(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Chu, làng Chòm, nay là làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) có nghề làm bánh đa truyền thống. Không ai biết nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng có những người gắn bó với nghề từ thuở nhỏ cắp sách tới trường nay cũng đã mắt mờ, chân chậm. Trải qua bao biến cố thăng trầm, người dân làng Đắc Châu đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phát triển sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của địa phương.

Từ bánh đa làng đến sản phẩm OCOP

Nằm bên bờ sông Chu, làng Chòm, nay là làng Đắc Châu, xã Tân Châu (Thiệu Hóa) có nghề làm bánh đa truyền thống. Không ai biết nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng có những người gắn bó với nghề từ thuở nhỏ cắp sách tới trường nay cũng đã mắt mờ, chân chậm. Trải qua bao biến cố thăng trầm, người dân làng Đắc Châu đã kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phát triển sản phẩm OCOP mang nét đặc trưng của địa phương.

Từ bánh đa làng đến sản phẩm OCOPNgười dân xã Tân Châu phơi bánh đa.

Xã Tân Châu hiện có khoảng 200 hộ sản xuất bánh đa và bánh đa nem. Chỉ với những nguyên liệu đơn giản như vừng, bột gạo, muối, chiếc bánh đa giòn tan, bùi bùi, thơm thơm lại có hương vị và những nét riêng biệt không nơi nào có được. Đó là hương vị quê nhà khó quên với bao người con Tân Châu. Từ món quà quê giản dị, đến nay, sản phẩm bánh đa đã được thương lái mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Đối với người dân nơi đây, làm bánh đa không chỉ là kế sinh nhai mà còn là cách để giữ nghề truyền thống lâu đời của ông cha để lại.

Là một trong những gia đình có truyền thống làm nghề, ông Nguyễn Trọng Quang, chủ cơ sở sản xuất bánh đa Quang Thu cho biết: "Để làm ra được một chiếc bánh đa ngon thì ngay từ khâu chọn gạo phải được lựa chọn kỹ lưỡng, đó là loại gạo Q5 hạt tròn, ít nhựa, sau đó được ngâm từ 5 đến 6 tiếng, thời gian này vừa đủ để gạo ngấm nước mà không bị chua bánh khi ăn. Bột làm bánh được pha vào thêm một ít muối, sau đó được tráng trên một chiếc nồi hơi lớn, vừng được rắc đều hai bên mặt chiếc bánh”. Cũng theo ông Quang, bánh tráng xong được vớt ra đặt lên các giàn đan bằng tre để phơi nắng. Người phơi bánh phải nhớ từng trành, từng khu vực để mà trở cho bánh khô đều, sau đó ép cho bánh thành chồng để đóng gói. Những công đoạn làm bánh được người dân thực hiện rất nhịp nhàng, phải nhanh mắt, nhanh tay, những người thạo nghề mỗi ngày có thể tráng được cả nghìn chiếc bánh. Bánh đa đẹp hay không phụ thuộc vào người quạt nướng bánh, phải đều tay, giữ đều lửa và lật bánh thật đều, có như vậy bánh mới chín đều và có màu vàng ruộm tự nhiên. Ngoài ra, than dùng để quạt bánh phải là than hoa gốc để cháy lâu, lửa đều, không chóng tàn như các loại than khác. Bên cạnh việc gìn giữ cách làm bánh truyền thống, gia đình ông Quang cũng đã mạnh dạn đầu tư máy xay bột, lò sấy. Hiện nay số lượng bánh được đưa ra thị trường của cơ sở ông Quang đã lên tới hơn 1.000 chiếc bánh mỗi ngày.

Để phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, xã Tân Châu đã khuyến khích hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng nhà xưởng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có 3 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng 3 sao, đó là: bánh đa Quang Thu, bánh đa Ngọc Nhạn và bánh đa nem Phương Nhàn.

Ông Vũ Đình Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Châu, cho biết: Để sản xuất ra số lượng bánh lớn, người dân đã đầu tư máy xay bột, bếp điện, lò sấy để rút ngắn thời gian sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh bánh đa với kích thước truyền thống, người dân còn sản xuất bánh đa với nhiều kích thước to, nhỏ khác nhau và sản phẩm bánh đa nem đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh việc chọn nguyên liệu, áp dụng khoa học - kỹ thuật, người dân đã quan tâm đến bao bì, nhãn mác để phát triển thương hiệu. Có thể nói, việc các sản phẩm bánh đa của Tân Châu được chứng nhận OCOP là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, không những góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn đầu tư các loại máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ khó tính, xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống của địa phương... Bên cạnh việc cung cấp hàng cho các thương lái, xã cũng khuyến khích các hộ dân thành lập các tổ hợp tác hỗ trợ tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhất là tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch và hệ thống siêu thị trên cả nước.

Bài và ành: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]