(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Thanh Hóa đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đưa nhiều thôn, làng trở thành những vùng quê đáng sống.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới

Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngoài nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Thanh Hóa đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đưa nhiều thôn, làng trở thành những vùng quê đáng sống.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mớiBiểu diễn Ngũ trò Viên Khê tại Ngày hội Du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019. Ảnh: Tư liệu

Độc đáo Trò Xuân Phả và Ngũ trò Viên Khê

Đây là hai trong số nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh Thanh Hóa được bảo tồn, phát huy mạnh mẽ trong quá trình xây dựng NTM. Trò Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2016. Ngũ trò Viên Khê, xã Đông Khê (Đông Sơn) được công nhận năm 2017. Trong Ngày hội Du lịch quốc tế Thanh Hóa 2019, hai di sản văn hóa này đã được biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước. Các diễn viên là nghệ nhân không chuyên đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng bạn bè và du khách...

Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Thọ Xuân và huyện Đông Sơn đã dành kinh phí khuyến khích phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: mua sắm trang phục, đạo cụ, phục dựng, truyền dạy... Nét độc đáo của trò Xuân Phả là mỗi trò đều có cách biểu diễn và hóa trang khác nhau, nhưng các động tác đều phóng khoáng, khỏe khoắn, hấp dẫn. Các trò thường được biểu diễn hàng năm phục vụ hội làng, Lễ hội Lam Kinh, các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh...

Ngũ trò Viên Khê (múa đèn Đông Anh) được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Nghệ thuật trình diễn của trò có 12 tích trò phong phú, hấp dẫn với nhiều lớp văn hóa cổ, liên quan đến lịch sản xuất nông nghiệp lúa nước. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác mềm mại, uyển chuyển...

Tôn lên nét đẹp văn hóa làng

Thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, đến nay Thanh Hóa đã có 8 đơn vị cấp huyện, 330 xã, 869 thôn bản đạt chuẩn NTM; 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã, 85 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,57 tiêu chí/xã... Trong quá trình xây dựng NTM, Thanh Hóa luôn chú trọng thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, làm mục tiêu phấn đấu giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làm nền tảng văn hóa tinh thần, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, quá trình thực hiện các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh đều căn cứ vào đặc thù của địa phương mình thông qua các hội làng, lễ hội..., để khơi dậy và phát huy sức mạnh nội tại. Các huyện miền núi đã phục dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Thái, Mường, Dao, như: múa Pôồn Pôông, khua luống, kéo co, nhảy sạp... Các huyện đồng bằng, ven biển bảo tồn được nét đẹp văn hóa làng, thông qua phục dựng các thiết chế văn hóa: đình làng, cổng làng, giếng làng, lễ hội;... Những con đường được mở rộng đã có thêm các loại cây hoa phù hợp; nhiều nơi còn có bức họa làng quê, tôn lên nét đẹp văn hóa làng.

Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể cũng đã được phục dựng trong quá trình xây dựng NTM, như: hát nhà trò Văn Trinh, trò diễn Tú Huần, múa Quân thuyền, lễ hội bơi chèo chải, đánh cờ người (Quảng Xương); múa Sanh ngô, Hội trống quân (Hoằng Hóa)...

Đức Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]