(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, tiếng khèn của Hơ Pó Dinh cất lên tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn vang khiến người nghe cảm nhận mùa xuân đang chạm khẽ. Cùng với tiếng khèn là tiếng chày giã bánh dày rộn rã để rồi những ngày tết, bánh dày được con cháu dâng lên tổ tiên, cảm tạ trời đất cho lúa, ngô đầy nhà, gia đình khỏe mạnh.

Âm vang tiếng khèn Mông nơi đại ngàn

Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ, tiếng khèn của Hơ Pó Dinh cất lên tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn vang khiến người nghe cảm nhận mùa xuân đang chạm khẽ. Cùng với tiếng khèn là tiếng chày giã bánh dày rộn rã để rồi những ngày tết, bánh dày được con cháu dâng lên tổ tiên, cảm tạ trời đất cho lúa, ngô đầy nhà, gia đình khỏe mạnh.

Âm vang tiếng khèn Mông nơi đại ngànAnh Hơ Pó Dinh, bản Na Tao, xã Pù Nhi là người biết thổi khèn và làm khèn Mông, góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Ảnh: Ngọc Huấn

Cây khèn - “báu vật” của đồng bào Mông

Cây khèn - một trong những nhạc cụ độc đáo gắn với sinh hoạt văn hóa, đời sống, tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Khèn được cất lên trong những ngày hội, ngày xuân và cũng được thổi trong đám tang để bày tỏ lòng thương xót, luyến tiếc rồi dẫn lối đưa linh hồn người chết đến nơi “thần tiên”. Với đồng bào Mông ở Mường Lát, tiếng khèn chính là âm thanh của cuộc sống giữa đại ngàn, là linh hồn của người Mông, mang đậm nét văn hóa. Vì vậy, người Mông quan niệm giữ được tiếng khèn Mông là giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Pù Nhi là xã vùng cao biên giới, có 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm hơn 70%. Hơ Pó Dinh ở bản Na Tao là một trong những người được biết đến thổi khèn hay, múa khèn giỏi ở Pù Nhi. Con đường đất độc đạo độ 1 cây số từ trung tâm vào đội 3 khúc khuỷu, chỉ đủ chiếc xe máy đi lọt, chiếc còn lại đi ngược chiều phải dừng lại, nép sát vào lề đường. Nhà của Hơ Pó Dinh cheo leo bên sườn đồi, trước mặt là khu ruộng bậc thang. Ngôi nhà mang nét đặc trưng của đồng bào Mông. Giữa gian nhà là bàn thờ gia tiên và bên cạnh là chiếc khèn treo ngay ngắn trên vách.

Hơ Pó Dinh có khuôn mặt và giọng nói đậm chất của người đàn ông dân tộc Mông. 18 tuổi anh bắt đầu học cách thổi khèn. Nhưng đến năm 39 tuổi anh mới có “duyên” với làm khèn. Trong quan niệm của đồng bào Mông, khèn được xem là vật thiêng mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần. Chàng trai Mông nào cũng có thể học cách thổi khèn, múa khèn điêu luyện nhưng không phải ai cũng làm được khèn. Ở Pù Nhi chỉ có vài người biết làm khèn, ngoài anh Dinh còn có ông Lâu Ngọc Pó B, bản Pha Đén. Anh chỉ cho tôi cấu tạo của cây khèn và cách làm nên nó. Thoạt nhìn cây khèn với 6 ống khèn có độ dài khác nhau sắp xếp song song với thân khèn chừng đơn giản nhưng Pó Dinh nói, để làm nên cây khèn cần sự khéo léo, kiên nhẫn, tỉ mỉ. Không phải cây khèn nào cũng thổi hay được. Để làm thân khèn phải tìm được loại cây không mối mọt như pơ mu hoặc cây gỗ thuộc họ thông. Sau khi tìm được loại gỗ thích hợp sẽ tạo hình cho khúc gỗ thành thân khèn (bầu khèn), rồi chia đôi thân khèn thành hai nửa bằng nhau và khoét rỗng. Để gắn lại hai mảnh thân khèn cũng là trang trí khèn cho đẹp, anh vào rừng tìm loại vỏ cây đào rừng màu đen đem về phơi khô, cắt miếng. Khèn buộc bằng vỏ cây đào vừa chắc, vừa đẹp. Bộ phận phối khí của cây khèn là 6 ống khèn được làm bằng nứa, có độ dài khác nhau sắp xếp song song với thân khèn. Sau khi lấy nứa ở rừng về phải để thời gian chờ nứa khô lại mới làm ống khèn. Trên mỗi ống khèn chỉ đục một lỗ. Độ cao thấp, vang ngân của khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưới đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ ra sao. Trong chiếc khèn Mông, thì bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng nằm bên trong các ống khèn. Hoàn chỉnh một chiếc khèn từ 3 đến 5 ngày. Làm khèn Mông không khó, nhưng để có khèn hay, đạt chuẩn âm thanh khi thổi thì ngoài việc tỉ mỉ, khéo léo, người làm khèn phải để tình yêu, thích thú với khèn thấm vào tim. Hồi mới bắt đầu làm khèn anh cũng đã từng thất bại, sau nhiều lần chỉnh sửa, rút kinh nghiệm thì cây khèn ngày càng hoàn chỉnh, âm thanh vang chuẩn. Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Mông trong bản mà người từ các bản khác cũng tìm đến đặt mua khèn của anh.

Tiếng khèn gọi mùa xuân về…

Giữa đại ngàn bao la hùng vĩ của núi rừng, tiếng khèn của Hơ Pó Dinh cất lên tha thiết, lúc trầm bổng, lúc rộn ràng khiến người nghe cảm thấy chộn rộn, cảm nhận mùa xuân đang chạm khẽ. Hơ Pó Dinh vừa dứt tiếng khèn, anh bộc bạch rằng: "ở Pù Nhi, người am hiểu về khèn Mông có ông Lầu Minh Pó bản Pù Toong (nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát); ông Lâu Văn Chứ cũng ở bản Pù Toong là người múa khèn hay; ở bản Cặt, xã Nhi Sơn còn có thầy giáo Sung Văn Chu rất am hiểu về khèn.

Âm vang tiếng khèn Mông nơi đại ngànAnh Hơ Pó Ma, bản Cơm, xã Pù Nhi, Mường Lát là người am hiểu khèn. Ảnh: Hoàng Đông

Để hiểu thêm về tiếng khèn trong cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi tìm gặp anh Hơ Pó Ma (42 tuổi) ở bản Cơm, xã Pù Nhi. 12 tuổi Hơ Pó Ma đã biết thổi khèn thành thạo, đến nay anh còn là người thợ sửa khèn Mông. Trong bản Cơm giờ ít người biết làm khèn, sửa khèn và thổi khèn Mông, người biết thổi bài bản, đúng làn điệu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm gần đây, anh Hơ Pó Ma vẫn miệt mài việc luyện tập thổi và sửa khèn Mông để gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Lúc nhàn rỗi, anh Pó Ma lại thổi các điệu khèn Mông cho con cháu nghe và còn chỉ dạy cặn kẽ những điệu khèn truyền thống cho người trẻ trong bản có nhu cầu học.

Thầy giáo Sung Tông Pó, người duy nhất còn biết thổi khèn ở bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Từ 16 tuổi anh đã theo bố đi thổi khèn trong những dịp đám ma, đám cưới. Đến nay sau 30 năm, tiếng khèn của anh ngày càng tha thiết và da diết. 15 năm làm giáo viên tiểu học ở bản Xía Nọi, 5 năm sang dạy ở bản Mùa Xuân, ở đâu anh cũng dạy học sinh thổi khèn. Trong bất cứ hội thi văn nghệ nào, những tiết mục anh luyện cho học sinh đều được giải cao ở huyện, ở tỉnh. “Chỉ nghĩ đến ngày nào đó, trên bản mình sẽ không còn tiếng khèn là tôi đã thấy buồn lòng. Vì thế, tôi chỉ mong mỏi các em học sinh của mình sẽ yêu tiếng khèn, điệu múa khèn như yêu chính con người mình và văn hóa tộc người Mông”.

Vào những ngày xuân, trong mỗi nếp nhà của đồng bào Mông lại rộn rã tiếng chày giã bánh dày để vào những ngày tết con cháu dâng lên tổ tiên, cảm tạ trời đất cho lúa, ngô đầy bồ, gia đình khỏe mạnh. Bên hiên nhà hoa đào, hoa mận bung nở tinh khiết. Trong không khí ngày xuân, bà con vui chơi thăm hỏi, cầu chúc cho nhau năm mới khỏe mạnh, bình an. Trên những bãi đất trống hoặc sân nhà văn hóa, đàn ông Mông vừa thổi khèn, vừa múa khèn với những động tác vừa khỏe khoắn, vừa dẻo dai. Các cô gái xúng xính trong những bộ váy hoa sặc sỡ cùng nhau múa hát, đôi má ửng hồng. Qua tiếng khèn Mông, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống thường ngày, ca ngợi quê hương, đất nước; tiếng khèn còn là lời tự tình của đôi trai gái. Vào những ngày xuân, tiếng khèn Mông cất lên nơi đại ngàn Mường Lát hay Quan Sơn, Quan Hóa… như lời mời gọi thân tình, cho núi rừng tràn căng sức sống, cho bản làng thêm say.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]