(vhds.baothanhhoa.vn) - Đồng hành cùng Bình Định Vương Lê Lợi trong suốt những năm tháng khởi nghĩa Lam Sơn đầy gian khó, đến khi mất đi, được truyền thuyết và sử sách nhắc nhớ bởi đức hy sinh. Đó là Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người vợ tào khang mà vua Lê Thái Tổ đã nói: “Bà là chúa của cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”.

Chuyện kể người vợ “tào khang” của vua Lê Thái Tổ

Đồng hành cùng Bình Định Vương Lê Lợi trong suốt những năm tháng khởi nghĩa Lam Sơn đầy gian khó, đến khi mất đi, được truyền thuyết và sử sách nhắc nhớ bởi đức hy sinh. Đó là Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người vợ tào khang mà vua Lê Thái Tổ đã nói: “Bà là chúa của cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”.

Chuyện kể người vợ “tào khang” của vua Lê Thái TổDi tích lịch sử đền Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần, xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) được trùng tu đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách.

Người vợ tào khang

Theo sách “Các vị thần thờ ở xứ Thanh”, vua Lê Thái Tổ khi giữ chức Phụ đạo ở Khả Lam, một lần sang sông, trời gần tối, trên nương dâu có bóng dáng người con gái vẫn đang miệt mài hái lá. Lại gần, quả là thục nữ giai nhân, chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ, đáng bậc phu nhân. Thái Tổ hỏi ra mới biết người con gái ấy người làng Quần Lai, xã Đa Mỹ, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), bèn đặt lễ hỏi làm vợ. Khi chồng tự xưng Bình Định Vương Lê Lợi, dựng cờ khởi nghĩa nơi núi rừng Lam Sơn, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian lao, nguy hiểm đói khát... nhưng vẫn kiên trinh giữ đạo làm tôi, làm vợ. Năm 1423, bà sinh con trai là Bang Cơ (về sau nối ngôi, tức Lê Thái Tông).

Khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra, Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân thường xuyên di chuyển. Năm 1425, khi đem quân đánh giặc Minh ở Nghệ An, đến thành Triều Khẩu thì bà (tức Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần) mất với nhiều bí ẩn và truyền thuyết. Tương truyền, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông, trời đang nắng bỗng nổi giông tố mù mịt, sông nổi sóng ba đào, người, ngựa, voi không tài nào vượt qua. Hỏi thổ dân trong vùng được biết sông có thần Giản Hộ, cứ ba năm phải hiến một người con gái, mấy năm nay loạn lạc dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ. Có người khuyên nhà vua bắt một người con gái hiến cho thần. Nhưng, Bình Định Vương Lê Lợi khẳng khái: “Ta dựng cờ khởi nghĩa vì dân, nhiều năm nay bá tính bị giặc Minh giết người, cướp của gây bao tai ương, tang tóc, há ta lại bắt thêm một người dân vô tội nữa chết sao?”...

Về cái chết của bà, trong “Đại Việt thông sử”, Lê Quý Đôn chép lại: Lê Thái Tổ đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên, nơi này có đền thờ thần Phổ Hộ (Giản Hộ). Ban đêm vua mộng thấy có vị thần đến bảo, rằng: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ xin phù hộ tướng quân diệt giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”. Hôm sau vua gọi các bà vợ đến, kể lại giấc mơ và hỏi: “Có ai chịu đi làm vợ thần không? Sau này ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm Thiên tử”. Không ai nói gì, chỉ có bà (Phạm Thị Ngọc Trần) quỳ xuống, thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Lúc bấy giờ, con trai Bang Cơ (Nguyên Long) mới được ba tuổi.

Bình Định Vương Lê Lợi làm lễ tế thần, dùng vợ mình là Phạm Thị Ngọc Trần làm vật tế, đó là ngày 24 tháng 3 (1425). Khi bình được thiên hạ, lên ngôi vua, vẫn không quên chuyện xưa, bảo rằng: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần nước ta, không ai dám trái”.

Về sau, vua Lê Thái Tổ lúc chọn Quận vương Tư Tề làm Giám quốc có ý muốn truyền ngôi. Một hôm giữa trưa, vua nằm mộng thấy bà (Phạm Thị Ngọc Trần) trách móc: “Nhà vua phụ công của thiếp. Từ hồi mới khởi nghĩa, đã đem thiếp cho thần, nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng”. Tỉnh dậy, bồi hồi xúc cảm, vua quyết định lập Bang Cơ làm người nối ngôi.

Năm Giáp Dần (1434), Lê Nguyên Long lên ngôi, lấy niên hiệu Thiệu Bình, truy phong mẹ Phạm Thị Ngọc Trần làm Cung từ Quốc Thái mẫu, đem thần chủ vào thờ phụng ở Thái miếu, ghi danh sách vàng; sau đó lần lượt truy tôn là Cung từ Quang mục Quốc Thái mẫu và Hoàng Thái hậu.

Chưa có tài liệu nào ghi chép cụ thể về thời gian Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần về làm vợ Lê Lợi. Song, các nhà nghiên cứu đều đồng thuận quan điểm cho rằng bà về làm vợ thời gian Lê Lợi giữ chức Phụ đạo ở Khả Lam, trước khi khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra. Bà được đánh giá là nữ kiệt toàn tâm, toàn ý giúp chồng mưu đồ việc lớn, việc lo ăn, ở cho mấy trăm con người quả không dễ, lại còn lo bịt tai, che mắt kẻ thù. Theo sách “Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần” (Nxb Thanh Hóa, 2020): “Ba lần nghĩa quân Lam Sơn rút quân lên Linh Sơn, khi hết lương, Lê Lợi đã cử bà cùng Nguyễn Nhữ Lãm về miền xuôi huy động gạo muối, dùng thuyền con của vạn chài tiếp tế cho nghĩa quân... Sự hy sinh anh dũng của bà Phạm Thị Ngọc Trần là hồi trống thúc giục nghĩa quân Lam Sơn tiến công ra Bắc, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, giành lại chủ quyền, độc lập dân tộc”. Nhận xét về sự hy sinh này, nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn trong bài viết “Sự quyên sinh vì nước của bà Phạm Thị Ngọc Trần dưới góc nhìn chính trị và tín ngưỡng văn hóa” đã nhận xét: “Cổ tục tế thần Phổ Hộ ở Trào Khẩu (Triều Khẩu) khá phổ biến ở nước ta xưa kia... Lê Lợi không nỡ bắt người dân thường nào phải hy sinh làm vật tế thần, ông kêu gọi những người thiếp của mình tự nguyện. Sự vận động của ông đã được người thiếp trẻ Phạm Thị Ngọc Trần hưởng ứng với mục đích để chồng (Lê Lợi) đánh thắng giặc Ngô, lập nên nghiệp đế...”.

Di tích lịch sử đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần

Tương truyền, vào đời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740 - 1786), một năm sông Lương (sông Chu) lụt lội khủng khiếp, quan tài của Hoàng Thái hậu nổi lên trôi theo dòng nước đến vùng sông thuộc làng Hương Phấn, xoay mấy vòng như dừng chân rồi theo dòng nước về Láng Đọng Thượng (tức làng Thượng Vôi ngày nay) thì nằm lại. Nhân dân mai táng và lập đền Quốc mẫu Hoàng Thái hậu. Theo sách “Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần”, Nxb Thanh Hóa, 2020) thì “Đền rất linh thiêng, đứng đầu trong ngũ linh thần miếu ở huyện Lôi Dương (Thọ Xuân). Năm 1944, sông Chu lụt, nước dâng cao, đền thờ có nguy cơ lở xuống sông, Nhân dân làng Thượng Vôi đã di dời đền vào khu vực di tích hiện nay với hướng Tây Bắc, nhìn về Lam Kinh. Hàng năm, vào ngày giỗ của bà (24 tháng 3 âm lịch), Nhân dân khắp nơi cùng trở về di tích, tổ chức lễ hội".

Chuyện kể người vợ “tào khang” của vua Lê Thái TổBên trong di tích lịch sử đền Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần.

Năm 2015, kỷ niệm 590 năm ngày mất của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa đã phối hợp với hội đồng họ Lê Thanh Hóa, UBND xã Xuân Hòa tổ chức hội thảo khoa học: “Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn”. Tại hội thảo, các nhà khoa học lịch sử đã tập trung đánh giá khách quan vai trò và đóng góp của Hoàng Thái hậu cùng gia đình bà trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: “Di tích lịch sử cấp tỉnh đền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần trên địa bàn xã Xuân Hòa là địa điểm tâm linh để Nhân dân tưởng nhớ, tri ân công đức. Năm 2020, trên nền di tích xuống cấp, với sự hỗ trợ kinh phí của các cấp, ngành và nguồn xã hội hóa, đền thờ đã được trùng tu kinh phí giai đoạn 1 là 15 tỷ đồng”...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]