(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 30km, làng Quần Tín, xã Thọ Cường (Triệu Sơn) từ lâu đã được biết đến như một “Thủ đô văn hóa” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954).

Chuyện về khu lưu niệm văn nghệ kháng chiến ở Quần Tín

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 30km, làng Quần Tín, xã Thọ Cường (Triệu Sơn) từ lâu đã được biết đến như một “Thủ đô văn hóa” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1947 - 1954).

Chuyện về khu lưu niệm văn nghệ kháng chiến ở Quần TínVăn nghệ sĩ xứ Thanh trở về thăm “chiến khu văn hóa” Quần Tín những ngày cuối tháng 4-2022.

Gần 8 tháng sau ngày Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời, ngày 4-8-1949, Hội Văn nghệ khu IV đã được “khai sinh” tại đình làng Quần Tín. Nơi đây, Trường Đại học Văn hóa - trường văn hóa nghệ thuật đầu tiên được mở, do nhà văn Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng; xưởng Mỹ thuật Liên khu IV cũng ra đời do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách, với sự tham gia của hầu hết các họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Quần Tín là cái nôi đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật là tiền thân của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, là thủ đô văn hóa kháng chiến. Nơi đây hội tụ những con người tài năng nhất của một thời, với tất cả những nghệ sĩ, nhà văn, nhà chính trị, tướng lĩnh. Làng cũng là nơi hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu ủy khu IV (1948 - 1949); là nơi “cắm” trụ sở cơ quan của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn; địa điểm “rèn cán chỉnh quân” của các sư đoàn 320, 308, đồng thời cũng là nơi tập kết của nhiều đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam đi làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp... Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông lưu trú từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951.

Ngày ấy, ở Quần Tín có 70 nóc nhà thì có tới 35 hộ luôn có người tá túc. Họ đã tự nguyện chở che, đùm bọc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho văn nghệ sĩ và các nhà chính trị hoạt động. Ngay cả đình, đền, trường làng cũng được dành cho các văn nghệ sĩ dạy, học và làm cách mạng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khi đang còn làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong lần vào thăm địa điểm này đã nhấn mạnh: “Phải có nhà bia, nhà văn hóa xã, khuôn viên cây xanh, có nơi cho văn nghệ sĩ các thế hệ đi về cội nguồn...”.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến (Triệu Sơn), người đã dành nhiều thời gian và công sức thu thập tài liệu, vận động người dân hiến đất khi còn làm Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường, kể lại: Chỉ trong 2 năm, từ năm 2011 đến năm 2012, Nhân dân xã Thọ Cường, nhất là người dân làng Quần Tín, đã có 598 hộ hiến 38.160m2 đất thổ cư và 18.120m2 tường rào xây quán và nhà cấp bốn để làm đường xây dựng nông thôn mới. Khi đó, các hộ gia đình nằm trong khu quy hoạch di tích lịch sử cách mạng đã sẵn sàng dời nhà đi nơi khác, nhường đất để xây dựng nhà bia và khu lưu niệm.

Ngày 31-1-2013, niềm vui đến với người dân làng Quần Tín khi Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định công nhận Địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam (thời kỳ 1947 - 1954) làng Quần Tín là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Tuy vậy, đến nay, sau gần 10 năm, di tích vẫn lặng lẽ và chưa có tín hiệu cụ thể để hiện thực hóa dự án. Vậy nên trong số 13 gia đình có cán bộ kháng chiến về ở liên tục trong suốt 8 năm (1947 - 1954) tình nguyện hiến 7.000 m2 đất, đã có 2 gia đình xây dựng nhà kiên cố vì... không thể chờ thêm trong khi nhà đã xập xệ, xuống cấp.

Trong khi đó, đã có vài chục cuộc họp diễn ra, đơn kiến nghị từ xã lên huyện, từ tỉnh ra Trung ương về việc xây dựng nhà bia, khu văn hóa của Hội Văn nghệ Việt Nam tại làng Quần Tín. Ông Lê Trung, Chủ tịch UBND xã Thọ Cường khẳng định: Sau 5 lần điều chỉnh dự toán, thiết kế, khó khăn nhất vẫn là nguồn kinh phí.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do Địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam tại làng Quần Tín đến nay vẫn chưa được triển khai, bà Lê Thị Sen, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Triệu Sơn, cho biết: “Ngày 14-2-2022, trong cuộc làm việc với cán bộ, Nhân dân làng Quần Tín, xã Thọ Cường, đồng chí Mai Nhữ Thắng, Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn đã đề nghị xã Thọ Cường trên cơ sở tư liệu lịch sử đã có, xây dựng cuốn lịch sử của làng Quần Tín gửi các cơ quan chức năng cấp tỉnh xem xét, đề nghị Trung ương để có nguồn kinh phí xây dựng lại Khu Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh làng Quần Tín”...

Đến nay, các cụ ông cụ bà, những người che chở, đùm bọc văn nghệ sĩ trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp hầu hết đã không còn. Song, những tấm chân tình của người dân Quần Tín với cách mạng, với những con người đã đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà vẫn vẹn nguyên. Tôi còn nhớ nhà văn Nguyễn Quang Hà (Thừa Thiên Huế) trong lần trở về Quần Tín có nói lên mong muốn của mình: Lớp lớp các thế hệ thuộc lòng những bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, Màu tím hoa sim, Bài ca vỡ đất, Phá đường... viết ở Quần Tín. Những bài thơ ấy giúp nhiều người hiểu thêm không khí ở “Chiến khu của văn nghệ thời kháng chiến”.

Đến Quần Tín để hiểu thêm những điều tốt đẹp một thời người ta dành và trao cho nhau. Hy vọng, trong thời gian sớm nhất Địa điểm khu lưu niệm Hội Văn nghệ Việt Nam sẽ được xây dựng, để nơi này không chỉ là địa chỉ về nguồn của văn nghệ sĩ, mà còn là điểm đến mỗi khi du khách về với xứ Thanh.

Tương truyền, từ thế kỷ XIV, Bình Định Vương Lê Lợi hành quân qua và nghỉ lại tại làng đã được dân làng đón tiếp, chu cấp lương thảo. Ban đêm chủ tướng nghĩa quân Lam Sơn được Thần hoàng làng báo mộng: Sáng sớm ra giếng làng, thấy làn khói bốc lên từ giếng bay về hướng nào thì tiến quân về hướng ấy, ắt thắng trận. Thắng trận trở về, nhà vua sắc phong, ban thưởng, đặt tên cho làng là Quần Tín, có nghĩa là nơi hội tụ của niềm tin.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]