Từ nghi thức cầu mưa đến lễ hội bánh chưng - bánh giầy trên thành phố biển Sầm Sơn
Diễn ra bên bờ biển sóng biếc, dưới chân đền Độc Cước, lễ hội bánh chưng - bánh giầy là nét đẹp văn hóa đặc sắc và lâu đời của người dân thành phố biển Sầm Sơn. Lễ hội diễn ra vào tháng 5 (âm lịch) có nguồn gốc từ nghi thức “đảo vũ” - cầu mưa của người xưa với niềm tin tín ngưỡng đặc biệt.
Sau khi có hiệu lệnh vào cuộc thi, các đội bắt đầu nổi lửa đồ xôi để làm bánh giầy. Ảnh: Khánh Lộc
Đền Độc Cước tọa lạc trên hòn Cổ Giải (núi Trường Lệ) là ngôi đền cổ xưa - “điểm tựa” tâm linh cho người dân vùng biển Sầm Sơn nói riêng, xứ Thanh nói chung. Hằng năm, tại đền Độc Cước diễn ra nhiều kỳ lễ hội lớn, nhỏ nhằm bày tỏ sự kính ngưỡng đến các vị thần linh, ước vọng được chở che, phù hộ của cư dân vùng biển. Trong đó, lễ hội bánh chưng - bánh giầy diễn ra vào những ngày chính hạ chứa đựng ý nghĩa đặc biệt.
Đến hẹn, vào ngày 12 tháng 5 (âm lịch) dưới nắng hạ gay gắt, hàng nghìn người dân ở các xã, phường trên địa bàn TP Sầm Sơn và du khách cùng nhau tập trung về dưới chân đền Độc Cước, thực hiện những nghi lễ tâm linh; cùng nhau đỏ lửa đồ xôi, giã bánh... tạo nên không khí vừa thành kính trang nghiêm mà vẫn rộn ràng, tươi vui của lễ hội bánh chưng - bánh giầy.
Sầm Sơn vốn dĩ là vùng đất hẹp ven biển. Nhờ sự tài hoa của “bàn tay” tạo hóa đã kiến tạo nên vùng đất này bãi biển dài, có núi, có sông với cảnh quan kỳ thú. Người xưa đến cư ngụ, lập làng trên đất Sầm Sơn từ khá sớm. Vào khoảng thời nhà Trần, cư dân vùng biển Sầm Sơn đã lập nên ngôi đền Độc Cước trên hòn Cổ Giải (tên chữ là Miết Cảnh) - phía dưới là sóng biển bạc đầu, ngàn vạn năm vỗ vào vách núi. Nhưng có một điều đặc biệt, theo người dân địa phương, dẫu phong ba bão táp, chiến tranh bom đạn thì ngôi đền thiêng bên bờ biển vẫn sừng sững. Người dân nơi đây cũng tin rằng, cuộc sống của mình được bình yên, vượt qua khó khăn, bất trắc là nhờ được sự phù trợ của các vị thần.
Theo lưu truyền dân gian, thuở xa xưa, vào những năm hạn hán kéo dài, ruộng đồng khô cạn chẳng thể cấy cày, ra khơi vào lộng khó khăn, người dân vùng biển Sầm Sơn lại cùng nhau đóng góp để tổ chức tế lễ đảo vũ - cầu mưa. Quan niệm dân gian tin rằng, sự thành kính, nhất tâm kêu cầu sẽ được thần linh thấu tỏ, từ đó ban mưa xuống. Về sau, lễ đảo vũ - cầu mưa trở thành lễ hội lớn, người dân thường gọi là lễ hội bánh chưng - bánh giầy, được tổ chức đều đặn vào ngày 12 tháng 5 (âm lịch).
Lễ hội diễn ra với các nghi lễ tế quan trọng, như: tế yết cáo; tế kêu cầu; tế ra đám... Mỗi làng sẽ cử ra những bậc cao niên được người dân quý mến, có uy tín, hiểu biết tiến hành việc tế lễ.
Sở dĩ được gọi là lễ hội bánh chưng - bánh giầy là bởi lễ vật dâng cúng luôn phải có bánh chưng, bánh giầy. “Lễ vật của kỳ lễ này chỉ bằng bánh chưng và bánh giầy, mỗi làng có 3 mâm lễ, 2 mâm bánh cái (bánh giầy to bằng cái mâm vừa và bánh chưng). Bánh chưng đặt dưới, bánh giầy đặt trên thành một cặp... Lễ vật biểu hiện tâm tưởng của Nhân dân. Bánh chưng vuông biểu tượng cho Đất, bánh giầy tròn biểu trưng cho Trời. Trời tròn (Dương) - Đất vuông (Âm); Trời - Đất, Âm - Dương, cúng tế trời đất linh thiêng... Sự độc đáo và thiết thực của người nông dân lúa nước, dùng chính sản vật, thành quả lao động của mình để làm lễ vật dâng cúng thần linh, Trời - Đất” (sách Linh tích Sầm Sơn, tập 1).
Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Hoàng Thăng Ngói: “Đây là lễ hội phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước kết hợp với cư dân đánh cá ven sông, ven biển. Cư dân vùng Sầm Sơn hầu hết “bán nông, bán ngư” nên lễ hội đền Độc Cước nói chung, lễ hội bánh chưng - bánh giầy nói riêng độc đáo cả về thời gian tổ chức và lễ vật dâng cúng. Lễ hội không phải của riêng một làng, mà có ý nghĩa, sức lan tỏa đến hầu khắp các xã, phường trên địa bàn TP Sầm Sơn”.
Cùng với nghi thức rước kiệu đặc sắc từ các di tích về đền Độc Cước - khu vực diễn ra lễ hội, thì một trong những điểm hấp dẫn của lễ hội chính là thi giã bánh và làm bánh giầy giữa các làng, xã, phường (đội thi). Vào sáng sớm ngày 12, các đội thi với nguyên liệu chuẩn bị sẵn như gạo nếp (đã ngâm), lá, chày, cối, nồi đồ xôi, củi... cùng nhau tập trung về không gian tổ chức lễ hội - dưới chân đền Độc Cước.
Đến giờ, sau khi có hiệu lệnh của ban tổ chức, trong tiếng trống đánh dập dồn, tiếng hò reo, cổ vũ, các đội thi bắt đầu đốt lửa, đồ xôi. Khi xôi chín được cho ra những chiếc cối lớn, đàn ông có sức khỏe cùng nhau giã bánh. Khi đạt độ dẻo, mịn thì cho ra để nặn bánh. Nặn bánh tưởng dễ mà khó, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, sự khéo léo. Ông Lê Văn Bài, trưởng làng Lương Trung (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) chia sẻ: “Dù là giã bánh hay nặn bánh thì đều phải nhanh, khéo, người không có kinh nghiệm rất khó có thể tạo nên chiếc bánh giầy lớn như chiếc mâm tròn đều. Ngược lại, với người biết thì chỉ một loáng cũng thành hình. Dẫu vậy, làm bánh giầy chỉ một người thì khó thành, phải cần đến sự đoàn kết, sức mạnh tập thể”.
Sau khi xôi đồ chín được cho vào cối đá giã nhuyễn để làm bánh giầy.
Bánh sau khi làm xong sẽ được chấm điểm và dâng cúng thần linh. Tiêu chí chấm điểm dựa trên thời gian làm bánh, hình thức bánh và cả trang trí... việc chấm điểm được thực hiện công khai trước toàn thể các đội thi và người dân, du khách tham gia lễ hội.
Bánh giầy cũng được xem như một nét ẩm thực đặc biệt của người dân Sầm Sơn. Bởi vậy, trước đó tại các làng, khu phố, người dân sẽ cùng nhau đóng góp tiền bạc, công sức để mua gạo, giã bánh, làm bánh với số lượng lớn - những chiếc bánh giầy cỡ nhỏ, bằng miệng chiếc bát con, sau đó để đến ngày chính hội sẽ “phát lộc” cho du khách về với lễ hội. Bánh giầy Sầm Sơn để nguội, có thể cắt thành lát rán qua dầu, rồi chấm cùng chút nước mắm cốt... vừa dân dã mà phong vị thật đậm đà, khó quên.
Chia sẻ về ý nghĩa của lễ hội bánh chưng - bánh giầy của người dân Sầm Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Thăng Ngói nhìn nhận: “Từ nghi lễ dân gian đảo vũ - cầu mưa, qua thời gian với sự phát triển, vận động của cuộc sống trở thành lễ hội bánh chưng - bánh giầy. Ý nghĩa của lễ hội không thay đổi mà được bồi đắp thêm. Nếu xưa kia, người ta chỉ cầu cho mưa thuận, gió hòa, thì ngày nay, lễ hội bánh chưng - bánh giầy còn gửi gắm ước vọng, cầu mong cho sóng yên biển lặng, người dân ra khơi vào lộng được an toàn, mùa màng bội thu, du lịch biển phát triển, đời sống người dân ngày một thêm no đủ... Điều đáng trân quý là người dân thành phố biển vẫn duy trì được những nghi lễ cổ xưa và nét đẹp làm bánh chưng, bánh giầy. Trong sự phát triển, đổi thay thậm chí là phai mờ của nhiều giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều địa phương hiện nay, việc giữ gìn được sự khác biệt, nét đẹp vốn có của lễ hội là điều thực sự đáng trân trọng. Không quá lời khi cho rằng, lễ hội bánh chưng - bánh giầy đã góp thêm một “sản phẩm văn hóa” cho du lịch Sầm Sơn”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-06-29 14:27:00
Từ nguyên của “khăm” trong từ “chơi khăm”
Điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
6 bom tấn Hollywood được mong chờ nhất mùa hè 2024
Việt Nam là “điểm xuất ngoại” đầu tiên của Triển lãm thám tử Conan
Tao nhã - phẩm chất phụ nữ nên có
“Khoảnh” trong “Anh hùng nhất khoảnh” nghĩa là gì ?
Cơ quan chức năng ngăn chặn việc lợi dụng hình ảnh ông Thích Minh Tuệ
Phim Hàn “Hierarchy” có sức hút đặc biệt trên Netflix toàn cầu
Bố mẹ, con và trường học - Xây kênh hợp tác
Phường Lam Sơn - TP Thanh Hóa: Xây dựng đô thị văn minh