(vhds.baothanhhoa.vn) - Bá Thước là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Do vậy, trong định hướng phát triển thời gian tới, địa phương chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng gắn với du lịch. Từ đó, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách.

Bá Thước hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Bá Thước là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú. Do vậy, trong định hướng phát triển thời gian tới, địa phương chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử và bản sắc văn hóa đặc trưng gắn với du lịch. Từ đó, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách.

Bá Thước hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Nhiều khách du lịch chọn Pù Luông (Bá Thước) là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng.

Bá Thước có diện tích tự nhiên là 77.757 ha, chiếm phần đa là rừng núi, với hệ sinh thái đa dạng và khí hậu tương đối ôn hòa. Đây được xem là điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng núi. Bá Thước có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 47,5%, dân tộc Thái chiếm 37,5%. Điều đáng nói là nhiều thôn, bản người Thái, người Mường còn giữ được không gian văn hóa vùng đặc trưng tộc người. Đây cũng là điều kiện cho việc xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Để từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng xây dựng các quy hoạch 1/2000 Khu du lịch Son - Bá - Mười, Khu du lịch thác Hiêu, Khu du lịch thác Muốn; quy hoạch 1/500 điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Đôn (xã Thành Lâm) và bản Kho Mường (xã Thành Sơn). Đặc biệt, năm 2019, bản Đôn (xã Thành Lâm); bản Kho Mường, bản Báng (xã Thành Sơn); thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đã được UBND tỉnh công nhận là khu, điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Qua đó, góp phần thu hút khách du lịch đến với Bá Thước trong giai đoạn 2015-2020 đạt khoảng 280 nghìn lượt người (trong đó khách quốc tế chiếm 30%).

Mặc dù vậy, so với tiềm năng sẵn có thì lượng khách trên vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới, huyện Bá Thước xác định trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng núi, góp phần tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, Khu du lịch sinh thái Pù Luông trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, huyện Bá Thước đã xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch tiềm năng theo hướng chuyên nghiệp, mang đậm đà bản sắc vùng núi Bá Thước. Cụ thể là phát triển sản phẩm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với hình thức nghỉ dưỡng tiện nghi, đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kết hợp với các hoạt động khám phá Pù Luông, như khám phá cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; leo núi chinh phục đỉnh Pù Luông, trekking, Marathon băng rừng Pù Luông, khám phá các hang động; trải nghiệm đời sống văn hóa, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái, Mường... Cùng với đó, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch chèo thuyền trên lòng hồ Thủy điện Bá Thước II, hồ Duồng Cốc khám phá thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, kết hợp tham quan các điểm du lịch thác Hiêu, xã Cổ Lũng; thác Muốn, xã Điền Quang; hang Cá Thần Mường Ký, xã Văn Nho...

Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch văn hóa, thời gian tới huyện Bá Thước sẽ dành nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nhằm xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa - tâm linh. Trong đó có việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử đền thờ Quận công Hà Công Thái, xã Điền Trung; hang Cổ Sinh làng Tráng, thị trấn Cành Nàng; Di tích lịch sử đồn và sân bay Cổ Lũng, xã Cổ Lũng; Nhà phủ Mường Khoòng, xã Cổ Lũng; Di tích khảo cổ học Mái Đá Điều, xã Hạ Trung; đền thờ Tư Mã Hai Đào, xã Điền Quang... Đồng thời, tổ chức các lễ hội Mường Khô cấp Mường hàng năm và cấp huyện định kỳ; giải đua thuyền nằm trong khuôn khổ lễ hội Mường Khô cấp huyện trên lòng hồ thủy điện Bá Thước II; lễ hội Mường Khoòng tại cụm Quốc Thành; triển khai dự án bảo tồn làng văn hóa Thái tại làng Tôm, xã Ban Công và văn hóa Mường tại làng Côn, xã Ái Thượng; thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân ca, dân vũ truyền thống tại các thôn, bản...

Ngoài ra, để bổ trợ cho du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh, huyện Bá Thước sẽ chú trọng khai thác và phát huy giá trị các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp địa phương. Cụ thể là khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, đan lát... để tạo ra các mặt hàng lưu niệm tại các xã Lũng Niêm, Thành Lâm, Thành Sơn. Phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền từ nông nghiệp để cung cấp cho các khu nghỉ dưỡng và phục vụ du khách tham quan, mua sắm. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng khu bán hàng lưu niệm, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương tại các điểm du lịch...

Nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch, thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Trong đó, chú trọng xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng tại bản Kho Mường, xã Thành Sơn (duy tu, nâng cấp đoạn đường chính vào bản Kho Mường; cải tạo, chỉnh trang hệ thống đường nội bộ trong bản; cải tạo nâng cấp nhà văn hóa Kho Mường; hoàn thiện kiến trúc, cảnh quan bản Kho Mường). Xây dựng biểu tượng du lịch cộng đồng Pù Luông tại bản Tôm, xã Ban Công. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, điện, nước, trung tâm điều hành, nhà đón tiếp khách, bãi đỗ xe... tại điểm du lịch bản Hiêu, xã Cổ Lũng; thác Muốn, xã Điền Quang; bản Đôn, xã Thành Lâm.

Cùng với đó, địa phương cũng tranh thủ các nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch có quy mô tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch, nhất là các dự án khả thi như Pù luông Retreat, Pù Luông ECO Garden, Bản Sắc Việt, Pù Luông Natura... Nâng cấp các homestay đạt tiêu chuẩn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông theo quy hoạch, hướng du khách tới các điểm đến nổi bật như bản Hiêu, xã Cổ Lũng; bản Đôn, xã Thành Lâm; bản Kho Mường, bản Báng, xã Thành Sơn... Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa đưa Khu du lịch Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao) vào danh sách cần thu hút đầu tư của tỉnh.

Ngoài ra, thời gian tới, huyện sẽ tập trung các nguồn lực mở rộng, nâng cấp tuyến đường 521C, 521B; đường giao thông từ xã Lũng Niêm đi xã Thành Sơn; xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại chợ Phố Đoàn, xã Lũng Niêm; khảo sát, xây dựng kế hoạch khai thác du lịch bến thuyền trên lòng hồ thủy điện Bá Thước II. Đồng thời, huy động các nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác để nâng cấp đường giao thông nội bộ, hệ thống điện nước, nhà văn hóa, nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại các bản du lịch cộng đồng.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]