(vhds.baothanhhoa.vn) - Di sản văn hoá là tài sản quý giá của dân tộc, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà, góp phần “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn

Di sản văn hoá là tài sản quý giá của dân tộc, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là việc làm quan trọng và cần thiết trong công cuộc kiến thiết nước nhà, góp phần “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Nghi Sơn

Đền thờ Đào Duy Từ thuộc phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn

Thị xã Nghi Sơn mới thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Tĩnh Gia, nằm ở ven biển phía Nam của tỉnh Thanh Hóa, có hệ thống di sản văn hóa đa dạng và phong phú. Theo thống kê đến thời điểm tháng 1-2021, toàn thị xã có 248 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh với 32 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 3 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 29 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 216 địa điểm di tích đã được UBND thị xã phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa tỉnh kiểm kê lập danh sách đề nghị UBND tỉnh đưa vào danh mục cần bảo vệ.

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của thị xã đối với xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, là cơ sở quan trọng để khai thác phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU, ngày 22-3-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, đô thị hoá, giai đoạn 2018-2025, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo, xây dựng các kế hoạch hành động để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết. Từ đó, xóa bỏ các phong tụ tập quán lạc hậu, thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh; góp phần nâng cao nhận thức, lòng tự hào của mỗi người dân về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương; quảng bá hình ảnh về đất và người thị xã Nghi Sơn với bạn bè trong và ngoài tỉnh, trong nước và quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thị xã vẫn còn những hạn chế, đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể ở một số xã, phường trong việc tuyên truyền và thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU chưa thường xuyên và kịp thời. Việc thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa thực sự hiệu quả. Còn chậm trong hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích. Công tác sưu tầm, phục dựng di sản văn hóa phi vật thể chưa được quan tâm đúng mức, có nguy cơ bị thất truyền. Vẫn còn tình trạng di tích bị xâm phạm gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. Một số ban quản lý di tích được thành lập nhưng còn hình thức, chưa xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chưa xây dựng được bảng giới thiệu và nội quy hoạt động…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định là do công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thật sự đồng bộ và thường xuyên; công tác quản lý nhà nước còn thiếu tính chủ động; đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hoá từ thị xã đến cơ sở chưa đảm bảo về số lượng, một bộ phận công chức chưa được đào tạo bài bản; chưa chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền; đầu tư cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển văn hoá trong tình hình mới, khả năng huy động nguồn lực xã hội hóa còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, từng bước nâng hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, trong thời gian tới thị xã Nghi Sơn cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Phát huy năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong toàn thị xã để thường xuyên có những chỉ đạo phù hợp, hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Chủ động và sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ trong quản lý nhà nước về văn hóa từ thị xã đến cơ sở; xác định rõ thẩm quyền quản lý di sản văn hóa, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Đây là giải pháp cụ thể với nhiều nội dung cần chú trọng giải quyết, như: Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý hành chính nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng hoạt động của các ban quản lý di tích; tiến hành khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ các loại hình di sản; lập quy hoạch di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa gắn với du lịch. Kết hợp du lịch biển và du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái cộng đồng với các hoạt động chủ yếu như tổ chức thường niên các lễ hội, giới thiệu với du khách đến tham quan về truyền thống lịch sử văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương.

Cùng với đó cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa ; nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào; chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng; quan tâm đến chế độ đãi ngộ, tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm chuyển biến từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Nhiệm vụ này cần được thực hiện phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức như: trao đổi trực tiếp, truyền thanh, trực quan, xuất bản ấn phẩm, tổ chức biểu diễn tiểu phẩm trong các chương trình văn nghệ; dành kinh phí và thực hiện xã hội hóa để công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và đạt chất lượng cao.

Về đầu tư nguồn lực cần ưu tiên cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh phục hồi, tổ chức các lễ hội; hỗ trợ dạy nghề, khôi phục và xây dựng các làng nghề truyền thống nhằm phục vụ du khách và tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư ở địa phương; vận động các doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị xã hỗ trợ tài chính để thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa.

Thực tế đã minh chứng di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực phát triển ngành du lịch nhờ vào sự gia tăng số lượng khách tham quan, đem đến những lợi ích kinh tế và góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, của đất nước. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Nghi Sơn nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ths. Lê Minh Nguyệt

(Trường Chính trị tỉnh)


Ths. Lê Minh Nguyệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]