(vhds.baothanhhoa.vn) - Không rực rỡ sâu lắng như sơn mài, không sang quý hiện đại như sơn dầu, lụa là một nét duyên thầm, vừa nhẹ nhàng mơ màng mà sâu lắng và sáng trong. Lụa dễ thu hút ánh nhìn của phụ nữ yêu truyền thống, trong đó có nữ họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc.

Ấn tượng tranh lụa của Nguyễn Thị Ngọc

Không rực rỡ sâu lắng như sơn mài, không sang quý hiện đại như sơn dầu, lụa là một nét duyên thầm, vừa nhẹ nhàng mơ màng mà sâu lắng và sáng trong. Lụa dễ thu hút ánh nhìn của phụ nữ yêu truyền thống, trong đó có nữ họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc.

Ấn tượng tranh lụa của Nguyễn Thị Ngọc

Từ hơn nửa thế kỷ trước, tranh lụa đã ghi dấu trong nền hội họa dân tộc với những tên tuổi của thế hệ các họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Dĩ vãng vàng son ấy, với những “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh, “Mẹ con” của Nguyễn Thụ, “Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ” của Mộng Bích... Giờ đây, không nhiều người dám vẽ lụa, đặc biệt là người trẻ. Người ta hay nói đùa là tranh lụa đã đến thời kỳ suy tàn.

Khi tranh thị trường với chất liệu sơn dầu hay acrylic lên ngôi một phần vì dễ ra lò, nhanh bán được tranh và dễ điều khiển, bắt mắt và tươi tắn về màu sắc, thì người nghệ sĩ trong cơ chế thị trường đôi khi đau đớn từ bỏ đam mê vì lo miếng cơm manh áo. Thật ngạc nhiên, trong sự vận động xô bồ của thị trường tranh hiện nay lại xuất hiện những họa sĩ trẻ tìm về với chất liệu lụa. Nguyễn Thị Ngọc là một trong số rất ít họa sĩ ở xứ Thanh tìm đến lụa và vẽ tranh lụa.

Chị là thành viên của Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn Thanh Hóa, là hội viên Ban Mỹ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Tuổi đời và tuổi nghề chưa nhiều, hằng ngày chị vẫn đi dạy học. Cơ duyên nào khiến chị có một niềm yêu mến với tranh lụa, với nghệ thuật hội họa. Phải chăng đó là tâm thức của một người có tâm hồn nghệ sĩ và niềm yêu thương dân tộc?

Ấn tượng tranh lụa của Nguyễn Thị Ngọc

Trong những lần tiếp xúc với Nguyễn Thị Ngọc, người ta thấy ở chị sự tươi trẻ, đôi khi pha chút hồn nhiên, lạc quan, yêu đời, yêu người nhưng sâu thẳm ấy là sự dịu dàng, kín đáo của một người họa sĩ khiêm tốn, luôn luôn học hỏi và tự học.

Ngắm nhìn tác phẩm của Nguyễn Thị Ngọc, cảm giác chị hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên và con người miền Tây xứ Thanh, cái vùng cao mà ai đã từng đến đều cảm thấy rung động, xao xuyến. Những bức tranh miêu tả những dãy núi xa mờ ảo màu lam trắng, thẫm chút nữa là màu tím buồn. Tại sao chị lại đưa các màu yêu thương ấy vào khung cảnh mơ màng đến nao lòng của miền biên viễn. Màu tím trong tranh của Nguyễn Thị Ngọc buồn nhưng không ủy mị, mà trong sáng, sang trọng và hào sảng.

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều phụ nữ dân tộc, nhưng những người đàn bà Mường xứ Thanh có sự cuốn hút một cách kỳ lạ. Người ta không vồn vã mà kín đáo, sự ân cần hiếu khách và cái niềm chăm chỉ làm lụng phụng sự chồng con đủ thấy vẻ đẹp sơn cước. Vì thế, xem tranh Nguyễn Thị Ngọc vẽ người chị, người mẹ, những bà mế thật yêu, thật dịu dàng và thơ mộng.

Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Trước đây, tôi hay vẽ những người phụ nữ trong tà áo dài Việt, nhưng những năm gần đây, sau các chuyến đi thực tế miền núi Thanh Hóa (Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước,…) tôi bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của những người phụ nữ Thái, Mường. Vẻ đẹp ấy càng trở nên thu hút khi họ đi làm nương, đi chợ phiên, giữa khung cảnh bao la, hùng vĩ và bí ẩn của đại ngàn. Để thể hiện những điều đó, đòi hỏi người họa sĩ phải hiểu rõ hoạt động trong đời sống hàng ngày, những tâm tư của phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngày nay, xã hội đã tiến bộ, nhất là ở Việt Nam, vai trò của người phụ nữ đã bình đẳng với nam giới, chính vì vậy, đời sống của chị em phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng đã trở nên vui tươi, sinh động, ý nghĩa hơn trước rất nhiều. Để thể hiện vẻ đẹp vui tươi và sinh động ấy, người họa sĩ cần nắm bắt và thể hiện được ý nghĩa tinh thần hứng khởi, xây dựng được một bố cục vừa vững vàng về cấu trúc vừa vui tươi và linh hoạt và màu sắc tươi tắn, trong trẻo, như chính vẻ đẹp của người phụ nữ vậy”.

Khi được hỏi, tại sao lựa chọn chất liệu này, họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc cho biết: "Trong nghệ thuật Hội họa Việt Nam hiện đại, chất liệu lụa có từ lâu đời và được nhiều họa sĩ lựa chọn. Có những họa sĩ đã sử dụng lụa như một chất liệu lâu bền cho cả sự nghiệp sáng tác của mình. Riêng ở Thanh Hóa hiện nay, trong số các nữ họa sĩ hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa, đa số lựa chọn các chất liệu thuộc lĩnh vực đồ họa và đã đạt được những thành công, góp phần làm nên những thang bậc mới trong mỹ thuật Thanh Hóa. Với cá nhân tôi, từ khi bắt đầu học vẽ, đến nay, tôi yêu thích chất liệu lụa, mê lụa và hợp với lụa. Có lẽ là do tôi cũng mềm yếu như lụa. Khi nhìn vào những bức tranh lụa tôi có cảm giác nhẹ nhàng thư thái, thấy an toàn và ấm áp vô cùng”.

Ấn tượng tranh lụa của Nguyễn Thị Ngọc

Nếu như các bà mế dân tộc có kỹ thuật nhuộm vải bằng chất liệu cỏ cây trong nước nóng, rồi bôi sáp để tạo hoa văn, thì người họa sĩ cũng phải có sự hiểu biết về kỹ thuật và sự cần mẫn chăm chỉ tạo nên những tác phẩm đẹp và có giá trị. Vẽ lụa không nhanh như sơn dầu hay acrylic, lụa phải vẽ (nhuộm) nhiều lần, để cho màu trong nhất, mịn nhất có thể. Để đạt được điều đó, họa sĩ phải đưa màu vào tấm lụa sao cho vừa thấm rồi đợi chờ hết lớp này đến lớp khác, đến khi sợi lụa óng thấm đủ màu, đủ độ, đưa vào nước giặt không bị phai, là hoàn thành. Cái sự thấm đẫm đó rất mất thời gian đòi hỏi người vẽ phải kiên trì và phải rung động, để màu trong veo đến mơ màng... Xem tranh của Nguyễn Thị Ngọc ta thấy những mảng màu và đường viền được thể hiện thật nhẹ nhàng, cảm giác như không chủ định mà hòa hợp. Những vệt đậm trên váy của mỗi nhân vật là sự khéo léo có tính toán. Từng nhịp điệu lên xuống, xoay vòng, đổi chiều, độ loang của màu, của các vệt bút làm cho người xem có cảm giác thật xao động...

Xem tranh của chị người ta không thể ngờ chủ nhân là cô giáo Mỹ thuật Trường Tiểu học Hàm Rồng (TP Thanh Hóa). Cái mềm mại của lụa, của tranh Nguyễn Thị Ngọc thì có lẽ ai cũng mê. Tranh lụa yêu cầu vẽ mềm mại, uyển chuyển mà lại không sến súa; màu sắc tươi thắm nhưng không “bờ hồ”, mơ màng như người ham chơi. Nhưng là cuộc chơi vất vả và ám ảnh. Sự chơi đó suy cho cùng là tình yêu, là thương mến, là hoài niệm. Nguyễn Thị Ngọc là một họa sĩ như thế!

Nhưng để trở thành một cá tính sáng tạo, thiết nghĩ chính Ngọc phải bứt phá khỏi bản thân mình. Người yêu tranh lụa chờ đợi được thưởng những tác phẩm mới của Nguyễn Thị Ngọc ở một cách nhìn khác trong bút pháp phóng khoáng và tạo hình hiện đại, với những đề tài táo bạo hơn.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]