(vhds.baothanhhoa.vn) - Là cầu nối tri thức, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tuy nhiên do nhiều yếu tố đến nay hoạt động của thư viện tuyến huyện vẫn chưa phát huy hết vai trò.

Cần có biện pháp để gỡ khó cho hoạt động thư viện tuyến huyện

Là cầu nối tri thức, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, tuy nhiên do nhiều yếu tố đến nay hoạt động của thư viện tuyến huyện vẫn chưa phát huy hết vai trò.

Cần có biện pháp để gỡ khó cho hoạt động thư viện tuyến huyện

Cán bộ thư viện huyện Triệu Sơn kiểm tra, lau chùi sách báo. Ảnh Trung Lê

Thanh Hóa có 27 thư viện huyện, tuy nhiên nhiều thư viện hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả như thư viện huyện Quan Hóa, Mường Lát, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Ngọc Lặc…

Theo thống kê, hàng năm có khoảng 500.000 - 700.000 bản sách luân chuyển xuống thư viện các huyện, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp cộng thêm cơ sở vật chất xuống cấp, hệ thống thư viện huyện chưa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, số sách này chưa phát huy hiệu quả.

Về cơ bản, nhiều thư viện hạ tầng cơ sở nghèo nàn, trang thiết bị thiếu thốn. Hệ thống máy tính, giá sách, bàn ghế, ánh sáng… chưa đảm bảo. Nhiều cán bộ quản lý thư viện trình độ chuyên môn hạn chế, kiêm nhiệm nhiều vị trí dẫn đến khó phát huy hiệu quả.

Chị Phạm Thị Thắm, cán bộ quản lý Thư viện huyện Bá Thước cho biết do sử dụng đã lâu đến nay cơ sở vật chất thư viện không đảm bảo, hiện chỉ có 6 giá sách gỗ mục nát, hệ thống ánh sáng không đủ tiêu chuẩn. Đáng nói nữa là Thư viện không có máy tính để bạn đọc truy cập.

Chị Thắm cũng cho biết, thư viện không cấp thẻ độc giả, những người đến đây chủ yếu là học sinh, cán bộ hưu trí, họ đến chỉ mượn sách về nhà.

Cần có biện pháp để gỡ khó cho hoạt động thư viện tuyến huyện

Cơ sở vật chất tại thư viện huyện Lang Chánh ngày một xuống cấp. Ảnh Trung Lê

Tương tự, Thư viện huyện Lang Chánh nằm trong khu nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp. Theo lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, cái khó lớn nhất hiện nay là kinh phí hàng năm cấp chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động của thư viện, trong khi cơ sở vật chất ngày một xuống cấp.

Chị Trịnh Thị Trang, cán bộ thư viện huyện Triệu Sơn chia sẻ: “Trước đây thư viện nằm trong khuôn viên Trung tâm hội nghị huyện, cuối năm 2019 huyện có chủ trương xây hội trường mới, thư viện được chuyển sang trụ sở của Đài Truyền thanh huyện.

Do ở tạm nên cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, hệ thống ánh sáng, bàn ghế, giá sách được trang bị từ lâu nên bị hư hỏng nặng…

Ông Đỗ Hữu Cương, Giám đốc thư viện tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Hiện nay kinh phí hoạt động của thư viện huyện rất hạn hẹp, hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị tại đây đã xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Việc bổ sung sách, báo hàng năm và tổ chức các hoạt động nâng cao văn hóa đọc là không lớn".

Cũng theo Giám đốc Thư viện tỉnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống thư viện tuyến huyện, bên cạnh việc phát huy vai trò văn hóa đọc trong cộng đồng, thư viện các huyện cần phối hợp với cơ quan, Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã tổ chức “Đại sứ văn hóa đọc tại cơ sở”; UBND các huyện, thị xã cần có cơ chế đặc thù quan tâm hơn nữa đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của thư viện tuyến huyện.

Theo ông, UBND các huyện cần cấp đủ nguồn kinh phí như Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua năm 2012, giúp thư viện huyện có thêm kinh phí hoạt động.

Thư viện đóng vai trò giúp người dân tiếp cận tri thức, góp phần nâng cao dân trí. Việc các thư viện huyện không đảm bảo các điều kiện phục vụ sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]