(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước thực trạng chữ viết của đồng bào Thái đang bị mai một, huyện Bá Thước đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy chữ viết thông qua việc mở lớp giảng dạy chữ Thái.

Chữ viết của đồng bào Thái ở Bá Thước đang từng ngày hồi sinh

Trước thực trạng chữ viết của đồng bào Thái đang bị mai một, huyện Bá Thước đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và phát huy chữ viết thông qua việc mở lớp giảng dạy chữ Thái.

Chữ viết của đồng bào Thái ở Bá Thước đang từng ngày hồi sinh

Nghệ nhân Ưu tú Hà Công Mậu ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) có nhiều đóng góp trong việc trao truyền chữ viết của dân tộc Thái cho thế hệ trẻ.

Dân tộc Thái chiếm 35% dân số toàn huyện, vì vậy văn hóa Thái có ảnh hưởng khá lớn đến các dân tộc khác trong huyện. Tuy nhiên hiện đồng bào Thái còn rất ít người biết chữ Thái, chỉ sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao tiếp hàng ngày. Trước thực trạng này, huyện Bá Thước đã chỉ đạo các xã có đồng bào dân tộc Thái tích cực đẩy mạnh việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái.

Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, trên địa bàn xã Kỳ Tân còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, với những điệu khắp, trang phục dân tộc, nếp nhà sàn, đặc biệt chữ viết của người Thái. Xã Kỳ Tân đã phối với một số ban, ngành huyện Bá Thước mở lớp dạy tiếng Thái với 40 học viên. Hiện nay, các học viên này đã biết đọc, biết viết và được cấp chứng chỉ tiếng Thái.

Qua tìm hiểu được biết, lý do các học viên tham gia học tiếng Thái đơn giản là muốn hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình, từ đó bảo tồn, trao truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Ông Hà Văn Năm ở thôn Buốc, xã Kỳ Tân - học viên của lớp học tiếng Thái, cho biết: Dù mắt đã không còn sáng như trước, tai không còn thính, nhưng qua loa truyền thanh tôi được biết xã mở lớp dạy chữa Thái nên đăng ký tham gia. Hiện tôi đã biết đọc, biết viết và thời gian tới tôi sẽ dành nhiều thời gian dạy lại cho con cháu, anh em trong dòng họ.

Ông Lục Văn Ba, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Tân, cho biết: Những năm qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, phong trào học chữ Thái trong cộng đồng người Thái ở Kỳ Tân có bước phát triển mạnh mẽ. Việc mở lớp dạy tiếng Thái không chỉ để mọi người hiểu về chữ viết, mà còn giúp mọi người hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp của dân tộc mình.

Cùng với xã Kỳ Tân, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bá Thước luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy chữ viết của dân tộc Thái.

Theo thống kê của UBND huyện Bá Thước, từ năm 2018 đến nay huyện Bá Thước đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức mở được 6 lớp học chữ Thái, gần 1.000 học viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã Thành Lâm, Lũng Niêm, Kỳ Tân, thị trấn Cành Nàng phối hợp với các nghệ nhân của huyện mở 4 lớp tiếng Thái. Từ những lớp học chữ Thái, học viên có khả năng truyền dạy lại cho người khác, qua đó hoạt động học tập, nghiên cứu tiếng nói và chữ Thái thu hút đông đảo đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện Bá Thước.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước cho biết: Bảo tồn và phát huy chữ viết của dân tộc Thái là việc làm rất cấp thiết bởi việc dạy và học chữ Thái không chỉ tìm lại những nét đẹp, tinh hoa trong văn hóa Thái, mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.

“Trong thời gian tới, huyện Bá Thước tiếp tục gìn giữ bảo tồn và truyền dạy chữ Thái không chỉ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người Thái cao tuổi, mà còn hướng đến các đối tượng là thế hệ trẻ người Thái, để họ có thể viết được chữ dân tộc mình”, ông Trương Văn Minh cho biết thêm.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]