(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Trải qua những biến cố lịch sử, các lễ hội đã bị mai một, thất truyền. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh và các ngành chức năng, lễ hội ở nhiều huyện miền núi được phục dựng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chuyển biến tích cực trong phục dựng lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số

Mỗi dân tộc thiểu số miền Tây xứ Thanh đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Trải qua những biến cố lịch sử, các lễ hội đã bị mai một, thất truyền. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh và các ngành chức năng, lễ hội ở nhiều huyện miền núi được phục dựng, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Chuyển biến tích cực trong phục dựng lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc thiểu sốLễ hội Mường Xia (Quan Sơn) thu hút đông đảo Nhân dân tham dự.

Lễ hội Mường Xia là một trong những lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quan Sơn nói riêng và dân tộc Thái tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đây là dịp để người dân tri ân, tưởng nhớ công lao của tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lớn trong việc diệt trừ quân xâm lược, trấn ải biên cương và mang lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho người dân dọc biên giới miền Tây xứ Thanh. Song, thời cuộc thay đổi, sau lần tổ chức cuối cùng vào năm 1957, lễ hội lặng lẽ tồn tại ở bản Trung Sơn, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn bằng việc duy trì cúng tế hàng năm mỗi dịp tết đến, xuân về. Sau gần 6 thập kỷ bị mai một, thất truyền đến năm 2010, lễ hội Mường Xia được khôi phục. Kể từ đây, vào ngày 9 - 10 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, xã Sơn Thủy lại tổ chức lễ hội Mường Xia và cứ 5 năm, huyện Quan Sơn lại tổ chức một lần với quy mô cấp huyện. Năm 2022, lễ hội Mường Xia được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia. Bắt đầu từ năm 2023, lễ hội Mường Xia sẽ được huyện Quan Sơn tổ chức hàng năm, với quy mô cấp huyện.

Việc lễ hội Mường Xia được phục dựng đã đáp ứng được niềm mong mỏi của đồng bào các dân tộc Thái nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện Quan Sơn nói chung. Bởi lễ hội này, không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của Tư Mã Hai Đào, cầu phúc, cầu an mà còn là dịp để Nhân dân trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, tham gia những trò chơi, trò diễn, tăng tính gắn kết cộng đồng. Thông qua lễ hội Mường Xia góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cùng với lễ hội Mường Xia huyện Quan Sơn, bằng nguồn lực xã hội hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách địa phương, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã phục dựng được nhiều lễ hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Tây, tiêu biểu như: lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Mường Khô (Bá Thước), lễ hội Làm Vía Kéo Xi (Cẩm Thủy), lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc), lễ hội Kim Chiêng Boọc Mạy (Như Thanh), lễ hội Nàng Han (Như Xuân), lễ cấp sắc (Ngọc Lặc), lễ hội Chá Mùn (Lang Chánh), lễ hội truyền thống xã Giao Thiện (Lang Chánh), lễ hội Nàng Nga - Hai Mối (Cẩm Thủy), lễ hội Bàn Bù (Ngọc Lặc), lễ hội đền Giếng, xã Quang Trung (Ngọc Lặc), lễ hội đền Cọn, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc), lễ hội dâng trâu tế trời (Như Xuân)...

Trao đổi với chúng tôi, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho biết: Trong quá trình phục dựng các lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã hướng dẫn các cơ quan chức năng, địa phương phục dựng lễ hội theo hướng nghiên cứu kỹ lễ hội để tái hiện, tiếp thu có chọn lọc để phục dựng đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng một cách tự nhiên; đảm bảo tiết kiệm, lành mạnh; huy động sự tham gia tự nguyện của cộng đồng và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại. Đặc biệt, trong quá trình phục dựng, không được tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc của lễ hội văn hóa dân gian; tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội.

Qua tìm hiểu thực tế được biết, các lễ hội được phục dựng và tổ chức thực hiện đã đáp ứng đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi. Đối với các lễ hội gắn với di tích lịch sử văn hóa, phần lễ diễn ra trang trọng, đúng với lịch sử của di tích. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, tạo không khí sôi nổi, thu hút đông đảo Nhân dân. Thông qua lễ hội, các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy; các yếu tố văn hóa mới tiến bộ được lồng ghép nhằm tăng cường giao lưu, quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc; thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển; loại bỏ hủ tục. Nhiều lễ hội được phục dựng và tổ chức thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân sinh sống tại xung quanh vùng di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từ việc cung cấp dịch vụ du lịch.

“Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các địa phương phục dựng các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Đề nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ, tăng nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để bảo tồn, phục dựng lại các lễ hội truyền thống đã bị mai một, ít được duy trì. Đối với các lễ hội đã được phục dựng, tiếp tục chỉ đạo các địa phương cần quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí cũng như định hướng để hoạt động lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội các huyện miền Tây xứ Thanh ngày càng phát triển”, bà Vương Thị Hải Yến cho biết thêm.

Bài và ảnh: Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]