(vhds.baothanhhoa.vn) - Dân ca dân vũ được ví như những viên ngọc sáng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh. Tuy nhiên, trải qua những biến động lịch sử và gián đoạn thời gian, nhiều loại hình dân ca dân vũ đặc sắc không tránh khỏi việc bị mai một. Để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn và mỗi địa phương, còn là câu chuyện say mê “giữ lửa” của những nghệ nhân dân gian.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Khôi phục và “giữ lửa”

Dân ca dân vũ được ví như những viên ngọc sáng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể xứ Thanh. Tuy nhiên, trải qua những biến động lịch sử và gián đoạn thời gian, nhiều loại hình dân ca dân vũ đặc sắc không tránh khỏi việc bị mai một. Để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ, bên cạnh sự quan tâm của các cấp, ngành chuyên môn và mỗi địa phương, còn là câu chuyện say mê “giữ lửa” của những nghệ nhân dân gian.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Khôi phục và “giữ lửa”Xây dựng để dân ca dân vũ trở thành “sản phẩm” du lịch là một trong những hướng đi quan trọng cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của ông cha trao truyền lại.

Với những người yêu thích Ngũ trò Viên Khê - Dân ca dân vũ Đông Anh, hẳn không còn xa lạ với chị Lê Thị Cảnh, người làng Viên Khê, xã Đông Anh (nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn). Ở tuổi 51 nhưng chị Cảnh đã có tới 35 năm tham gia khôi phục, biểu diễn và truyền dạy loại hình dân ca dân vũ đặc sắc của cha ông.

Chị Lê Thị Cảnh tâm sự: “Sinh ra và lớn lên ở xã Đông Anh - cái nôi của Ngũ trò Viên Khê, có lẽ vì thế mà cái chất dân ca như “dòng máu” chảy trong tôi. Từ khi còn nhỏ, dù lễ hội nghè Sâm không còn được tổ chức, nhưng tôi vẫn được nghe người lớn hát, rồi dạy cho diễn trò. May mắn hơn, tôi có mẹ chồng là một con trò có tiếng trong vùng truyền dạy. Ngoài thời gian lao động, lúc rảnh rỗi vợ chồng tôi và các thành viên trong gia đình lại cùng nhau hát, diễn trò. Đến hôm nay, trong đại gia đình tôi, từ mẹ chồng là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Cốc đến các con, cháu có không dưới 20 người biết hát và diễn trò. Vì thế, trong những chương trình, tiết mục của địa phương, người trong xã vẫn thấy thành viên trong gia đình tôi tham gia nhiệt tình”.

Cùng với việc thường xuyên tham gia biểu diễn, chị Lê Thị Cảnh còn được biết đến là người nhiệt tình truyền dạy Ngũ trò Viên Khê cho người dân ở trong và ngoài địa phương. Chị chia sẻ: “Di sản văn hóa cha ông như “mạch ngầm” chảy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, được tham gia truyền dạy Ngũ trò Viên Khê đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ là điều tôi thực sự hạnh phúc. Bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu, học tôi luôn sẵn lòng chỉ dạy. Nhiều người chưa hiểu nói tôi “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, điều đó không quan trọng, chỉ cần được góp một phần công sức để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cha ông là điều hạnh phúc với tôi. Học hát và diễn Ngũ trò Viên Khê không khó, nhưng để diễn đúng bài, có chiều sâu, toát lên được cái “hồn” của di sản thì không dễ, đòi hỏi cả người truyền dạy và người học đều phải thực sự say mê”.

Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ: Khôi phục và “giữ lửa”Ở Đông Khê, gia đình chị Lê Thị Cảnh được người dân quý mến bởi những đóng góp cho khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị Ngũ trò Viên Khê.

Dù lưu truyền trong dân gian nhưng trò Xuân Phả lại được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và nhìn nhận đó là “vang bóng của điệu múa chư hầu lai triều” nhằm ca ngợi đức Vua Lê Thái tổ, ca ngợi chiến thắng giặc Minh xâm lược. Dẫu vậy, trò diễn đặc sắc cũng không tránh khỏi một thời gian dài bị mai một. Và trong hành trình khôi phục lại trò diễn, Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Hùng (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) được ghi nhận là một trong những người có nhiều đóng góp. Để đến hôm nay, sau hơn 30 năm khôi phục, trò diễn Xuân Phả đã thực sự “sống” dậy, được nhiều người dân ở trong và ngoài tỉnh biết đến, như câu ca còn lưu truyền trên quê hương trò diễn: “Được ăn bánh giò không bằng được coi trò Xuân Phả” (còn gọi là trò Láng). Tuy nhiên, với trách nhiệm của người nghệ nhân say mê với việc giữ lửa di sản, nghệ nhân Bùi Văn Hùng trăn trở: “Để di sản có thể sống “khỏe” trong thời đại hiện nay, ngoài việc tìm được những thế hệ “hạt nhân” kế cận thực sự say mê di sản, thì câu chuyện “kiếm tiền từ di sản” là vô cùng quan trọng”.

Là một trong những “hạt nhân” quan trọng trong các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị hò sông Mã trên địa bàn huyện Hà Trung, chị Trần Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ca trù và hò sông Mã thị trấn Hà Trung, chia sẻ: “Nhắc đến xứ Thanh nhớ đến hò sông Mã, nhắc đến hò sông Mã nhớ đến Hà Trung. Là nơi có sông Lèn chảy qua, từ xa xưa Hà Trung đã được biết đến là “cái nôi” của hò sông Mã. Từ bến chợ Chiềng (đầu cầu sông Lèn thuộc thị trấn Hà Trung) thuyền rời bến ngược sông Mã lên Cẩm Thủy và quay trở về. Trên khúc sông này, đã chứng kiến sự “tỏa sáng” của biết bao người chống đò chuyên nghiệp - cũng đồng thời là nghệ nhân hò sông Mã, họ có tên và không tên, nhưng tất cả đều đã góp phần làm nên sự hoàn hảo của hò sông Mã đến ngày hôm nay. Như nhiều di sản văn hóa phi vật thể, hò sông Mã trên địa bàn huyện Hà Trung có giai đoạn dài bị mai một. Năm 2007, với mong muốn khôi phục, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa hò sông Mã, CLB ca trù và hò sông Mã đã được thành lập. Tuy nhiên, khôi phục, bảo tồn hò sông Mã vốn đã khó, duy trì, phát huy giá trị di sản còn khó hơn. Trong đó, câu chuyện về kinh phí hoạt động và hỗ trợ nghệ nhân có vai trò quan trọng”.

Đánh giá về những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân vũ hiện nay, ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL thẳng thắn: “Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương, cùng sự nỗ lực của người dân ở những nơi có di sản, việc khôi phục, bảo tồn giá trị dân ca, dân vũ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, như: nguồn vốn đầu tư cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa còn khá hạn chế, chủ yếu vẫn trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa trong Nhân dân và doanh nghiệp còn thấp dẫn đến điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thiết chế văn hóa nghệ thuật, CLB còn thiếu thốn; mức sống của người dân - chủ thể của các loại hình dân ca dân vũ chưa cao. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa có kế hoạch hiệu quả gắn bảo tồn dân ca, dân vũ với việc tạo sinh kế bền vững cho người dân”.

Với góc nhìn của người am hiểu về dân ca dân vũ, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải cho rằng: “Một trong những hướng đi cho việc bảo tồn - phát huy giá trị dân ca, dân vũ bền vững là phải gắn với phát triển du lịch. Đây là cách làm hiệu quả của nhiều quốc gia trên thế giới và ngay trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia. Tại Việt Nam, nhiều địa phương cũng đã làm rất tốt. Vấn đề là phải tạo ra được những “sản phẩm” dân ca dân vũ thực sự chất lượng, đủ sức hấp dẫn, chứ không thể làm theo kiểu nửa vời, hời hợt”.

Bài và ảnh: Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]