(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến nay, sau gần 70 năm ra đời (thi phẩm được ấp ủ từ năm 1948, 1949 và đến với bạn đọc vào năm 1955 khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc) chúng ta vẫn chưa thể quên những vần thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Cách mạng tháng Tám đã mang lại lẽ sống lớn, lòng người vui hơn, thu lại càng thu hơn cho các văn nghệ sĩ.

Âm vang mùa thu cách mạng

Đến nay, sau gần 70 năm ra đời (thi phẩm được ấp ủ từ năm 1948, 1949 và đến với bạn đọc vào năm 1955 khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc) chúng ta vẫn chưa thể quên những vần thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Cách mạng tháng Tám đã mang lại lẽ sống lớn, lòng người vui hơn, thu lại càng thu hơn cho các văn nghệ sĩ.

Âm vang mùa thu cách mạng

“Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay

Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say

Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây

Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy”.

Giữa không khí vui mừng trào dâng khôn xiết đó, ngay lập tức rất nhiều bài thơ đã nhanh chóng ra đời nhằm thể hiện niềm hạnh phúc lớn lao của toàn dân tộc và ca ngợi đất nước, ca ngợi cách mạng với một tinh thần phơi phới, hân hoan. Đó là Tố Hữu, người hòa vào niềm vui triều dâng thác lũ của dòng người cuồn cuộn giữa không gian “Huế tháng Tám” tràn ngập cờ đỏ sao vàng tung bay trong luồng gió cách mạng.

“Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố

Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi

Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác...

...

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”.

Là Xuân Diệu đã lột xác khỏi những khát khao về tình yêu riêng tư trong thơ Mới, để hòa cùng với khẩu khí chung của dân tộc:

“Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!

Những ngực nén hít thở ngày độc lập!

Nghìn lực mới bốn phương lên tới tấp

Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca...”.

Mùa thu Cách mạng tháng Tám là “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi...”. Cái hân hoan của chiến thắng vệ quốc đã đổi thay toàn bộ đời sống con người, trong đó có đời sống tinh thần và ý chí của văn nghệ sĩ “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nói “Thanh Hóa là khu một khu rừng của những tên tuổi”, trong khu rừng ấy các nhà văn đã tạo nên những tầng cây thật sum suê. Với những gương mặt nổi bật như: Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Thôi Hữu, Hồng Nguyên... họ là những cây đại thụ trong nền thơ Việt Nam. Họ đã viết nên những vần thơ được chưng cất từ máu, nước mắt, tinh thần kháng chiến quật cường và sức vươn lên mãnh liệt. Mùa thu cách mạng mở ra một tinh thần kháng chiến mới, khiến họ chẳng tiếc đời mình, chỉ có một khát khao dâng hiến cho cách mạng.

Cách mạng ùa tới, xua ngay những đam mê da diết với thứ tình yêu riêng tư, với cái buồn cô đơn của các nhà thơ Mới, để chúng ta được chứng kiến tinh thần chiến đấu quyết liệt sống mái với quân thù, chứng kiến khí thế trào dâng của cả dân tộc vụt đứng lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám. Chính điều này là động lực để các nhà thơ “nhập thế”, họ không chỉ làm thơ với khí thơ hừng hực hơi thở cuộc sống, họ còn quăng đời mình vào những nơi bom rơi, lửa đạn: “Máu chan hòa trên góc cạnh Kim Cương/ Các anh hùng tay hạ súng trường/ Rồi khẽ vuốt mồ hôi và máu/ Họ cười vang rung lớp lớp tinh cầu” (Nhớ Máu - Trần Mai Ninh).

Không chỉ có những người lính, hàng triệu người dân đã gọi tên “Những khẩu hiệu trong đêm”: “Nhưng... đêm đêm vẫn về/ Lành lạnh ánh trăng suông/ Dân chúng vẫn âm thầm chiến đấu/ Một khẩu hiệu/ Một lòng tin/ Đôi giọt máu/ Căm hờn” (Hồng Nguyên).

Trong những câu thơ đầy căm hờn, nghĩa khí của những nhà văn, đồng thời là người chiến sĩ, chúng ta dễ nhận ra nét tính cách của người xứ Thanh, hào phóng và ngang tàng. Cuộc đời Trần Mai Ninh là một chuỗi những dấn thân tranh đấu hào hùng, quyết liệt của một trí thức yêu nước. Đọc “Nhớ máu” với những câu thơ như:

“Ơi cái gió Tuy Hòa

Cái gió chuyên cần

Và phóng túng

Gió đi ngang, đi dọc

Gió trẻ lại - lưng chừng

Gió nghỉ

Gió cười

Gió reo lên lồng lộng

Tôi đã thấy lòng tôi dậy

Rồi đây

- Còn mấy bước tới Nha Trang

- A, gần lắm

Ta gần máu

Ta gần Người

Ta gần quyết liệt”.

Nếu không phải là người lãng mạn, hào sảng, ngang tàng có lẽ chẳng thể viết nổi những câu thơ ấy. “Ông bước vào thi đàn Việt Nam như một ngọn gió, một ngọn gió không khoan nhượng, tự do, dữ dội và vô tư như... gió”. Chẳng thế mà nhà thơ Văn Cao khi nhắc đến Trần Mai Ninh đã khẳng định “chỉ với hai bài Tình sông núi và Nhớ máu thôi, ông đã là ngôi sao sáng chói trên thi đàn cách mạng Việt Nam”.

Tham gia cách mạng trước tháng Tám năm 1945 trong phong trào mặt trận bình dân, nhà thơ Hữu Loan đã kinh qua rất nhiều vai trò trong kháng chiến chống Pháp ở Thanh Hóa. Nhà thơ Anh Chi trong bài viết “Hành trình thơ Hữu Loan” (Tạp chí Nhà văn, số 9-2003 khẳng định: “Lúc viết Đèo Cả, Hữu Loan chưa biết bài thơ đầu tay của ông là bài thơ đầu tiên của một thời kỳ thi ca mới. Thơ ca thời kỳ trước đó có nhiều tài năng lớn với những sáng tạo đáng tự hào cho nền thơ ca nước Việt Nam mà lịch sử văn hóa gọi là thơ mới nhưng cảm hứng chủ đạo của nó là buồn, hoặc bi phẫn hoặc bất đắc chí. Đèo Cả là thứ thơ khác hẳn”.

“Sau mỗi lần thắng

Những người trấn Đèo Cả

Về bên suối đánh cờ

Người hái rau rừng

Ăn nheo mắt

Người vá áo

Thiếu kim mài sắt

Người đập mảnh chai

Vênh cằm cạo râu

Suối mang bóng người

Soi những về đâu?”.

Để có được tinh thần an nhiên ấy, hẳn không chỉ riêng Hữu Loan, mà mỗi người dân nước Việt này đều tin rằng “Gian nguy lòng không nhạt/ Căm thù trăm năm xa/ Máu thiêng sôi dào dạt/ Từ nguồn thiêng ông cha”.

Song, trong những hiểm nguy ấy, người nghệ sĩ vẫn rất lãng mạn. Là lòng người lãng mạn hay chỉ tại mùa thu? Thôi Hữu trong bài thơ Tuổi 26, có viết: “Nhớ mùa thu năm ấy. Gặp em trên đường đời/ Yêu em lòng phơi phới...” và để 26 năm sau “Và một chiều nắng thu tươi/ Bên sông anh rảo bước/ Bỗng gặp em chào cười. Tay em bồng con nhỏ/ Tóc em gió vờn chơi”. Cũng chính mùa thu mà nhiều người mẹ nhìn những đứa con không do mình dứt ruột đẻ ra, thậm chí “chưa quen nhau, nhưng đã thấy thương nhiều”. Bởi ở đó là “Tình đất nước, ôi sao mà thấm thía!/ Trong sân ga nắng chiều sao tươi quá/ Vàng mênh mông cờ đỏ bỗng lên cao/ Màu máu tô rực ánh ban chiều”.

Nhà văn Đặng Thai Mai trong bài viết “Kháng chiến và văn hóa” khẳng định: “Văn học là một phương tiện thích hợp nhất cho sự truyền bá tư tưởng. Thời kỳ kháng chiến yêu cầu các nhà văn những lời tin tưởng bạo dạn, cương quyết để cám dỗ, để an ủi, để hướng dẫn các năng lực của dân tộc trên con đường tranh đấu”.

Hình ảnh anh vệ quốc quân sau năm 1945 đến anh giải phóng quân sau năm 1960 luôn là một hình ảnh đẹp và thiêng liêng: “Ở đây bản vắng rừng u tối/ Bộ đội mang gieo ánh chói lòa/ Ở đây đường ngập bùn phân cũ/ Xẻng cuốc khua vang điệu dựng nhà/ Ở đây những mặt buồn như đất/ Bộ đội cười lên tươi như hoa” (Lên Cấm Sơn - Thôi Hữu). Tình cảm quân dân như cá với nước, cũng bởi “Có mối tình nào cao hơn thế nữa/ Nói bằng súng, bằng gươm sáng rền/ Có mối tình nào cao hơn/ Tổ quốc” (Tình sông núi - Trần Mai Ninh).

Có thể khẳng định, Cách mạng tháng Tám đã giải phóng năng lượng tinh thần của cả một dân tộc, và các nhà thơ đã thu hút được cái năng lượng kỳ diệu đó. Từ ánh sáng của Cách mạng tháng Tám, một thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Pháp đã ra đời với những câu thơ sáng hơn cả bó đuốc rực rỡ. “Mới đổi tên từ tháng Tám/ Những làng Việt Nam/ Đang thay tập quán.../ Điệu dân ca giết Tây/ Dặt dìu/ Trên ruộng cày” (Những làng đi qua - Hữu Loan), đã thêm một lần nữa khẳng định vai trò của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đối với dân tộc Việt Nam.

77 năm đã đi qua, âm vang mùa thu cách mạng vẫn hiện hữu trên những câu thơ, bài thơ của những nhà thơ mặc áo lính khiến chúng ta ngày hôm nay, khi đọc lại vẫn chung cảm xúc hừng hực khí thế cách mạng và hơn hết là lòng tự hào về quê hương đất nước mình thật anh dũng và kiên cường.

Bài và ảnh: Kiều Huyền


Bài và ảnh: Kiều Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]