn mặt ấy.

Chú Thuổn còn đi giày quanh năm suốt tháng, kể cả những ngày nóng nực, đôi giày vải cao cổ cũ xỉn.

Cứ mỗi lần chú Thuổn “kẹo kéo” về làng, là thể gì các bà mẹ cũng mất đi một vài cái chai để dành đựng nước mắm, nước tương; mớ lông vịt để đổi mắm, muối, thậm chí là cả cuộn tóc giấu tận trong ống luồng ở mái hiên.

Một hôm, thằng Sít mang ra một cái nồi nhôm còn khá tròn trịa, chỉ bị thủng một lỗ bé bằng đầu kim ở đáy nồi, để đổi kẹo kéo. Nó đổi được một cục to, nhem nhem bọn tôi cả buổi. Một lát sau thì mẹ nó sấn sổ chạy đến vừa lục tìm trong cái bì xác rắn treo sau xe kẹo kéo của chú Thuổn, vừa sa sả rằng cái phường lưu manh dụ dỗ trẻ con lấy trộm đồ nhà đi đổi kẹo, rằng cái phường lừa đảo, cả cái nồi đang còn lành lặn, mà đổi lại một mẩu kẹo bé bằng đồng xu... Chú Thuổn cứ ngơ người ra nhìn, lúc mẹ cái Sít lôi cái nồi ra, chú giữ tay lại tính phân bua gì đấy, thì bị bà xô cho một cái ngã ngửa vào đống rơm. Lúc này chúng tôi mới thấy một bên ống chân của chú lộ ra dưới ống quần màu cỏ úa - một cái chân bằng gỗ hay nhựa gì đấy, đóng rất nhiều đinh. Chú giấu chân mình quanh năm là vì thế.

Lần khác, chú Thuổn mang bì phế liệu đến nhà bà Tạ Mốt để nhập. Bà Tạ Mốt dễ còn nặng hơn tạ mốt ấy chứ, quanh năm ăn trầu rồi phun nước trầu phèn phẹt. Người đàn bà với thân hình hộ pháp ấy, cầm cái vỏ lon được đập bẹp ném thẳng vào người chú, cái miệng đỏ loe đỏ loét gào lên, rằng cái đồ kẹo kéo buôn gian bán lận. Chú Thuổn loạng choạng tựa vào xe kẹo kéo rồi cả người và xe ngã kềnh ra đất, cái cục sắt bị va đập kêu “leng keng... leng keng”. Vừa đau vừa bối rối, phải loay hoay một lúc chú Thuổn mới xoay được cái chân giả đúng thế để đứng lên. Chú cầm cái vỏ lon bên trong có hòn đá lắc đầu. Ra là trong đám trẻ chúng tôi, có đứa dùng cái mánh khóe bán phế liệu để mang đi đổi kẹo.

Cái tiếng “leng keng” ấy, mãi sau này chúng tôi mới biết là phát ra từ một vỏ đạn súng cối, nhưng chưa kịp biết có phải là kỷ niệm chiến trường của chú Thuổn không, thì không còn gặp lại chú nữa. Cũng không nhớ vì sao không còn tiếng rao kẹo kéo trên đường làng. Đọng lại, tiếng “leng keng” ấy, lời rao ấy và vị ngọt ấy, là dư vị ngọt ngào mà tuổi thơ chúng tôi từng được nhấm nháp.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]