(vhds.baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chăm lo đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng của cách mạng. Tinh thần ấy thể hiện rất rõ trong cuốn: “Hồ Chí Minh về công tác cán bộ”, do NXB Thanh niên ấn hành.

Cán bộ là vấn đề hệ trọng của cách mạng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Chăm lo đào tạo, huấn luyện, sử dụng cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng của cách mạng. Tinh thần ấy thể hiện rất rõ trong cuốn: “Hồ Chí Minh về công tác cán bộ”, do NXB Thanh niên ấn hành.

Cán bộ là vấn đề hệ trọng của cách mạng

Cuốn sách đã tập hợp, tuyển chọn những bài viết, bài nói, phát biểu, thư khen của Bác Hồ về công tác cán bộ theo trật tự thời gian.

Bài đăng trên báo Cứu quốc với nhan đề: “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích” cho đến nay vẫn nguyên tính thời sự. Người đã chỉ ra rằng: “phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”. Cách khắc phục đó là: “muốn được thích hợp với tình thế cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng”, “sau khi làm xong cần phải tự mình kiểm điểm... phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Vừa kiên quyết, nhưng vẫn rất nhân văn, Người đã dặn: tự chỉ trích chính là để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót.

Trong bài viết: “Thiếu óc tổ chức - một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”, Người đặc biệt nhấn mạnh đến từ khéo: Chia công việc không khéo thành ra bao biện; có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại. “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.

Thiết nghĩ những phẩm chất, năng lực của người cán bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay vẫn cần những yếu tố như Bác Hồ căn dặn: làm việc khéo léo, có phương pháp, có óc tổ chức, chu đáo, cẩn trọng và khoa học.

Đối với việc huấn luyện cán bộ, Người đã dặn dò rất chừng mực, tinh tế: trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi. Người còn lấy một ví dụ sinh động: nếu cần đi Sài Gòn, người chỉ đường đã chỉ hướng về phía Nam, có phương hướng sẵn cứ thế mà đi, đừng đi ngược hướng, lầm đường là được. Rồi việc học, còn học mãi trong quá trình làm việc. Tóm lại, với cán bộ, Người dặn phải siêng năng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo thì “không lo gì không tiến bộ được dễ dàng”.

Trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ đã dặn dò rất cẩn trọng về mối quan hệ giữa Nhân dân với cán bộ. Đó là "phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Thanh khiết chính mình, thanh khiết trong mối quan hệ với đồng chí mình, trong công việc, với đoàn thể - phải chăng là chìa khóa để xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như lời nhắn nhủ của Bác Hồ kính yêu?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ cần kiên quyết tẩy sạch: địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm, ích kỷ, hủ hóa. Đó cũng là điều kiện để cách mạng chắc chắn đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Nơi nào có cán bộ tốt, thì nơi đó, vùng đó hoạt động như một bộ máy, và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng thì vùng đó như đang ngủ say.

Làm sao để dân tin, dân phục, dân yêu? Trong bài viết cán bộ và đời sống mới, Bác Hồ đã chỉ rõ: cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới, nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành điều đó, muốn được lòng dân như bắc giây leo trời.

Cũng theo Người, “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là phải đi đến hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân. Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ.” Do vậy, chống chủ nghĩa cá nhân chỉ còn cách trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao tinh thần, trách nhiệm.

Với tinh thần phấn khởi như mùa xuân, nhiệt tình như ánh nắng, mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động nước nhà cần bồi dưỡng cho mình: ý thức làm chủ và tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa, với quan điểm tất cả phục vụ sản xuất, với ý thức cần kiệm xây dựng nước nhà và tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu mệnh lệnh, tham ô lãng phí, bảo thủ rụt rè. Những lời Người căn dặn năm 1961 cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Mùa xuân nào cũng là mùa xuân đầu tiên trong một năm, ánh nắng nào cũng mới mẻ tinh khôi của một ngày mới. Hãy phấn khởi như mùa xuân và nhiệt tình như ánh nắng để bồi dưỡng tâm, trí, lực cho mình, nếu hiểu được như vậy, ắt hẳn Người luôn ở trong ta, và lòng ta luôn sáng trong khi có Người ở bên.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]