(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây không chỉ là văn kiện pháp lý quan trọng, khẳng định quyền tự do, bình đẳng của dân tộc mà còn là thời khắc lịch sử của cả dân tộc Việt Nam.

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” và những sử liệu sống động

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây không chỉ là văn kiện pháp lý quan trọng, khẳng định quyền tự do, bình đẳng của dân tộc mà còn là thời khắc lịch sử của cả dân tộc Việt Nam.

“Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” và những sử liệu sống động

Viết về “Tuyên ngôn Độc lập” một văn bản chính luận đã có nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu phân tích từng nội dung, giá trị lớn lao và ý nghĩa thời đại. Tuy nhiên, “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập” của tác giả Kiều Mai Sơn (NXB Kim Đồng, 2021) đã tập trung dựng lại thời điểm lịch sử ngắn ngủi nhưng rất quan trọng trong Cách mạng tháng Tám 1945, thời điểm Bác Hồ viết bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

150 trang viết là sự dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu để Kiều Mai Sơn có được những thông tin chi tiết về bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và hoàn thiện. Trong đó có sử dụng tư liệu hồi ký của những người được sống, làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Câu chuyện được Kiều Mai Sơn gợi nhắc đầu tiên là ngọn sóng mới Tân Trào, nơi thủ đô gió ngàn của 6 tỉnh Khu giải phóng. “Từ đầu nguồn Pác Bó, giữa tháng 5 năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã băng rừng, vượt suối, về với Tân Trào, chọn vùng đất này làm đại bản doanh chỉ đạo các lực lượng cách mạng trên đà tiến tới Tổng khởi nghĩa khi thời cơ nghìn năm có một đang đến gần. Tân Trào trở thành vùng thánh địa với tên gọi giản dị: “chiến khu”. Ở nơi chiến khu, các tổ chức đoàn thể lần lượt ra đời và những gương mặt các đại biểu lần lượt lên Tân Trào. Đó là Nguyễn Chí Thanh, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Thi, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận, Vũ Đình Hòe... “Tân Trào những ngày tháng Tám năm 1945 đông vui và nhộn nhịp như những ngày hội”, là thế.

Ở nơi đó, hầu hết các đại biểu mong mỏi thiết tha nhất là được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Và sự xuất hiện của “một ông già gầy ốm, da xanh nhợt, má hơi hóp. Tuy vậy, vầng trán cao và đôi mắt sáng vẫn nổi bật lên”; “cụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc chứ không ai khác”.

Nhớ lại cái thuở ban đầu ấy, sau này, ông Vũ Đình Huỳnh trong hồi ký của mình có viết: “Trước khi lên đại hội Tân Trào, tôi chưa được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc lần nào. Nhưng từ lâu rồi, và không riêng đối với tôi, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhân vật thần thoại, ngọn cờ của cách mạng Việt Nam”. Ông Trần Huy Liệu ghi lại cảm xúc: “Tôi nhớ và nhớ mãi không bao giờ quên được là khi nói đến dân tộc ta không thể trở lại làm nô lệ một lần nữa, tôi vừa phát biểu vừa khóc nấc lên. Đây cũng là một kỷ niệm sâu sắc đối với tôi, lần đầu tiên gặp mặt, lần đầu tiên được thảo luận với Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Sau Đại hội Quốc dân Tân Trào là sự ra đời của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu với 15 thành viên, tin tức về Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền ngày 19-8-1945 và vua Bảo Đại đánh điện mời đại biểu chính phủ lâm thời vào Huế để nhận thoái vị. Hình ảnh vua Bảo Đại hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và chiếc ấn hình vuông đã đánh dấu ngày 30-8-1945, “nước Việt Nam đã trở nên nước dân chủ cộng hòa, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tân Trào về Hà Nội và Chính phủ lâm thời được thành lập. “Bác và Thường vụ trao đổi về một việc hệ trọng cần bắt tay vào làm ngay: thảo bản Tuyên ngôn Độc lập” (Những năm tháng không thể nào quên, Võ Nguyên Giáp). “Theo sự phân công của Ban Thường vụ, Bác dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập” (Hồi tưởng, Trường Chinh).

Địa điểm dự thảo “Tuyên ngôn Độc lập” chính là ở gác hai nhà số 48 Hàng Ngang, “trong căn buồng nhỏ thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm, nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường của Hà Nội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. “Bác thường trao đổi ý kiến với chúng tôi, đọc cho chúng tôi nghe, yêu cầu chúng tôi bổ sung hoặc sửa chữa... Những ý kiến chúng tôi đóng góp được Bác chấp nhận. Cách làm việc của Bác là một bài học lớn chúng tôi không bao giờ quên” (Trường Chinh); “Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoá­­­i nhất của Người” (Võ Nguyên Giáp). Bởi bản tuyên ngôn “sẽ được đọc không phải chỉ để đồng bào cả nước ta nghe, mà còn cho cả Chính phủ Pháp và Nhân dân Pháp, cho cả các nước đồng minh nghe” (Vũ Đình Hòe ghi lại).

“Mới từ 12 giờ trưa những nẻo đường vào vườn hoa Ba Đình, nơi được chọn để cử hành lễ “Ngày Độc lập” đã cuồn cuộn những dòng người chảy đến”. Tác giả Kiều Mai Sơn đã dựng lại toàn bộ lễ Tuyên ngôn Độc lập, đặc biệt thời khắc 15h30 ngày 2-9-1945 toàn thể quốc dân dưới đài đều đồng thanh cất tiếng hoan hô như sấm vang trong một sự nhiệt liệt, say sưa chưa bao giờ thấy tuyên thệ.

Qua cuốn sách “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, với lối viết mạch lạc và xâu chuỗi các sử liệu giúp bạn đọc thấy rõ tư duy nhất quán của Bác trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước - quá trình thống nhất và bền bỉ từ “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” (1919) và “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925) đến khi chấp bút viết “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta. “Tuyên ngôn Độc lập” sau đó đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp... để công bố với toàn thế giới về việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Đọc những dòng cuối cùng của cuốn sách: “Để giữ vững nền tự do và độc lập mới giành được, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ phải cùng một lúc đối mặt với 3 loại giặc: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nhưng với sự chèo lái tài tình của người thuyền trưởng Hồ Chí Minh, con thuyền cách mạng Việt Nam dù gặp phong ba bão tố, tròng trành giữa biển cả thời đại, đã lần lượt vượt qua mọi sóng gió để rồi đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác...”, ta thấy, lựa chọn tìm hiểu một vấn đề không mới, đó là sự dũng cảm của tác giả thế hệ 8X, và hơn hết độc giả thấy được thái độ trân trọng lịch sử, nghiêm túc trong nghiên cứu.

Đúng như lời của thư ký Vũ Kỳ: “Thật là kỳ diệu. Cách mạng là một sự kỳ diệu. Và chính Người, từ Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, đã cùng với toàn dân làm nên điều kỳ diệu đó”. Những ngày này, chúng ta như sống trong không khí ngày Quốc khánh của 77 năm về trước, tưng bừng màu đỏ, bát ngát cờ, đèn và hoa, nghe lại bản “Tuyên ngôn Độc lập”, ta càng thêm kính yêu Người, không chỉ “Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” mà chính Bác Hồ đã đánh dấu sự kiêu hãnh của cái tên Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]