Từ chuyện mất giày
Nghỉ trưa, đang lướt điện thoại thì thấy có thông báo chương trình “sale” - giảm giá ở một cửa hàng bán quần áo, giày dép. Chợt nghĩ, cuộc sống bận rộn nhiều thứ, kinh tế cũng không dư dả nên lâu rồi tôi chẳng mua sắm gì cho bản thân. Thôi thì, nhân cơ hội này, ghé cửa hàng xem có thể tìm được món đồ nào đó phù hợp, vừa túi tiền.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Chiều tan tầm, hòa vào dòng người vội vã dưới màn mưa phùn giăng mắc, tôi ghé cửa hàng quần áo. Khác với ngày thường, chương trình giảm giá của cửa hàng thu hút rất đông khách. Thành thử, khi tôi đến, vỉa hè đã chật kín lối. Loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ dựng xe. Cửa hàng không lớn nên tất cả khách đến đều để giày dép ở ngoài cửa, tôi cũng vậy. Nhưng vào đến bên trong mới thực sự thấy “ngợp” vì quá đông người. Trong không gian chỉ khoảng vài chục mét vuông, la liệt nào giày dép, quần áo trên kệ, cả dưới sàn nhà. Là người vốn sợ những nơi đông người, tôi đã toan ra về. Nhưng rồi lại nhủ lòng, người khác tìm mua được đồ, mình chẳng nhẽ lại không, biết đâu có thể tìm được đồ giảm giá ưng ý.
Đang ướm thử chiếc áo lên người, tôi nghe có tiếng một chị khách hàng khác hớt hải chạy vào, nói với chủ cửa hàng: “Em ơi, đôi giày của chị để ở bên ngoài cửa hàng nhà em giờ bị mất rồi, không biết khách nào đi nhầm. Em “check cam” (kiểm tra camera) bên ngoài giúp chị xem ai lấy”.
Đáp lại sự hốt hoảng của khách hàng, chị chủ hững hờ: “Camera nhà em không quay ở khu vực để giày dép của khách chị ơi”. Dứt lời, chị ta quay sang nói chuyện và thanh toán cho những khách hàng khác.
Chị khách hàng lại tiếp tục năn nỉ: “Em kiểm tra lại giúp chị xem có thấy gì không. Đôi giày ấy chị mua triệu rưỡi, mới đi được có vài lần... Bây giờ làm thế nào đây?!”.
“Em đã bảo camera nhà em không quay khu vực để giày dép của khách mà. Giày dép của khách phải tự bảo quản chứ, sao lại vào hỏi em...” - chủ cửa hàng vẫn giữ giọng dửng dưng.
Hơi bất ngờ trước cách trả lời của chủ cửa hàng, tôi như “quên” cả việc chọn đồ, dừng lại lắng nghe câu chuyện.
“Thế cửa hàng em không cho mang giày dép vào bên trong thì khách hàng chả phải để bên ngoài. Ai cũng thế, chẳng nhẽ chị lại không...” - chị khách lên tiếng.
“Thế bây giờ chị muốn thế nào, chị định bắt đền à? Em hỏi chị nhé, chẳng nhẽ khi chị đi chùa, đi đền, chị để dép bên ngoài để vào trong lễ, khi trở ra chị bị mất dép, thế là chị cũng bắt đền nhà chùa à?...” - chủ cửa hàng nói không chút kiêng nể khách.
“Sao em nói vậy, chị không có ý bắt đền ai cả...”. Nói rồi chị khách bước ra bên ngoài với cố gắng tìm lại đồ. Thú thật khi đó, tôi có chút ái ngại, đồng cảm với chị. Tự dưng thấy lòng chùng xuống, chẳng còn chút hào hứng nào để chọn mua đồ nữa, tôi lựa chọn ra về. Nhưng sự việc chưa khép lại. Vừa ra đến gần cửa, tôi thấy chị khách quay vào, lên tiếng: “Mọi người ơi, em phiền mọi người một chút, mọi người ra bên ngoài đi giày dép của mình hộ em, để em xem đôi nào người lấy giày của em bỏ lại thì em đi tạm về nhà, chứ chả nhẽ lại đi chân đất, phiền mọi người giúp em ạ”.
Chẳng có ai ra cả, thậm chí có người còn vô tâm lên tiếng: “Sao phiền thế nhỉ, mất đồ thì phải chịu chứ...”. Không biết chị khách không may kia có nghe thấy? Còn tôi, thấy lòng buồn thật sự. Tôi tự hỏi, nếu hôm nay người mất giày không phải là chị khách kia mà là tôi, nếu gặp phải thái độ hững hờ của cả chủ cửa hàng lẫn những người xung quanh như vậy, liệu tôi có... khóc?!
Phải đến khi chị khách nói đến lần thứ ba, mọi người mới ra nhận giày dép. Chỉ còn sót lại một đôi cũ kĩ, chị khách bị mất đồ đứng bên ngoài, nói thêm: “Còn một đôi này không phải của ai đúng không ạ? Vậy em lấy đi về mọi người nhé”. Nói rồi chị khách xỏ chân vào đôi giày cũ để ra chỗ dựng xe.
Tôi thấy lòng thật sự buồn, dù rằng, sự việc có thể chẳng liên quan đến mình. Rồi như từ trong lòng có điều gì thôi thúc, đứng bên ngoài cửa hàng, tôi nói với chị khách bị mất đồ: “Thôi chị ạ, xem như của đi thay người, nghĩ vậy cho đỡ tiếc...”. “Ừ, chị cũng không buồn vì mất đồ lắm đâu, chỉ thấy buồn với thái độ của chủ cửa hàng thôi em...”. Nói xong, chị khách lên xe hòa mình vào dòng người đông đúc, cũng vừa khi phố lên đèn. Và tôi cũng thế...
KHÁNH LỘC
{name} - {time}
-
2024-11-24 07:25:00
Từ chuyện... một suất cơm
-
2024-11-22 07:24:00
Thuê vàng
-
2024-01-26 07:09:00
Mùa đông lạnh - lòng người ấm