(vhds.baothanhhoa.vn) - Qua 3 ngày diễn ra (từ 25 đến 27-7),Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022 đã chính thức khép lại. Với các tiết mục trình diễn đặc sắc, độc đáo, Liên hoan đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Qua 3 ngày diễn ra (từ 25 đến 27-7),Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022 đã chính thức khép lại. Với các tiết mục trình diễn đặc sắc, độc đáo, Liên hoan đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Các chàng trai, cô gái mang đến Liên hoan những bộ trang phục đặc sắc của dân tộc mình.

Được tổ chức tại TP Sầm Sơn và huyện Quảng Xương, Liên hoan quy tụ các nghệ nhân dân gian, diễn viên, nhạc công tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng đến từ 26 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các đoàn nghệ thuật đã mang đến liên hoan 25 trích đoạn nghi thức sinh hoạt văn hoá, trò chơi, trò diễn dân gian; 90 bộ trang phục dân tộc truyền thống, 65 tiết mục văn nghệ dân gian mang bản sắc các dân tộc.

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Đây cũng là dịp để các bạn trẻ giới thiệu trang phục của dân tộc mình đến bạn bè trong tỉnh.

Tạo nên ấn tượng cho liên hoan là những âm thanh huyền diệu của tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng cồng chiêng; hay những điệu múa uyển chuyển của các chàng trai, cô gái Thái, Mường, Kinh… đến những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của các dân tộc anh em trong tỉnh... Tất cả đã được các nghệ nhân, diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật quần chúng tái hiện lại một cách sinh động và chân thực. Các tiết mục đều được các đơn vị dàn dựng công phu, nội dung gần gũi với cuộc sống của đồng bào mình, ca ngợi tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, tình yêu đôi lứa. Có những tiết mục được kết tinh từ lòng đam mê, tinh thần gắn bó với nghệ thuật truyền thống…

Trong đó, phải kể đến như: Diễn tấu cồng chiêng (Cẩm Thuỷ), lễ đón dâu của dân tộc Thái trắng (Thường Xuân), trò diễn dân gian cà kheo (TP Sầm Sơn), tấu khèn Mông "Xuân trên dẻo cao” (Quan Sơn), hò sông Mã (Hà Trung), lễ hội mùa xuân (Mường Lát)… Tất cả đã mang đến cho khán giả một bức tranh rực rỡ sắc màu, thể hiện cô đọng những nét đặc sắc, riêng có, mang đậm bản sắc của các dân tộc, các vùng miền, địa phương.

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc của huyện Hà Trung.

Nghệ nhân cồng chiêng Phạm Di Ưng (Bá Thước) chia sẻ: “Đến với Liên hoan, chúng tôi mang đến các tiết mục đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện, như: hoà tấu nhạc cụ dân tộc, múa Thái, trích lễ hội “Poồn Poông” của người Mường. Để tạo dấu ấn trong lòng người xem, các nghệ nhân, diễn viên trên địa bàn huyện đã luyện tập rất tích cực. Các tiết mục cũng được chúng tôi dàn dựng rất công phu, tỉ mỉ. Việc tham gia liên hoan có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong kết nối, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi có điều kiện giao lưu, học hỏi, thắt chặt thêm tình đoàn kết các dân tộc trong địa bàn tỉnh. Từ đó, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Tiết mục múa “Poồn Poông” của huyện Ngọc Lặc.

Nội dung trình diễn trang phục truyền thống đã tạo điểm nhấn cho liên hoan và ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Mỗi trang phục mang nét đặc trưng riêng của từng dân tộc.

Em Lê Mai Anh (Mường Lát), diễn viên tham gia trình diễn trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia liên hoan. Đến với liên hoan em muốn giới thiệu với bạn bè và du khách trang phục của dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Điều này giúp em hiểu hơn về nét văn hóa của dân tộc, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của dân tộc mình".

Ấn tượng Liên hoan Văn hoá dân tộc lần thứ XIX và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hoá năm 2022

Ca khúc về chủ đề cách mạng được thể hiện sinh động.

Trong suốt những ngày diễn ra Liên hoan, từ đêm khai mạc, tối nào chị Hương (TP Sầm Sơn) cũng đến để xem các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn. Chị Hương chia sẻ: “Liên hoan đã thực sự mang đến cho người xem những tiết mục văn hóa đặc sắc. Các tiết mục đã thể hiện sinh động những phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tôi mong sẽ mong có nhiều chương trình như thế này để mọi người được xem và hiểu hơn về bản sắc văn hóa các dân tộc”.

Thông qua Liên hoan, giá trị văn hoá dân gian còn tiềm ẩn trong đời sống của đồng bào các dân tộc đã được phục dựng, tái hiện lên một mức cao hơn, đó là đưa văn hoá từ cuộc sống đời thường lên sân khấu. Qua đó, khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hoá truyền thống qua thời gian và không gian, trong sự giao thoa và biến đổi. Văn hoá không chỉ là bản sắc quý giá của các dân tộc, mà còn là tài nguyên du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, Liên hoan cũng là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy bản sắc, giới thiệu những nét đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến với khán giả. Đây cũng là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, diễn viên; góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, giáo dục lòng tự hào dân tộc đến thế hệ trẻ và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]