(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trải qua thời gian, không ít loại hình văn nghệ dân gian dần mai một. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các làng văn hóa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân gian (Kỳ cuối): Cần thêm cơ chế

(VH&ĐS) Trải qua thời gian, không ít loại hình văn nghệ dân gian dần mai một. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong các làng văn hóa cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Cách phát huy vốn văn hóa dân gian

Trong số những trò chơi, trò diễn dân gian được khôi phục, gìn giữ phải kể đến công sức của những nghệ nhân dân gian, những người nắm giữ tinh hoa văn hóa của làng và truyền lửa niềm đam mê cho các thế hệ mai sau.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng, xã Xuân Trường (Thọ Xuân) - người có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trò Xuân Phả trong cộng đồng dân cư - chia sẻ: “Bảnthân là người được các cụ truyền dạy và nắm giữ nét văn hóa đặc sắc của địa phương, nếu tôi không làm hết trách nhiệm thì sẽ có lỗi rất lớn với tổ tiên. Xác định rõ trách nhiệm của mình, tôi thường xuyên trăn trở tìm mọi cách để tổ chức các hoạt động này ngày càng phong phú”.

Cũng như trò Xuân Phả, nhiều trò chơi, trò diễn khác trên địa bàn tỉnh cũng có thời gian dài lắng xuống và có nguy cơ bị mai một. Nhờ việc tổ chức sinh hoạt theo định kỳ và gắn các hoạt động truyền thống của thôn/làng mà nhiều địa phương đã khôi phục và bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian một cách có hiệu quả. Đông Anh là một trong những địa phương điển hình. Hiện nay cả 7/7 làng trong xã đều có đội văn nghệ. Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Anh cho biết: Sau khi có Đề án hỗ trợ 200 triệu để khôi phục các trò diễn Đông Anh trong giai đoạn 2005 - 2008, xã đã giao cho các thôn/làng đảm nhiệm khôi phục từ 1 - 2 trò. Để phát huy vốn văn hóa dân gian, hằng năm xã đều tổ chức các hội thi, hội diễn của phụ nữ, nông dân, các hội trại hè, tiếng hát người cao tuổi… vào những ngày lễ, tết của làng, của địa phương và đã thu hút đông đảo người dân tham gia.

Cùng với sự quan tâm của tỉnh, của huyện bằng các cơ chế khuyến khích, đến nay không chỉ có trò Xuân Phả, trò diễn Đông Anh mà còn có nhiều vốn văn hóa dân gian ở các làng, xã trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và ngày càng phát huy có hiệu quả.

Và những trăn trở

Khôi phục đã khó nhưng để duy trì hoạt động thường xuyên của các trò diễn dân gian thực sự không phải là điều đơn giản. Ông Đoàn Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với các trò diễn dân gian, đó là mua sắm trang phục, đạo cụ đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất lớn, trong khi nguồn kinh phí của các địa phương còn hạn hẹp.

Hiện nay xã Hoằng Quỳ có CLB chèo cổ và CLB tuồng cổ, các CLB này thường xuyên phục vụ các nhiệm vụ chính trị của làng, của địa phương cũng như của huyện. Mặc dù được sự hỗ trợ của huyện để duy trì hoạt động của CLB là 5 triệu đồng/năm, nhưng chỉ tính riêng tiền chi cho thuê trang phục cũng tốn khoảng 2 triệu đồng để tham gia một hội thi, hội diễn, chưa nói đến việc bồi dưỡng, hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia.

Xung quanh vấn đề kinh phí hoạt động, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Anh cho biết: Trước đây khi còn đề án, có kinh phí hỗ trợ người dân còn hào hứng tham gia. Hiện nay do khó khăn về kinh phí nên hoạt động của các đội văn nghệ cũng cầm chừng.

Qua tìm hiểu tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, được biết vấn đề trẻ hóa nghệ nhân là nỗi trăn trở lớn nhất. Hiện nay, việc truyền thụ văn hóa truyền thống ở các địa phương chủ yếu nhờ vào các nghệ nhân dân gian và đa số họ thuộc lớp người cao tuổi, một số nghệ nhân đang ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Họ đến với nghệ thuật truyền thống bằng niềm đam mê nhưng chưa có sự đãi ngộ đúng mức để động viên khích lệ, lại thêm tuổi cao, sức yếu nên hoạt động truyền dạy còn hạn chế.

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với những sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài tràn vào đã đặt ra những thách thức lớn trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân gian trong các làng văn hóa. Để khắc phục những khó khăn, thách thức này rất cần sự quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, đặc biệt là có cơ chế quan tâm đến đội ngũ những hạt nhân văn nghệ quần chúng, qua đó để cuốn hút người dân hiểu, yêu hơn các loại hình văn hóa dân gian và cùng nhau chung tay bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian ngày càng có hiệu quả.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]