(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Từ việc ký kết ủy thác giữa Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa với các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Hội LHPN, nhiều hội viên phụ nữ đã được tiếp cận vốn, đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể vào mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ nguồn vốn vay ủy thác: ‘Bàn đạp’ thoát nghèo của nhiều phụ nữ

(VH&ĐS) Từ việc ký kết ủy thác giữa Ngân hàng CSXH tỉnh Thanh Hóa với các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là tổ chức Hội LHPN, nhiều hội viên phụ nữ đã được tiếp cận vốn, đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần đáng kể vào mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo.

Thoát nghèo từ con bê

Theo chân cán bộ Hội LHPN và Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành, chúng tôi được giới thiệu đến một hộ đồng bào vùng thiểu số dân tộc Mường, chị Bùi Thị Khuyên (45 tuổi) là điển hình thoát nghèo của xã Thành Công. Trong căn nhà mái bằng khang trang còn thơm mùi vôi mới, gia đình chị Khuyên cho biết đã đăng ký vay vốn hộ kinh doanh sản xuất (chương trình vay vốn dành cho hộ thoát nghèo) để đầu tư cho những dự định mới. Nhớ lại những tháng ngày cơ khổ trước đây, chị cho biết: “Dù hai vợ chồng chị có sức khỏe, có đất, có ruộng nhưng quanh năm, nai lưng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng không dư giật, không đủ tiền để lo ăn học cho con cái”.

Bước ngoặt đến với gia đình chị Khuyên khi năm 2010, chị được vay vốn của Ngân hàng CSXH qua Tổ TK & VV ủy thác qua Hội LHPN xã. Số tiền vay 10 triệu đồng, chị cùng chồng bàn tính mua một cặp bò bê để chăn nuôi. Sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào nên cặp bò bê của gia đình chị lớn nhanh chóng. Con bò mẹ sinh sản thêm được 1, rồi 2, 3 con. Sau đó hai vợ chồng chị bán 3 con bê thu lại được 24 triệu đồng, đầu tư vào nuôi thả dê thịt.

Kể từ đây, con đường thoát nghèo của gia đình chị bắt đầu. Đến năm 2015, gia đình chị đã thoát nghèo hoàn toàn. Đến nay, gia đình chị là một trong những hộ có điều kiện kinh tế khá của thôn, cũng như xã. “Từ cặp bò bê, đến nay gia đình tôi đã có trong tay 12 con bò, bê; 70 con dê thịt thương phẩm và hơn héc ta mía nguyên liệu, lúa thâm canh năng suất cao” - chị Khuyên chia sẻ.

Gia đình chị Bùi Thị Khuyên - Hội viên Hội LHPN xã Thành Công (người bên phải ảnh) đã thoát nghèo từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH.

Chủ tịch Hội LHPN xã Thành Công Nguyễn Thị Nhâm cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn cho vay do Hội LHPN xã đứng ra quản lý từ Ngân hàng CSXH là trên 10 tỷ đồng, với 340 thành viên được tiếp cận vốn/ 8 tổ TK&VV, tất cả đều đang vận hành có hiệu quả. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 153 hộ, số tiền là 4 tỷ 601 triệu đồng; hộ cận nghèo là 80 hộ, số tiền vay trên 2 tỷ đồng… Từ những nguồn vốn uỷ thác cho vay trên, đến nay toàn xã có 47 mô hình kinh tế trang trại, gia trại, trong đó hội phụ nữ quản lý phát huy 15 mô hình kinh tế có hiệu quả.

“Cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH

Theo đại diện Hội LHPN huyện Thạch Thành cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng CSXH huyện mà nhiều năm qua đã có hàng nghìn hộ gia đình được tiếp cận vốn, đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ là 169.212,05 triệu đồng, với 177 tổ, 6.141 hộ vay. Huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV 4.208 triệu, số tổ tham gia tiết kiệm là 177, số tổ viên tham gia tiết kiệm là 6.435, tỷ lệ tổ viên tham gia gửi tiết kiệm đạt 100%.

Ông Vũ Mạnh Khang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành cho biết, trên địa bàn huyện Thạch Thành hiện có 4 Hội đoàn thể cấp huyện nhận uỷ thác cho vay đạt 100%. Tổng dư nợ ủy thác 349.332 triệu đồng, chiếm 99,71% tổng dư nợ. Trong đó, tổng dư nợ Hội LHPN là 169.212/349.332 triệu đồng. Với những kết quả đạt được đã góp phần giúp cho 3.754 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn Ngân hàng CSXH, vốn tín dụng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 18,4%, hộ cận nghèo 10,77%.

Khẳng định tính hiệu quả từ hoạt động ủy thác vay vốn tới các Hội đoàn thể, ông Tạ Văn Phương - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành cho biết: Hiệu quả trước tiên đó là giúp cho người dân được tiếp cận nguồn vốn giao dịch nhanh gọn, tiện lợi, đúng đối tượng cũng như mục đích sử dụng nguồn vốn. Thứ đến, là tạo điều kiện thuận lợi cho phía Ngân hàng CSXH quản lý vốn vay một cách chặt chẽ, hiệu quả. Thực tế, với cơ cấu tổ chức như Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thành chỉ có 11 -12 cán bộ, một cán bộ theo dõi phụ trách 4 -5 xã không thể cùng lúc quản lý tất cả các công đoạn. Việc ủy thác cho tổ chức đoàn thể là điểm sáng trong phương thức quản lý của Ngân hàng CSXH.

“Thời gian qua, Hội LHPN đã thực hiện giám sát có hiệu quả từ công tác bình xét cho vay tại các tổ, cho vay đúng đối tượng, mục đích. Qua đó giúp cho các đối tượng trong diện được vay vốn đều được hưởng các chính sách của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi từng bước thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ trở thành hộ có kinh tế khá, giàu” - ông Phương đánh giá.

Với phương châm đưa vốn đến gần với dân hơn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng, giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, đến nay các xã, thị trấn của 27 huyện, thị trong toàn tỉnh đều có điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH. Theo báo cáo kết quả hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi qua công tác ủy thác quý IV năm 2016, riêng Hội LHPN, công tác gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ TK&VV số dư tiền gửi tiết kiệm thuộc Hội LHPN quản lý là 107.782 triệu đồng, tăng 29.100 triệu đồng so với cùng kỳ, với 128.938 tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm; Dư nợ ủy thác Hội LHPN quản lý 120.135 hộ (dư nợ bình quân 27 triệu đồng/hộ).

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]