(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trong khuôn khổ lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 có một slogan rất ấn tượng là: “Nông nghiệp vị nhân sinh” (tạm hiểu là nông nghiệp vì con người). Slogan này đã lan tỏa trên nhiều trang báo và không gian mạng mấy ngày qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ một slogan về nông nghiệp

Tại gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) trong khuôn khổ lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 có một slogan rất ấn tượng là: “Nông nghiệp vị nhân sinh” (tạm hiểu là nông nghiệp vì con người). Slogan này đã lan tỏa trên nhiều trang báo và không gian mạng mấy ngày qua.

Từ một slogan về nông nghiệp

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Nông nghiệp vị nhân sinh” có thể là một sự khẳng định thương hiệu của nông nghiệp địa phương đã đạt được, nhưng cũng có thể vẫn là sự hướng tới của chủ thể, rộng hơn là của rất nhiều địa phương, chứ không riêng gì huyện Tứ Kỳ. Bởi xét cho cùng, sản phẩm nông nghiệp trên thị trường hoặc mọi phương thức sản xuất để tạo ra sản phẩm nông nghiệp đều phải vì con người. Ăn để sống và sống để tiếp tục làm việc. Từ xưa đã thế. Nhưng bởi áp lực tăng trưởng nóng trong nông nghiệp đã dẫn đến nhiều phương thức canh tác, nuôi trồng vội vàng và thực dụng. Cái lợi trước mắt che khuất đi những di họa của đời sống con người.

Chúng ta đã bước qua giai đoạn chinh phục những con số về sản lượng trong nông nghiệp. Và rõ ràng là khi nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, thì đòi hỏi sản xuất nông nghiệp không chỉ chú trọng tới năng suất, mà cao hơn là phải quan tâm đến chất lượng. Trong bữa cơm hằng ngày người dân không chỉ dừng lại ở việc ăn no nữa, mà còn hướng tới ăn ngon và “ăn sạch”. Nông nghiệp vị nhân sinh ngày nay còn phải đảm đương vai trò giúp con người trường thọ, sống vui, sống khỏe. Đây chính là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đề cập đến tại một số diễn đàn.

Cùng với cả nước, nhiều địa phương, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững, kiên trì đưa nông nghiệp theo con đường này, thuận thiên và thuận đời sống. Không chỉ ở những huyện miền xuôi - nơi có diện tích đất nông nghiệp và mặt nước lớn mới hình thành những vùng sản xuất hữu cơ, mà các trang trại hữu cơ, nông nghiệp sản xuất khắt khe đã xuất hiện ở nhiều huyện miền núi, địa bàn còn khó khăn. Đáng hoan nghênh là nông dân ở vùng canh tác hữu cơ gần như không dùng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế tối đa phân bón hóa học. Họ tận dụng nhiều sản phẩm nông nghiệp dư thừa để chế tạo ra những chế phẩm sinh học để phục vụ cây trồng. Trong số họ, có rất nhiều người trẻ tiến bộ, những người đã qua đào tạo tiếp thu được nhiều tinh hoa trong sản xuất, từ bỏ đời sống văn phòng để về quê hoặc từ địa phương khác đến Thanh Hóa thuê đất làm nông nghiệp sạch. Tiếp sức cho họ là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tạo ra những đầu mối thương nhân phân phối nông sản sạch. Những nông trại có tâm và doanh nghiệp phân phối có tâm đã tạo ra một kênh cung cấp nông sản chất lượng hơn.

Mỗi người bắt tay vào sản xuất, kinh doanh đều phải tính toán đến lợi ích. Nhưng vượt lên lợi ích một cách cực đoan và thuần túy, những người làm ra nông sản phải biết quý trọng sức khỏe của người tiêu dùng - khách hàng của họ, để hướng đến việc sản xuất, kinh doanh có tâm. Cái tâm ấy cần được xã hội đón nhận và nhân lên, hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực. Sẽ rất khó để có một nền nông nghiệp sạch và đời sống tiêu dùng xanh thực chất khi mà bên cạnh những luống rau sạch, ao nuôi, chuồng trại “sạch” vẫn còn đó những sản phẩm không đảm bảo chất lượng tồn tại một cách thực dụng và ánh mắt nhìn khinh khi, dè bĩu. Chỉ khi nào tất cả người sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu và người tiêu dùng nhất tâm hướng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng, thì nền nông nghiệp vị nhân sinh mới trở thành điều thường nhật chứ không còn là mơ ước, khẩu hiệu hướng tới.

Tuệ Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]