(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong hàng ngũ tướng lĩnh kiệt xuất của vương triều Trần góp phần tạo nên nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330) được biết đến như một vị danh tướng đa tài và độc đáo bậc nhất. Không chỉ có tài năng quân sự, ông còn là người tinh thông nhiều thứ tiếng nước ngoài, phong tục, tập tục các vùng đất.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật: Vị tướng đa tài

Trong hàng ngũ tướng lĩnh kiệt xuất của vương triều Trần góp phần tạo nên nhiều chiến công lừng lẫy trong lịch sử dân tộc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (1255 - 1330) được biết đến như một vị danh tướng đa tài và độc đáo bậc nhất. Không chỉ có tài năng quân sự, ông còn là người tinh thông nhiều thứ tiếng nước ngoài, phong tục, tập tục các vùng đất.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật: Vị tướng đa tài

Hát nhà trò Văn Trinh ở đền thờ Trần Nhật Duật. (Ảnh cơ sở cung cấp)

Là con trai thứ sáu của vua Trần Thái Tông, sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, và “Đại Việt sử ký toàn thư” đều chép về sự ra đời của Hoàng tử Trần Nhật Duật với dung mạo khác thường, trên tay có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Vì thế mà về sau ông được phong vương là “Chiêu Văn” vào năm 12 tuổi, một trong những tước vương trẻ nhất của vương triều Trần.

Cuộc đời vị tướng này là một chuỗi những sự “khác thường”. Nhiều câu chuyện đến nay được kể lại đều để muốn khẳng định cả lúc làm tướng chiến trường lẫn lúc làm quan triều đình ông đều xử sự linh hoạt, mềm mỏng không giống người có quyền lực gần như chỉ sau vua. Ông còn là người biết dành thời gian cho một con người khác của mình: yêu thích âm nhạc, sáng tác nhiều bản nhạc, tham gia tổ chức và diễn xướng âm nhạc.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét về Trần Nhật Duật: “Ông là bậc thân vương tôn quý, trải quan bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, ở nhà không ngày nào không mở cuộc chèo hát, bày trò chơi, mà không ai cho là say đắm, so với Quách Tử Nghi tột cùng xa xỉ mà không ai chê, ông cũng gần được như thế” (Đại Việt Sử Ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên, Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, NXB Văn học, 2009, trang 368).

Nói về vai trò của một vị tướng, Trần Nhật Duật luôn mềm mỏng, tinh tế thể hiện sự hiểu biết về khoa học quân sự. Đầu năm 1284, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt sai Trấn Nam vương Thoát Hoan chia quân làm ba đạo xâm lược Đại Việt. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trấn thủ lộ Tuyên Quang buộc phải lui binh. Khi xuôi dòng sông Chảy, ông cho rằng: “Truy kích thì phải nhanh, nay chúng lại đi thong thả, sợ có quân phía trước đón chặn”. Sau đó, Chiêu Văn vương sai người đi do thám, quả nhiên thấy người Nguyên đã cho quân chặn ngang ở Hạ Lưu, lúc đó, ông mới đưa quân lên bộ và rút lui an toàn khỏi Yên Bái.

Đây cũng là sự mở đầu để tiếng hô Thát Sát vang lên từ đó là chiến công lừng lẫy của hai trận đánh ở cửa Hàm Tử và bến Chương Dương trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 mà ông là tổng chỉ huy. Chiến thắng Hàm Tử quan được Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải lưu danh trong bài thơ bất hủ “Tụng giá hoàn kinh sư”: Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm Tử bắt quân thù/ Thái Bình nên gắng sức/ Non nước ấy nghìn thu.

Ngoài ra, Trần Nhật Duật còn là vị tướng xưa nay hiếm với sự say mê và có khả năng học nhiều ngoại ngữ. Sách sử còn kể lại, Trần Nhật Duật thường cưỡi voi đến thôn Bà Già (Hà Nội, nơi định cư của người Chiêm) để học hỏi về ngôn ngữ, văn hóa người Chiêm. Ông thường đến thăm chùa Tường Phủ đàm đạo với tăng sĩ người Tống. Ông giỏi tiếng Trung Quốc đến nỗi sứ thần Trung Quốc khăng khăng ông là người Chân Định (một vùng văn vật của Trung Quốc, gần Bắc Kinh) dù ông đã nói rõ ông là người Việt.

Dưới triều Trần Nhân tông, có lần nước Sách Mã Tích (có thể là Singapore ngày nay) sang triều cống, không ai hiểu tiếng nước này, vua phải cho gọi Trần Nhật Duật đến phiên dịch. Cũng do thông thạo nhiều thứ tiếng của dân tộc thiểu số mà Trần Nhật Duật khi mới 20 tuổi được vua cử phụ trách các vấn đề về dân tộc. Nhà vua rất thán phục, có lần nói đùa: “Chiêu Văn vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Nam”.

Đặc biệt, thái độ nhàn nhã, ra trận thong dong đôi khi đem theo cả dàn nhạc khiến quân giặc luôn nể phục và trân trọng tài năng quân sự của ông, nhất là việc dùng các đạo binh dân tộc thiểu số trong hiệp đồng tác chiến hết sức hiệu quả.

Nhìn thấy lợi thế nằm trên đường thiên lý Bắc Nam cùng hệ thống đường thủy của vùng đất Thanh Hóa, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã chọn núi Văn Trinh (ngày nay thuộc xã Quảng Hợp), ngọn núi cao nhất ở vùng đất Quảng Xương để xây dựng Phủ đệ điền trang thái ấp làm hậu cứ nhằm trấn giữ vùng đất phía Nam đất nước. Và đây cũng chính là nơi Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cùng Nhân dân trong vùng đã đón và bảo vệ an toàn cho Vua Trần Thánh tông cùng cung quyến rút lui chiến lược trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285 - 1288) để chờ đợi thời cơ tiến đánh giải phóng Thăng Long. Cũng chính nơi đây, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã nhiều lần xuất quân chiến đấu oanh liệt chống lại các cuộc tiến công của giặc Nguyên - Mông ở nhiều nơi trên đất Thanh Hóa, đã bảo vệ bình yên vùng đất này trước vó ngựa và âm mưu thôn tính của kẻ thù.

Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký toàn thư nhận định: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”. Sau chiến thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai, vua Trần đã thực hiện việc thưởng công cho quý tộc, tướng lĩnh. Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được bổ nhiệm làm Tri phủ Thanh Hóa, và vùng đất Văn Trinh đã trở thành thái ấp của riêng ông. Người đời nhận định, việc vua Trần phong vùng đất Văn Trinh cho Chiêu Văn vương làm thái ấp không đơn thuần chỉ để ông mở mang kinh tế mà sâu xa hơn cả là giao cho ông trông coi vị trí quân sự trọng yếu ở phía Nam Thanh Hóa. Và để tưởng nhớ công lao này, Nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông ở ngay sườn núi Văn Trinh. Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” chép: “Đền thờ Chiêu Văn vương ở xã Văn Trinh, huyện Ngọc Sơn. Vương nắm binh quyền, dẹp giặc giã, đã từng đến đây, có chính sách cai trị tốt, được Nhân dân cảm ơn lập đền thờ”. Về sau, nhiều triều đại phong kiến đã ghi nhận công lao và ban tặng sắc phong, tổ chức tu bổ đền thờ.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật: Vị tướng đa tài

Đền thờ Tá thánh Thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Về đền thờ Tá thánh Thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật ở xã Quảng Hợp (Quảng Xương), sau nhiều lần được tu bổ, phục dựng nay đã rất khang trang. Chính nơi này, danh tướng Trần Nhật Duật đã để lại di sản văn hóa phi vật thể Hát nhà trò Văn Trinh. Không chỉ ở Thanh Hóa, rất nhiều tỉnh thành trong cả nước ghi nhớ công ơn đã lập nhiều đền thờ ông. Tiêu biểu có Đình Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (TP Nam Định), đền Pác Tạ ở Nà Hang (Tuyên Quang)...

Tên tuổi và sự nghiệp của Thái sư Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đã góp một phần không nhỏ vào sự hưng thịnh của quốc gia Đại Việt thời Trần. Ông không chỉ thể hiện tài năng quân sự qua những trận đánh lớn có tính quyết định mà còn là người am hiểu về văn hóa - văn chương uyên bác.

Bài và ảnh: Huyền Chi


Bài và ảnh: Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]