(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê tôi Hoằng Lộc - vùng quê bình dị luôn đau đáu trong tôi nỗi nhớ nhung khắc khoải mỗi khi ai đó vô tình nhắc đến tên. Với nhiều người, Hoằng Lộc là đất học, đất khoa bảng. Với tôi, Hoằng Lộc còn là một bầu trời tuổi thơ đong đầy kỷ niệm, nơi ôm ấp, vỗ về mỗi khi gặp trở ngại, khó khăn trên những bước đường đời.

Chợ tết Đoan Ngọ quê tôi

Quê tôi Hoằng Lộc - vùng quê bình dị luôn đau đáu trong tôi nỗi nhớ nhung khắc khoải mỗi khi ai đó vô tình nhắc đến tên. Với nhiều người, Hoằng Lộc là đất học, đất khoa bảng. Với tôi, Hoằng Lộc còn là một bầu trời tuổi thơ đong đầy kỷ niệm, nơi ôm ấp, vỗ về mỗi khi gặp trở ngại, khó khăn trên những bước đường đời.

Chợ tết Đoan Ngọ quê tôi

Chợ Tết mồng 5 tháng 5 âm lịch quê tôi vẫn thường bắt đầu từ ngày mồng 4 kéo dài đến hết mồng 5.

Nơi tôi sống cách quê không xa lắm, nhưng vì công việc, nhiều khi cả vài tháng không về thăm quê. Thế nhưng trong bộn bề công việc mưu sinh, có một ngày dù bận thế nào thì tôi vẫn luôn cố gắng vun vén, thu xếp để được về quê vào dịp mồng 5 tháng 5 - Tết Đoan Ngọ.

Tôi chưa bao giờ thôi háo hức được thả mình vào phiên chợ đặc biệt của quê hương - phiên chợ Tết mùng 5. Và có lẽ, không chỉ riêng tôi, đó còn là nỗi niềm khắc khoải của bao người con Hoằng Lộc đã lớn lên từ mùi hương ngan ngát đặc trưng của những ấm chè mùng 5 từ thuở lọt lòng.

Phiên chợ đặc biệt ấy kéo dài cả ngày mồng 4 đến hết ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Mặt hàng chủ đạo và đặc trưng là những cây lá trong vườn, thậm chí là những cây dại được chặt, gom và bán thành từng ôm lớn lòa xòa những lá, những rễ, chứ không gọn gàng như mớ rau cỏ bán thường ngày. Rất nhiều loại cây mà tôi không sao nhớ được tên, nhưng mùi của nó thơm, cực kỳ đặc trưng của cây lá vườn nhà.

Phiên chợ mồng 5 tháng 5 náo nhiệt vô cùng. Người bán tràn ra đường, kéo dài cả 2 bên khu Đình Bảng, dọc đường Lộc - Quang. Các bà, các mẹ đi chợ sớm, sung sướng vì mua được đủ loại cây mình cần để về phơi làm chè. Những mẹ chậm chân hơn thì nhao nhác, thoáng chút lo lắng vì mình vẫn chưa mua đủ, hỏi quanh người nọ, người kia cây ấy bán ở đâu?!. Tôi nhớ khoảng 30 năm trước, bọn trẻ chúng tôi háo hức đi chợ Tết mồng 5 không phải vì đi mua cây về làm chè như các mẹ, mà mua lá móng về buộc móng tay chân. Những cây lá móng bán duy nhất một lần trong năm được mua về nhặt riêng phần lá, rửa sạch, giã nhỏ rồi vo lại thành từng đùm gói trong cái lá vông hay lá gai, cột vào đầu các móng tay, móng chân. Qua một đêm, gỡ lá, móng tay, chân được sơn bằng một màu đỏ tự nhiên có thể giữ màu được vài ba tháng. Sáng hôm sau đến lớp, đứa nào đứa nấy giơ tay so xem tay đứa nào đỏ hơn, đẹp hơn.

Tết mồng 5 còn bán cơm rượu ủ, bánh đa và lạc luộc. Mẹ tôi bảo sáng sớm chưa ăn gì thì ăn ít cơm rượu ủ để “giết” giun sán ký sinh trong người. Chả biết đúng hay không nhưng ai cũng ăn và thấy vị của nó dường như thơm, ngọt hơn mọi ngày.

Sau buổi lượn chợ quê, tiễn chân tôi ra ngõ, bao giờ mẹ cũng dúi vào tay tôi những thức quà quê bình dị, ấm áp. Và trong những thức quà quê ấy bà không bao giờ quên túi chè mùng 5 đã phơi khô, ủ kỹ dành riêng cho sở thích của tôi kèm lời dặn mà tôi đã thuộc làu: “Nhớ về bỏ vào hũ sạch và khô cho chè khỏi mốc nhé con”.

Dù bận, tôi vẫn cố vòng xe đi qua khu Đình Bảng để xem chợ chè mồng 5 đã vãn chưa. Nắng đã lên, rót mật vàng ươm cả đoạn đường dài, vậy mà mùi hương vẫn còn quện bước chân người qua lại như níu giữ nét hồn quê. Nét hồn quê ấy đâu dễ phôi phai theo năm tháng...

Lê Hiếu


Lê Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]