(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo ở nhiều vùng quê đã thực sự thay đổi. Cùng với kinh tế phát triển, đường sá khang trang, thì những bức bích họa xuất hiện cũng thêm phần điểm tô cho bức tranh làng quê nông thôn. Và bích họa đang trở thành phong trào phổ biến ở nhiều địa phương.

Bích họa trên tường

Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo ở nhiều vùng quê đã thực sự thay đổi. Cùng với kinh tế phát triển, đường sá khang trang, thì những bức bích họa xuất hiện cũng thêm phần điểm tô cho bức tranh làng quê nông thôn. Và bích họa đang trở thành phong trào phổ biến ở nhiều địa phương.

Bích họa trên tường

Bích họa làm diện mạo thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) thêm đẹp.

Thôn kiểu mẫu Thành Nam ở xã nông thôn mới kiểu mẫu Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) như đẹp hơn nhờ những bức bích họa. Dưới tán dừa xanh soi bóng xuống ao làng, phong cảnh làng quê nông thôn, học trò đi học, thầy đồ dạy chữ... tạo nên không gian làng quê yên bình, còn biểu đạt cho truyền thống hiếu học của người dân địa phương khiến không chỉ người dân trong thôn mà ngay cả khách ghé thăm cũng ấn tượng và thích thú. Để có không gian - cảnh sắc thực sự hài hòa, tươi đẹp ấy những bức bích họa có lẽ đã được chọn vẽ có chủ đích.

Thôn Thành Nam chỉ là một trong số nhiều thôn, xã trên địa bàn cả tỉnh được điểm tô bởi những bức bích họa. Trên những bức tường, bích họa với nhiều nội dung, màu sắc ngoài trang trí còn có thể mang những “thông điệp” khác nhau.

Tuy vậy, bên cạnh những bức bích họa đẹp, phong trào bích họa ở các vùng quê hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, không hiếm những bức bích họa khiến người nhìn phải cảm thán! Nếu gọi đó là tác phẩm nghệ thuật, thì có lẽ đó là tác phẩm nghệ thuật “lỗi”. Nét vẽ nham nhở, nội dung chắp vá, màu sắc lòe loẹt và hoàn toàn không ăn nhập với không gian sống. Nhiều người tự hỏi, những bức bích họa lỗi ấy được vẽ lên nhằm mục đích gì? Nếu để trang trí, nó đã hoàn toàn phản tác dụng. Thậm chí có người thẳng thắn và gay gắt gọi tên đó là sự “xúc phạm” thẩm mĩ người nhìn.

Chưa kể, bích họa ở nhiều nơi hiện nay đang được thể hiện khá tùy tiện. Nếu ai đã có dịp về làng Cự Đà, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) hẳn vẫn ấn tượng với không gian cây đa, giếng nước, mái đình, hồ nước ở ngay đầu làng. Cảnh sắc mộc mạc và bình yên. Mới đây, những bức bích họa đã được vẽ thêm ở con đường vào làng. Sẽ không có gì đáng nói, nếu người ta không vẽ thêm cả bức bích họa cỡ lớn nhiều màu sắc lên toàn bộ “lưng” đình làng?

Có một điều dễ nhận ra, phong trào bích họa đang lan rộng ở nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu - bích họa trên tường đang được ngầm hiểu như “một phần” của nông thôn mới. Thực tế ở không ít nơi, cứ về thôn, xã điểm về xây dựng nông thôn mới, chắc chắn sẽ thấy có bích họa trên tường. Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Tường Vân, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quảng Xương cho biết: “Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu không có tiêu chí về bích họa, cũng không có văn bản, chỉ đạo nào về việc phải có bích họa. Là các địa phương trong quá trình tham quan đã học tập lẫn nhau. Bích họa vẽ trên tường về cơ bản mang mục đích tốt. Nhưng nó phải được lãnh đạo các địa phương nhận thức đúng để định hướng cho người dân. Bởi không phải cứ tranh vẽ trên tường, màu sắc lòe loẹt là đẹp. Bích họa phải phù hợp với không gian, cảnh quan và nếu truyền tải được cả nội dung, thông điệp nữa lại càng tốt, có như vậy bích họa mới mang ý nghĩa".

Bích họa trên tường

Một “sản phẩm” bích họa có nhiều ý kiến trái chiều.

Nói về bích họa, họa sĩ Lê Hải Anh, Phó Chủ nhiệm CLB họa sĩ trẻ Lam Sơn cho biết: “Bích họa - hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là dùng kỹ thuật để trực tiếp vẽ tranh cỡ lớn trên tường, trần nhà. Và hiểu theo nghĩa của từ Hán Việt thì bích họa chính là tranh tường. Trên thế giới, bích họa phát triển rực rỡ vào thời kỳ Phục Hưng, gắn liền với tên tuổi của nhiều danh họa nổi tiếng thời bấy giờ. Trong đó, hầu hết những danh tác bích họa giá trị vượt thời gian đều tồn tại ở các cơ sở tôn giáo (nhà thờ) ở châu Âu. Trong lịch sử hội họa thế giới, có những họa sĩ gần như dành cả cuộc đời làm nghệ thuật chỉ để hoàn thiện một bức bích họa. Cũng như vậy, không hiếm những họa sĩ để vẽ một bức bích họa phải cần đến cả năm, thậm chí cả chục năm. Nói như vậy để thấy rằng, bích họa vốn dĩ ngay từ khi ra đời đã mang tính nghệ thuật rất cao. Ở Việt Nam, bích họa cũng đã có một thời gian dài du nhập, thích nghi và biến đổi theo thị hiếu thẩm mĩ, văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, phong trào vẽ bích họa hiện nay thực sự đang có nhiều vấn đề phải bàn, cần phải được nhìn nhận và thay đổi”.

Theo đó, thật khó để gọi nhiều “sản phẩm” vẽ trên tường ở nhiều địa phương hiện nay là bích họa. Nó căn bản không có yếu tố mĩ thuật ở trong đó. Nếu như cây đa, giếng nước, sân đình là “biểu tượng” của làng quê truyền thống Việt Nam thì đâu phải làng nào cũng giống làng nào, bản thân mỗi làng đều có “bản sắc” riêng, vậy nhưng các bức bích họa “cây đa, giếng nước, sân đình” hiện nay lại cơ bản học theo, giống nhau; chưa kể có những bức tranh phong cảnh ở góc độ chuyên môn hoàn toàn “phi lo gic”, ngô nghê... Cái sai từ người này sang người khác, từ làng này sang làng khác, xã này sang xã khác...

Đó là xét về mặt nội dung, còn về nghệ thuật - kỹ thuật vẽ, rất khó tìm thấy ở các bức bích họa yếu tố nghệ thuật, sự sáng tạo của người vẽ. Điều này cũng xuất phát từ sự dễ dãi, hời hợt của nhiều người có vẻ “biết vẽ” hiện nay. Nhưng quan trọng hơn, còn là sự nhận thức về thẩm mĩ của nhiều lãnh đạo ở các địa phương. Vẽ ở đâu, vẽ cái gì, vẽ như thế nào đều phải có sự định hướng, nếu không hiểu có thể tham khảo những người có chuyên môn. Chứ không thể “thích gì vẽ nấy” bởi hậu quả của những bức bích họa tồi không chỉ là với một vài người mà còn là số đông. Và với sự “phổ biến” của những sản phẩm bích họa lỗi, nó có thể làm “thụt lùi” cả nhận thức về thẩm mĩ xã hội. Đây là điều rất đáng lo. Một bức bích họa nếu được vẽ đúng kỹ thuật, mang yếu tố thẩm mĩ thì dù trong điều kiện nắng, mưa khắc nghiệt vẫn có thể tồn tại cả chục năm. Nhưng nếu ngược lại, chỉ để mang tính phong trào, đối phó thì việc vẽ tranh tường tràn lan như hiện nay mà người ta vẫn cứ gọi là bích họa đang vô tình làm “tầm thường” nghệ thuật bích họa.

Từ thực tế bích họa ở các địa phương đến chia sẻ của người có chuyên môn mỹ thuật, rõ ràng đã đến lúc phong trào này cần được nhìn lại. Nhìn lại để thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp hơn. Hãy để bích họa thực sự là những tác phẩm làm đẹp làng quê nông thôn.

Bài và ảnh: Thu Trang


Bài và ảnh: Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]