Từ “Họa xà thiêm túc”, đến “Như hổ thiêm dực”
Thành ngữ Việt Nam có câu “Vẽ rắn thêm chân”; câu này vốn xuất phát từ điển tích Hán “Họa xà thiêm túc”.
Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân - NXB Tổng hợp TPHCM - 2006) giảng “Họa xà thiêm túc” là “Nghĩa đen: Vẽ rắn thêm chân. Câu chuyện đã gay go, lại chêm vào những lời khiêu khích”, và lấy ví dụ: “Vợ chồng người ta đang có chuyện bất hòa, sao anh lại họa xà thiêm túc thế”.
Ở mục “Vẽ rắn thêm chân”, GS. Nguyễn Lân giảng là “Như Vẽ hùm thêm cánh”, và lấy ví dụ “Anh ca tụng lão ấy, khác gì vẽ rắn thêm chân”. Điều đáng ngạc nhiên là đến mục “Vẽ hùm thêm cánh”, tác giả lại giải thích là “Tìm cách cho kẻ ác ác thêm”, và lấy ví dụ “Anh khen tên ác ôn ấy tức là anh đã vẽ hùm thêm cánh đấy”.
Cách giải thích của tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam có rất nhiều điểm sai sót, nhầm lẫn cần phải đính chính.
1-Họa xà thiêm túc
Họa xà thiêm túc 畫蛇添足, là thành ngữ gốc Hán, vốn bắt nguồn từ điển tích Hán. Một nhà quý tộc nước Sở, đem bình rượu ngon sau khi dâng cúng tổ tiên ra nói với môn khách “Chỉ bình rượu này mà tất cả mọi người đều uống thì không đủ, nhưng một người uống thì lại thừa. Vậy bây giờ đề nghị tất cả thi vẽ rắn trên nền đất, ai vẽ xong trước sẽ được thưởng bình rượu”. Trong chốc lát đã có người vẽ xong trước, bèn cầm lấy bình rượu toan uống ngay. Tuy nhiên, người này lại muốn thể hiện thêm tài vẽ, bèn tay trái cầm bình rượu, tay phải tiếp tục vừa vẽ rắn vừa nói: “Tôi còn có thể vẽ thêm chân cho rắn nữa kia”. Tuy nhiên, trong khi ông này đang vẽ chân cho rắn, thì đã có thêm một người khác vẽ xong, và nói “Từ xưa tới nay, rắn làm gì có chân, con vật ông vẽ không phải là rắn”. Nói đoạn, đến giằng lấy bình rượu. Về sau, “Họa xà thiêm túc” được dùng với nghĩa chê bai người nào hay thêm thắt những điều không cần thiết, làm những việc thừa, không chỉ tốn công, vô ích mà còn hỏng việc.
Nguồn gốc điển tích và ý nghĩa của nó là như vậy, nhưng GS. Nguyễn Lân lại giải thích là “Họa xà thiêm túc” là “Câu chuyện đã gay go, lại chêm vào những lời khiêu khích”. Mặt khác, còn tự đưa ra ví dụ về cách dùng không đúng với thực tế, bởi không ai nói “Vợ chồng người ta đang có chuyện bất hòa, sao anh lại họa xà thiêm túc thế”. Có lẽ GS. Nguyễn Lân nhầm “Họa xà thiêm túc” với “Hỏa thượng gia dầu” - 火上加油 (Đổ thêm dầu vào lửa) chăng?
2- Như hổ thiêm dực
Như trên đã viết, ở mục “Họa xà thiêm túc”, GS. Nguyễn Lân chú là như “Vẽ rắn thêm chân”, và giải thích “Câu chuyện đã gay go, lại chêm vào những lời khiêu khích”. Nhưng đến mục “Vẽ rắn thêm chân”, GS. Nguyễn Lân chú là như “Vẽ hùm thêm cánh”, và giảng là “Tìm cách cho kẻ ác ác thêm”.
Rõ ràng, chúng ta thấy có sự sai sót, nhầm lẫn, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Cụ thể, khúc đầu thì cho câu “Vẽ rắn thêm chân” cái nghĩa tương đương như “Đổ thêm dầu vào lửa” đã là sai; đến đoạn sau, lại gán cho “Vẽ rắn thêm chân” cái nghĩa hoàn toàn khác, đó là như “Vẽ hùm thêm cánh” = “Tìm cách cho kẻ ác ác thêm”.
Thực ra, trong tiếng Việt “Như hùm thêm cánh”, hoặc “Như hùm mọc cánh”, là thành ngữ có gốc Hán là “Như hổ thiêm dực” - 如虎添翼.
Hổ là con vật được mệnh danh là chúa sơn lâm, có sức mạnh và sự dũng mãnh vô song. Tuy nhiên, sức mạnh ấy chỉ giới hạn ở mặt đất. Nếu hổ mà mọc thêm cánh và có thể bay lượn cả trên trời như đại bàng hay con rồng, thì sức mạnh ấy được nhân lên gấp bội. Bởi vậy, câu “Như hổ thiêm dực” - Như hùm thêm cánh, ngụ ý nói đã mạnh càng mạnh thêm, đã ác càng ác thêm. Thế nhưng, tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam, lại nhầm thành “Vẽ hùm thêm cánh” và giảng là “Tìm cách cho kẻ ác ác thêm”. Nhưng với con hổ giấy, dù có vẽ thêm cho nó bao nhiêu cánh, thì hổ cũng đâu có mạnh thêm, hay ác thêm được?
Thực ra, “Vẽ hùm thêm cánh” hay “Vẽ hùm thêm cánh, vẽ rắn thêm chân” là dị bản của “Vẽ rắn thêm chân”, mà Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào) có thu thập và chú giải là đồng nghĩa với câu “Vẽ chân rắn, dặm lông lươn”. Các dị bản này có nghĩa như chúng tôi đã phân tích ở mục 1, là: chê bai, chế giễu người nào hay thêm thắt những điều không cần thiết, làm những việc thừa, không chỉ tốn công, vô ích mà còn hỏng việc, chứ không có nghĩa là “Tìm cách cho kẻ ác ác thêm”, như cách giảng của tác giả Từ điển từ và ngữ Việt Nam.
Hoàng Trinh Sơn (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-09 17:22:00
Lại nói về câu “Ngọa tân thường đảm - Nằm gai nếm mật”
-
2024-12-09 15:29:00
Bún riêu và miến xào cua góp tên trong “bản đồ ẩm thực thế giới”
-
2024-10-05 07:50:00
Ðể di tích đồng hành với phát triển du lịch
Về thăm những di tích quốc gia đặc biệt
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đến với học sinh
Xu hướng mới của giới trẻ mang lại thách thức cho ngành du lịch Việt Nam
Nhiều hoạt động du lịch, văn hóa chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô
Trao giải cuộc thi sáng tác kịch bản phim kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng
Nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa biển đảo cùng đồng bào các dân tộc
Việt Nam đăng cai Hội nghị quốc tế về Du lịch nông thôn của UN Tourism
Nguyễn Hoàng - Người mở cõi
Gen Z Việt dựng nhạc kịch và xiếc từ phim Hollywood truyền thông điệp tích cực