(vhds.baothanhhoa.vn) - Thỉnh thoảng mấy đứa bạn trên phố lại kéo nhau về, ngồi cà kê chén chú chén anh với đám nhà quê chúng tôi. Chúng nó bảo, về quê thích nhất là được thưởng thức mấy món “đồ đồng”, nào mấy con cá rô đồng rán giòn, đĩa tép rang xúc bánh đa hoặc bát lươn om chuối đậu.

Trả tôm, cá lại cho đồng làng

Thỉnh thoảng mấy đứa bạn trên phố lại kéo nhau về, ngồi cà kê chén chú chén anh với đám nhà quê chúng tôi. Chúng nó bảo, về quê thích nhất là được thưởng thức mấy món “đồ đồng”, nào mấy con cá rô đồng rán giòn, đĩa tép rang xúc bánh đa hoặc bát lươn om chuối đậu.

Trả tôm, cá lại cho đồng làngẢnh minh họa.

Gì chứ những món đấy thì ở làng vốn sẵn, rau thì có trong vườn, tôm, cá thì thả dăm cái lưới bát quái ở đồng hoặc nhấc cái vó bè ở sông là có. Nhiệm vụ kiếm đồ nhậu mặc định giao cho anh Khoai, một “ngư ông” khét tiếng trên các cánh đồng làng. Chỉ nhìn tăm cá, anh Khoai đã biết đó là cá gì, nặng bao nhiêu cân, bắt bằng cách nào.

Chiều hôm đó đám bạn lại hẹn về, thế mà lọ mọ nguyên buổi sáng, cuối cùng “sát thủ” của chúng tôi lại than thở:

- Tôi chịu thôi, chỉ nhặt được mấy con cá lòng tong, mèo còn chẳng buồn ngửi.

- Làm gì có chuyện ấy, tôm cá đầy đồng mà. Sáng nay, vẫn thấy các bà mang tôm, cá ra chợ bán, nhìn tươi roi rói.

- Các bà ấy đi từ tờ mờ sáng lên chợ huyện, có khi còn xuống tận chợ đầu mối ở thành phố để nhập về bán đấy các ông ơi. Giờ “đồ đồng” lại đi ngược từ phố về làng rồi. Các ông lo buôn bán, có chài lưới như tôi đâu mà biết. Cứ nhìn “hàng” thì biết. Tép, tôm cả rổ nhưng không lẫn một cọng rác; lươn, trạch, ốc, ếch, cá rô phi, cá quả... thì mười con đều chằn chặn cả mười, béo múp míp,... Chẳng không phải “hàng công nghiệp” từ phố về là gì.

Cũng phải, ngẫm lại mới nhớ, những mẻ tôm, tép “quê” bao giờ cũng lẫn nào ốc quắn, cá tạp và cả những cọng rơm mủn. Lươn, trạch, ốc, ếch, cá... thì con to, con nhỏ. Nhất là cá rô phi, họa hoằn lắm mới có con to bằng bàn tay; cá quả thì đa phần là chuối nõn, “săn” được cá chuối to bằng bắp tay người lớn là khó lắm, phải “đặt hàng” trước cả tuần.

- Đúng là đường sá thuận lợi, chợ quê mình bây giờ không thức gì không có.

- Đấy, vấn đề là bây giờ bói đâu ra mấy thứ “đồ đồng” theo yêu cầu của mấy thằng thành phố kìa. Những đồ mua ở chợ, chúng nó ăn quen rồi, nhìn qua là biết không phải “đồ đồng” chính hiệu, mà là nuôi công nghiệp ở các trang trại - anh Khoai vò đầu bứt tai.

- Mọi khi nhấc mẻ lưới là ê hề tôm cá cơ mà, sao giờ khó thế?

- Thì cũng bởi cái tâm lý chuộng “đồ đồng”, mà có thời gian tép “đồng”, tôm “đồng”, cá “đồng”... đắt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi “hàng công nghiệp”. Thế là nhà nhà đua nhau sắm lưới bát quái, lưới bén, mỗi nhà chục bộ, chia nhau giăng kín các cánh đồng. Trên một khúc sông mà có tới dăm bảy cái vó bè, ngày đêm thi nhau kéo; hàng trăm cái ống đánh lươn, trạch. Chưa kể, nhiều nhà còn sắm cả kích điện, mọ mẫm cả đêm trên các cánh đồng, trên sông, thậm chí là các kênh, mương, dí điện không chừa một mét vuông nào. Mà đâu phải người làng mình, từ làng bên, xã bên cũng sang thả lưới, đánh kích. Chỉ chục bộ lưới bát quái, có ngày thu nửa triệu bạc đấy. Mà cái lưới bát quái, “nó” bắt tất tật, đến con, cháu, chắt, chút, chít của những tôm, tép, cua, ốc... Đấy, đến cò vạc cũng chẳng buồn đậu lại kiếm ăn trên cánh đồng làng mình nữa. Vì có còn gì đâu?!. - anh Khoai làm một tràng giãi bày.

- Ừ nhỉ! - Chúng tôi nhìn nhau thở dài thườn thượt. Tôi thì nhìn đống lưới bát quái đủ các chủng loại xếp thành đống trong gian hàng tạp hóa của nhà, ngao ngán. Bảo sao một thời gian, các mặt hàng này bán chạy thế. Lại nhớ đến chuyện lũ con nít trong làng không còn thấy gọi nhau vác cần ra sông câu cá hay lọ mọ đi câu lươn dọc bờ ruộng nữa. Bóng cò cũng thưa thớt dần.

Đấy là chuyện của vài tháng trước. Và, cũng chẳng phải vì ý kiến của mấy anh em tôi, về việc không còn kiếm được những thức “đồ đồng” mang phong vị của làng để thết đãi bạn - mà hội đồng làng ban hành quy định hạn chế đánh bắt thủy sản tận diệt. Bởi vì, chỉ sau một thời gian hỉ hả với món lợi thu được từ những mẻ lưới bát quái, từ kích điện, người làng tôi được tuyên truyền và cũng nhận ra trên chính cánh đồng của gia đình mình rằng, tận diệt các loài sinh vật trên đồng ruộng, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng chi phí thuốc bảo vệ động vật; là việc làm không chỉ hủy hoại môi trường sống mà còn hủy hoại một không gian tâm thức của mỗi người làng.

Những người bạn trên phố, cũng chẳng bắt anh em tôi phải cố kiếm cho được “đồ đồng” xịn nữa. Chẳng phải những tôm, cá nuôi công nghiệp, rõ nguồn gốc, đều là những sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chọn giống đến môi trường nuôi đấy sao.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]